Đưa rau rẫy về vườn nhà, đồng bào Mông ở Nghệ An vẫn duy trì "vườn treo"

C.Kiên-Đ.Tuân-K.Sáng 01/12/2018 16:10

(Baonghean.vn) - Về định cư bên dòng Cành Xà thuộc xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương (Nghệ An) đã gần 20 năm, đất đai khá bằng phẳng nên tập quán sản xuất của đồng bào Mông bản Lưu Thông ít nhiều có sự đổi thay. Chính sự đan xen giữ cái mới và cái cũ đã tạo nên sự độc đáo ở bản Mông này.

Đưa rau từ rẫy xa về vườn nhà

Đến Lưu Thông, chúng tôi nhận thấy thêm một điểm đặc biệt là địa hình của bản khá bằng phẳng, cư dân sinh sống dọc đôi bờ của một con suối khá lớn được gọi là Cành Xà. Nếu không am hiểu về kiến trúc nhà ở của đồng bào vùng cao không ít người sẽ nghĩ rằng đây là bản của người Thái chứ không phải của người Mông.

Một góc bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền (Tương Dương). Ảnh: Đình Tuân
Một góc bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền (Tương Dương). Ảnh: Đình Tuân

Một trong những điểm đặc biệt ở bản Lưu Thông là bà con người Mông đã đưa cây rau, đậu từ rẫy về vườn nhà. Nghĩa là, diện tích đất không rộng nhưng hầu hết các hộ gia đình đều dành một ít đất vườn để trồng rau cải, cải bắp, đậu và một số loại rau, củ, quả khác. Trước tiên là để đáp ứng nhu cầu thực phẩm hàng ngày, phần còn lại đem ra bán ở chợ để có thêm nguồn thu nhập.

Bà con người Mông ở Lưu Thông dành diện tích đất vườn trồng rau, đậu và các loại thực phẩm khác, vườn rau được rào chắn khá cẩn thận. Ảnh: Công Kiên
Bà con người Mông ở Lưu Thông dành diện tích đất vườn trồng rau, đậu và các loại thực phẩm khác, vườn rau được rào chắn khá cẩn thận. Ảnh: Công Kiên

Trước đây, do sinh sống trên đỉnh núi cao, địa hình làng bản cheo leo, nhà sát nhà nên gần như không có đất trồng rau. Muốn trồng các loại rau, bà con phải mang hạt và cây giống ra rẫy, hàng ngày phải cuốc bộ mấy giờ đồng hồ mới đem được rau về nhà, mất nhiều thời gian và công sức.

Vườn
Vườn cải xen lẫn cải bắp được chăm sóc thường xuyên nên phát triển tốt. Ảnh: Đình Tuân

Hiện nay, do điều kiện địa hình, nhiều bản Mông ở Kỳ Sơn, Quế Phong và Tương Dương vẫn đang phải duy trì cách làm này. Có thể nói, những vườn rau ở Lưu Thông là một “kỳ tích”, vì bà con người Mông ở đây đã đưa được cây rau từ rẫy xa về vườn nhà.

Duy trì những “vườn treo”

Nhưng đến Lưu Thông, chúng tôi vẫn gặp một cảnh rất quen, gần như hầu hết các bản người Mông đều có, đó là những “vườn treo” trồng rau. Xuất phát từ địa hình cheo leo, không có vườn trồng rau, phải ra trồng ở rẫy xa nên gặp khá nhiều bất tiện. Đồng bào Mông có sáng tiến tạo ra các “vườn treo”, tận dụng các loại xô, chậu bị hỏng hoặc hộp xốp, cho đất màu vào rồi gác lên giá gỗ, có khi là mái nhà hoặc bất cứ vật gì có mặt phẳng và độ cao để trồng rau.

Tuy có vườn trồng rau nhưng bà con Lưu Thông vẫn duy trì những
Tuy có vườn trồng rau nhưng bà con Lưu Thông vẫn duy trì những "vườn treo" đặt trên giá gỗ, mái nhà. Ảnh: Công Kiên

Các loại rau được trồng ở “vườn treo” chủ yếu là các loại gia vị (hành, rau húng và lộc thơm), phục vụ cho việc chế biến các món ăn hàng ngày, rất thuận tiện vì không phải đi quãng đường xa, vừa có thời gian nghỉ ngơi. Tuy có vườn trồng rau nhưng bà con Lưu Thông vẫn duy trì cách làm cũ, điều này làm nên sự đặc biệt ở bản Mông này.

Và tận dụng cả mái nhà tắm tại bể nước công cộng để làm
Và tận dụng cả mái nhà tắm tại bể nước công cộng để làm "vườn treo". Ảnh: Đình Tuân

Ông Vừ Giống Nênh – Trưởng bản Lưu Thông cho biết: “Vừa trồng rau ở vườn nhà, vừa duy trì “vườn treo”, thể hiện bà con người Mông ở đây vừa có sự năng động trong tiếp nhận cái mới, vừa không quên những năm tháng vất vả, thiếu thốn của ngày xưa”.

Mới nhất

x
Đưa rau rẫy về vườn nhà, đồng bào Mông ở Nghệ An vẫn duy trì "vườn treo"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO