Đổi mới trong công tác tư tưởng ở Yên Thành
(Baonghean) - “Tư tưởng không thông, vác bình không cũng nặng” - là cách nói dân dã, dễ hiểu về công tác tư tưởng chính trị khi không được thực hiện có hiệu quả. Xác định rõ đây là một trong những nội dung trọng tâm gắn với mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian qua các cấp ủy huyện Yên Thành đã bằng nhiều giải pháp triển khai tốt công tác chính trị tư tưởng, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Tạo sự đồng thuận thông qua công tác chính trị tư tưởng
Tân Thành là một xã miền núi, cách trung tâm huyện Yên Thành hơn 20 km về phía Tây Bắc. Dân số xã hơn 1 vạn người, địa bàn rộng với tổng diện tích tự nhiên hơn 2.500 ha. Bên cạnh đó, xã Tân Thành có khá đông đồng bào theo đạo Thiên chúa giáo. Chính vì vậy, theo Bí thư Đảng ủy xã Phạm Văn Chính, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, Tân Thành có những đặc thù riêng, nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhận thức rõ thực tiễn khó khăn nên công tác tư tưởng luôn được cấp ủy coi trọng.
Mỗi chủ trương, nhiệm vụ trước khi triển khai đều phải “thông” tư tưởng từ trong tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hàng Đảng bộ xã đến “quân - dân - chính” mở rộng và nhân dân. Bên cạnh đó, chủ trương được truyền thông rộng rãi thông qua hệ thống truyền thanh xã, vận động tại các chi bộ, trong đó cán bộ, đảng viên là nhân tố nòng cốt.
Trong thực hiện chương trình NTM, việc đóng góp làm đường đến giữ gìn môi trường, trồng thảm hoa, cây cảnh, làm vườn mẫu, thắp sáng đường quê… xã đều lựa chọn từng tổ dân cư, thôn xóm để tập trung chỉ đạo, sau đó tác động trở lại tư tưởng cho cán bộ, nhân dân ở các tổ dân cư và thôn xóm khác cùng thực hiện.
Bê tông hóa kênh mương, làm đường hoa, trồng cây xanh tại xã Tân Thành. Ảnh: Mai Hoa |
Tuy nhiên, mọi nhiệm vụ đều không dễ dàng, vẫn có trường hợp đảng viên và người dân không đồng thuận thực hiện. “Những trường hợp như thế này, vai trò của cộng đồng tổ liên gia được phát huy để khơi dậy trách nhiệm của người dân trước cộng đồng, bởi mỗi người dân không thể tách và tự mình cô lập khỏi cộng đồng chung” - Bí thư Đảng ủy xã Phạm Văn Chính chia sẻ kinh nghiệm.
Nhờ chú trọng công tác tư tưởng, từ một xã khó khăn với chỉ khoảng 2 km đường nhựa, đến nay hệ thống giao thông của xã Tân Thành đã được nhựa và bê tông hóa khoảng 70 km, cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đảm bảo đồng bộ, Tân Thành nằm trong tốp những xã NTM đẹp toàn tỉnh. Trong phát triển kinh tế nông nghiệp, Tân Thành cũng tạo được một số bước chuyển mới với 30% diện tích sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa chất lượng cao; chuyển đổi 50% diện tích đồi vệ sang trồng dứa Kaien; đưa mô hình nhà lưới trồng rau thủy canh vào sản xuất; thực hiện “dồn điền, đổi thửa” đưa đất 5% của xã về tập trung để tạo điều kiện cho người dân thuê đất mở trang trại, gia trại với tổng hơn 20 gia trại, trang trại hiện có.
Quang cảnh xã Tiến Thành (Yên Thành). Ảnh tư liệu: Thái Hồng |
Cũng là địa bàn khó khăn, xã Hùng Thành được tách từ xã Hậu Thành vào năm 2007 với điều kiện hạ tầng yếu kém, đời sống nhân dân thấp, bình quân thu nhập đầu người chỉ đạt 22,6 triệu đồng/người/năm. Một số chủ trương, nhất là những bất cập trong quản lý đất đai đã tác động đến tư tưởng trong nhân dân, một số phần tử cực đoan trong cộng đồng lợi dụng kích động để người dân đơn thư khiếu kiện, có cả khiếu kiện đông người trên địa bàn.
Từ thực tiễn đó, vấn đề được Đảng ủy xã Hùng Thành ưu tiên sau đại hội nhiệm kỳ 2015 - 2020 là làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự ổn định trong nhân dân thông qua tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, phản ánh, kiến nghị của người dân.
