Pháp luật

Dự án chất lượng cao thành nơi... chăn bò!

Tiến Đông 19/07/2024 06:22

Đã 10 năm kể từ ngày được chấp thuận chủ trương đầu tư, Dự án Tổ hợp sản xuất tinh dầu, dược liệu, thực phẩm chức năng công nghệ cao, nay là Dự án Tổ hợp trồng, sản xuất, chế biến chè xanh xuất khẩu chất lượng cao, của Công ty TNHH VN Nam Đàn Vạn An tại xã Thanh Thủy (Thanh Chương) vẫn là một bãi đất trống.

Kỳ vọng lớn

Ngày 10/10/2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4560/QĐ-UBND.CNTM, chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Tổ hợp sản xuất tinh dầu, dược liệu, thực phẩm chức năng công nghệ cao tại xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương.

Dự án do Công ty TNHH VN Nam Đàn Vạn An (gọi tắt là Công ty Nam Đàn Vạn An) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 217 tỷ đồng, trên diện tích hơn 33,7ha. Dự án sẽ có công suất khoảng 250 ngàn tấn nguyên liệu lá (sả)/năm. Đặc biệt, dự kiến tất cả nguyên liệu đầu vào của nhà máy sẽ do người dân tự trồng và bán lại cho nhà máy. Nhà đầu tư cũng đã cam kết thu mua sản phẩm, và mang lại thu nhập cho người dân cao hơn 200 - 300% so với trồng lúa hay hoa màu khác.

bna_9.jpg
Dự án Tổ hợp trồng, sản xuất, chế biến chè xanh xuất khẩu chất lượng cao được triển khai trên diện tích rộng hơn 33ha. Ảnh: Tiến Đông

Mặc dù được kỳ vọng sẽ tạo việc làm ổn định và tạo sinh kế thoát nghèo cho hàng nghìn hộ nông dân địa phương. Đặc biệt, khi thực hiện dự án này, đã có gần 20 hộ dân được di chuyển ra khỏi khu vực này và bố trí tái định cư. Phía chủ đầu tư cũng cam kết sẽ khởi công công trình trong năm 2014 và hoàn thành đi vào hoạt động vào quý I/2015. Dẫu vậy, đến tháng 6/2015, Công ty Nam Đàn Vạn An đã có văn bản gửi UBND tỉnh xin giãn tiến độ thực hiện dự án đến tháng 6/2017 và được chấp thuận. Tuy nhiên, đến nay sau nhiều năm, khu đất rộng hơn 33ha giờ đây vẫn là một bãi đất hoang.

Thực tế tại khu vực thực hiện dự án, chúng tôi (PV) nhận thấy, cả một khu vực rộng mênh mông nằm bên phải Quốc lộ 46 hướng từ cầu Rộ lên Cửa khẩu Thanh Thủy đang bị bỏ hoang. Một số đoạn tôn trước đây chủ đầu tư quây lại làm hàng rào cũng đã bị bay mất. Tiến sâu vào vào phía bên trong chỉ thấy trơ trọi một khung nhà bằng sắt, vốn là nhà điều hành của dự án, thế nhưng sau 10 năm cũng chỉ còn lại trơ khung.

bna_8.jpg
Nhà điều hành của dự án chỉ còn trơ khung sắt. Ảnh: Tiến Đông

Ông Hà Hồng Thái - Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy cho biết: Việc giải phóng mặt bằng đã hoàn tất và bàn giao cho nhà đầu tư. Thế nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Nhiều năm trước, thấy đất bỏ hoang phí, người dân đã đề nghị được trồng sắn hay các loại cây hoa màu ngắn ngày để tận dụng đất nhưng phía chủ đầu tư không đồng ý. Nếu trồng sắn hay trồng keo thì cũng đã được mấy vụ rồi.

Ông Hà Hồng Thái - Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy

"Bình mới rượu cũ"

Sau nhiều năm "đắp chiếu", Dự án Tổ hợp sản xuất tinh dầu, dược liệu, thực phẩm chức năng công nghệ cao tại xã Thanh Thủy mãi không triển khai khiến người dân địa phương rất thất vọng, và đến nay, họ lại bất ngờ khi dự án lại được "khoác" lên một cái tên mới.

Cụ thể, ngày 7/6/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 39/QĐ-UBND chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư của Dự án Tổ hợp sản xuất tinh dầu, dược liệu, thực phẩm chức năng công nghệ cao tại xã Thanh Thủy. Theo đó, dự án này được đổi tên thành, Dự án Tổ hợp trồng, sản xuất, chế biến chè xanh xuất khẩu chất lượng cao.

bna_6.jpg
Sau khi điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án này vẫn chưa tiến hành. Ảnh: Tiến Đông

Ngoài ra quy mô, công suất của dự án cũng được điều chỉnh, trong đó tổng diện tích đất dự kiến sử dụng là hơn 33,7ha (đã loại trừ diện tích đất nhà văn hóa). Các công trình hạng mục chính gồm: Nhà máy chế biến, khu văn phòng, nhà kho, vườn ươm giống, đất trồng chè, sân đường nội bộ. Công suất của dự án 4.000 tấn chè sản phẩm/năm.

