Giá nguyên liệu tăng cao, làng nghề hương trầm xứ Nghệ gặp khó
Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Thời điểm này, "thủ phủ hương trầm" Quỳ Châu đã bắt đầu bước vào sản xuất vụ Tết. Tuy nhiên, giá nguyên liệu tăng cao khiến nhiều làng nghề gặp khó.
Đều đặn mỗi năm, cứ đến đầu tháng 10 âm lịch, cơ sở sản xuất hương trầm Hà Loan tại thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu lại nhộn nhịp hẳn lên vì bước vào vụ làm ăn chính trong năm.
Chị Trần Thị Loan, chủ cơ sở cho biết: Trận lụt lịch sử năm ngoái đã khiến cho công việc sản xuất, kinh doanh của chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề, sản lượng sụt giảm. Do đó, năm nay, các thành viên trong gia đình đều chuẩn bị nguồn hàng từ sớm, tăng gia sản xuất để kịp đáp ứng cho vụ Tết.
Tuy nhiên, việc sản xuất hương trầm thời điểm này đang gặp khó, đặc biệt là giá rễ hương - nguyên liệu chính để làm hương tăng cao kỷ lục. “Năm ngoái, giá rễ hương khô dao động từ 40.000 - 45.000 đồng/kg thì đầu vụ năm nay đã tăng vọt lên 60.000 đồng/kg, cao nhất trong nhiều năm”, chị Loan cho biết.
Theo tính toán, mỗi năm, cơ sở của chị Loan nhập khoảng 15 tấn tấn rễ hương, với chi phí như hiện tại sẽ phải tiêu tốn gần 1 tỷ đồng nguyên liệu, tăng khoảng 30% so với các năm trước.
Làm ra búp hương không chỉ cần cây rễ hương mà còn thêm các nguyên liệu khác như tùng bách, đinh hương, quế, hồi… chưa kể chi phí giấy cuốn, nhân công… trong khi giá thị trường không đổi thì đây sẽ là bài toán khó cho các hộ sản xuất quy mô lớn như chúng tôi.
Chị Trần Thị Loan, chủ cơ sở hương trầm tại Quỳ Châu
Đó cũng là nỗi lo chung của các hộ sản xuất hương trầm trên địa bàn huyện Quỳ Châu. Chị Phạm Thị Uyên ở xã Châu Hạnh cũng đang phải loay hoay với việc giá nguyên liệu tăng cao. Chị Uyên cho biết: Diện tích cây rễ hương trên địa bàn huyện Quỳ Châu rất ít, không đủ để bà con sản xuất hương trầm, do đó, chúng tôi đa phần đều nhập nguyên liệu tại các huyện như Quỳnh Lưu, Thanh Chương. Năm nay, giá rễ hương tăng vọt nên gia đình đang phải tính toán lại phương án sản xuất, sản lượng để cân đối, tránh thua lỗ…
Quỳ Châu được xem là "thủ phủ hương trầm" tại Nghệ An. Nơi đây có 6 làng nghề hương trầm được công nhận, bao gồm khối 1, khối 2, khối 3, khối Tân Hương 1, khối Tân Hương 2 tại thị trấn Tân Lạc và bản Hạnh Tiến, xã Châu Hạnh. Thời điểm này, các cơ sở sản xuất hương trầm đã bắt đầu vào vụ Tết.
Theo thống kê của huyện Quỳ Châu, sản lượng hương trầm hàng năm đạt khoảng 80 - 90 triệu que hương, doanh thu đạt trên 20 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho con em địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Mặc dù vậy, dự kiến năm nay sẽ là một năm khó khăn đối với nghề truyền thống này, bên cạnh giá cả nguyên liệu tăng cao thì việc tìm được nhân công cũng không dễ dàng do các thanh niên hiện nay đều đã đi làm ăn xa.
Được biết, huyện Quỳ Châu cũng đã xem việc mở rộng diện tích cây rễ hương là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc tạo nguyên liệu cho các làng nghề. Phấn đấu đến năm 2025, huyện sẽ nâng diện tích rễ hương lên 200ha, mặc dù vậy, việc mở rộng diện tích vẫn gặp những khó khăn nhất định do đặc thù về địa hình cũng như việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất chưa áp dụng được nhiều.
Xã miền núi Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu được xem là địa phương có diện tích rễ hương lớn nhất tỉnh Nghệ An với 350ha. Ông Lê Văn Nga - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng cho biết: Hiện nay đang bước vào cao điểm thu hoạch cây rễ hương để nhập cho các làng nghề sản xuất hương trầm trong và ngoài tỉnh. Giá bán tại địa phương theo khảo sát thời điểm này là 50.000 đồng/kg, nếu qua thương lái đến tay người tiêu dùng, làng nghề có thể lên đến 60.000 đồng/kg. Nguyên nhân một phần do thời gian qua thời tiết thất thường, ảnh hưởng bởi mưa lũ nên cây rễ hương giảm sản lượng, nguồn cung không đều khiến giá tăng cao.