Địa phương cũng duy trì hoạt động đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân theo định kỳ, qua đó nhiều vấn đề của người dân được thông tin, giải quyết kịp thời, tạo sự minh bạch và đội ngũ cán bộ, công chức cũng trăn trở, trách nhiệm với công việc hơn. Nhờ đó, từ địa phương có khá nhiều đơn thư phức tạp, đến nay trên địa bàn chỉ còn duy nhất 1 đơn thư liên quan đến tranh chấp đất rừng.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Phúc - Bí thư Đảng ủy xã Hùng Thành, để đảm bảo sự ổn định về tư tưởng và đồng thuận cao trong nhân dân, Đảng ủy xã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức trách nhiệm, tận tâm, tận tụy với công việc thông qua ban hành hệ thống quy chế và quản lý bằng quy chế; định hướng rõ nhiệm vụ cho cơ quan, tổ chức. Riêng khối đoàn thể, Hội Phụ nữ đảm nhận phần việc tuyên truyền, vận động hội viên xây dựng các đoạn đường kiểu mẫu, đảm nhận công việc vệ sinh môi trường; Hội Nông dân triển khai các mô hình chăn nuôi gà đồi, nuôi ong lấy mật; Đoàn Thanh niên đảm nhận việc tuyên truyền, hỗ trợ các đoàn viên thanh niên xuất khẩu lao động và trồng cây xanh trên các tuyến đường; Hội Cựu chiến binh duy trì hoạt động câu lạc bộ thời sự và đảm nhận tuần tra, giữ gìn an ninh trật tự ở các khu dân cư; MTTQ làm tốt vai trò giám sát, phản biện và nắm bắt tình hình nhân dân để phản ánh, tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền vào cuộc xử lý cùng với các cơ sở xóm…
Mô hình rau nhà lưới của gia đình chị Hà Thị Sương tại xã Hồng Thành (Yên Thành). Ảnh: Minh Chi |
Tháo gỡ các vướng mắc
Có thể nói, ở Yên Thành, công tác tư tưởng cấp cơ sở luôn quan tâm trên cơ sở định hướng kịp thời của cấp ủy, chính quyền và MTTQ, các đoàn thể cấp huyện; bởi quan điểm, nơi nào phát sinh vấn đề thì nơi đó giải quyết và để đảm bảo lãnh đạo, chỉ đạo tốt nhiệm vụ chính trị địa phương, trước hết phải quan tâm làm tốt công tác tư tưởng, bởi “tư tưởng không thông, vác bình không cũng nặng”.
Để tạo được sự nhận thức đó cho cơ sở, theo đồng chí Hoàng Văn Minh - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Yên Thành, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HU ngày 31/12/2015 về tiếp tục đẩy mạnh công tác tư tưởng, giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó xác định rõ, công tác tư tưởng phải đi trước, tạo sự thống nhất về nhận thức, xây dựng niềm tin và động lực hành động. Ở các cấp chú trọng hơn việc cung cấp và công khai các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như các quy định pháp luật của địa phương đến với cán bộ, đảng viên, nhân dân. Quá trình triển khai tập trung công tác tuyên truyền, tăng cường trao đổi, đối thoại với cán bộ, đảng viên, nhân dân nhằm tìm sự thống nhất chung.
Nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân là giải pháp cho công tác tư tưởng, Ảnh: Mai Hoa |
Trong 3 năm từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực Huyện ủy đã tổ chức 3 cuộc đối thoại chuyên đề; UBND huyện tổ chức gần 50 cuộc đối thoại và cấp cơ sở tổ chức hàng trăm cuộc đối thoại.
Kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương có nhiều chuyển biến tích cực. Nổi bật là xây dựng NTM, đã có 34/38 xã đạt chuẩn, tăng so với đầu nhiệm kỳ 21 xã; diện tích sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa đạt 35 - 40%, tương đương 8.000 - 9.000 ha (đầu nhiệm kỳ mới chỉ đạt 10%). Trên địa bàn huyện cũng đã triển khai được 4 mô hình nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau và củ quả; thu hút được một số dự án đầu tư lò đốt rác công nghệ cao tại xã Minh Thành, Sơn Thành, Tăng Thành, Văn Thành; dự án đầu tư khu du lịch tâm linh, sinh thái đền - chùa Gám; mở rộng giai đoạn II, nhà máy may và một số dự án đường giao thông…
Huyện Yên Thành có 35 - 40 % diện tích lúa hàng hóa. Ảnh: Minh Chi |
Bên cạnh nhận thức về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương nhìn chung đã được nâng lên thì vẫn có một bộ phận chưa đồng hành, chưa vào cuộc tham gia. Việc giải quyết một số vấn đề phát sinh; tháo gỡ khó khăn cho người dân; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của nhân dân từ cấp ủy, chính quyền hiệu quả chưa cao; khó khăn và hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu cải thiện, nâng cao đời sống người dân... Đó là những vấn đề đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền các cấp ở Yên Thành cần trăn trở để làm tốt hơn nữa về tư tưởng, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, tạo động lực phát triển mới trong thời gian tới ở huyện lúa.