Thế nhưng, tổng mức đầu tư của dự án thì đã được điều chỉnh theo hướng giảm xuống còn 170,35 tỷ đồng. Đặc biệt, tiến độ thực hiện của dự án được điều chỉnh hoàn thành trong quý I/2023. Và đến thời điểm này, khu đất thực hiện của dự án vẫn là bãi đất hoang, cỏ dại mọc đầy và là nơi chăn thả gia súc của người dân.

bna_qd.jpg
Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư của UBND tỉnh. Ảnh: Tiến Đông

Điều đáng nói là tại Quyết định số 39 chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty TNHH VN Nam Đàn Vạn An phải khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư để triển khai thực hiện dự án; dự án chỉ được phép khi chủ đầu tư hoàn thành đầy đủ các thủ tục, điều kiện theo quy định của pháp luật; Tập trung nguồn lực để thi công, hoàn thành dự án đúng tiến độ. Trường hợp không đúng tiến độ theo quy định, nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm về các chi phí đã bỏ ra...

Sau khi được điều chỉnh chủ trương đầu tư, ngày 24/2/2022 UBND tỉnh cũng đã có Quyết định số 454/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của dự án này, để thay thế cho Quyết định 5860/QĐ-UBND ngày 7/12/2013 phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Dự án Tổ hợp sản xuất tinh dầu, dược liệu, thực phẩm chức năng công nghệ cao tại xã Thanh Thủy.

bna_5.jpg
Lối vào khu đất thực hiện dự án trở nên nhếch nhác. Ảnh: Tiến Đông

Vị trí khu đất có 3 hướng Bắc, Đông, Tây giáp sông Rộ, còn lại hướng Nam giáp Quốc lộ 46 đi Cửa khẩu Thanh Thủy. Tổng diện tích xây dựng công trình là hơn 1ha; diện tích vườn ươm, vườn trồng cây chè thành phẩm, sân, đường giao thông, cây xanh cảnh quan... là hơn 32ha.

Nghiên cứu sâu hơn Quyết định số 454 điều chỉnh quy hoạch mà UBND tỉnh ban hành, nhận thấy lý do của việc điều chỉnh được trình bày là do trong quá trình nghiên cứu hoàn thiện các thủ tục pháp lý để triển khai dự án theo quy hoạch được duyệt, nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán canh tác của người dân tại địa bàn xã Thanh Thủy không phù hợp với việc trồng và chế biến tinh dầu, dược liệu.

Bên cạnh đó, dự án đầu tư đã được điều chỉnh mục tiêu dự án thành trồng, sản xuất, chế biến chè xuất khẩu chất lượng cao và đưa phần diện tích khu vực nhà văn hóa ra khỏi phạm vi dự án (Quyết định 39-PV). Vì thế chủ đầu tư đã lập điều chỉnh quy hoạch dự án phù hợp với chủ trương đầu tư được điều chỉnh để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

bna_1.jpg
Khu đất nằm ngay bên Quốc lộ 46 được quây tôn một cách sơ sài. Ảnh: Tiến Đông

Rõ ràng, lý do này đưa ra là kém thuyết phục, bởi nhà đầu tư là người hiểu rõ hơn ai hết các điều kiện tự nhiên, con người tại khu vực này trước khi tiến hành đầu tư. Và với việc điều chỉnh thành Dự án Tổ hợp trồng, sản xuất, chế biến chè xanh xuất khẩu chất lượng cao tại một địa phương mà vốn có nhiều xưởng chè tư nhân, xí nghiệp chè của các tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động rất "trầy trật", thì liệu có khả thi, hay tiếp tục "khoanh nuôi đất"?

Trước đó, vào tháng 12/2023, Báo Nghệ An đã phản ánh câu chuyện Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất chè xanh Nhật và chè xanh chất lượng cao tại xã Long Sơn (Anh Sơn), của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Việt Phát (có trụ sở tại Hà Nội), được UBND tỉnh ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2014 trên phần đất của Tổng đội TNXP 1, nhưng rồi đã "chết yểu". Điều này cũng đặt ra cho chính quyền địa phương các cấp những bài học trong việc quản lý đầu tư (nhất là đối với những dự án có diện tích lớn và đã nhiều năm không triển khai theo tiến độ), tránh để lãng phí tài nguyên đất đai.

Mới nhất

x
Dự án chất lượng cao thành nơi... chăn bò!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO