Giáo viên, học sinh Nghệ An nhận định đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT khó nhưng hay
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố 18 đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Đây sẽ là cơ sở để các trường tổ chức dạy và học, chuẩn bị ôn tập cho kỳ thi sẽ diễn ra vào cuối tháng 6/2025.
Nhận định về đề thi tham khảo, nhiều giáo viên và học sinh cho rằng, đề thi có nhiều đổi mới và phân loại được học sinh.
Thầy giáo Lê Khánh Hưng - giáo viên dạy Toán, Trường THPT chuyên Đại học Vinh: Đề thi đáp ứng được mục đích của kỳ thi
So với đề thi các năm trước, cấu trúc đề thi tham khảo mới chỉ giữ lại 12 câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Trong đề thi có thêm 2 loại câu hỏi trắc nghiệm gồm 4 câu hỏi lựa chọn đúng - sai và 6 câu hỏi trả lời ngắn, thực chất là tự điền đáp số cho các bài Toán tính toán.
Về mức độ, 12 câu hỏi nhiều lựa chọn đều là những câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Phần này tương tự như những câu hỏi nhận biết trong đề thi tốt nghiệp những năm trước.
Về nội dung, 12 câu hỏi nhiều lựa chọn kiểm tra những kiến thức cơ bản trong chương trình học. Các câu hỏi đúng - sai và trả lời ngắn có nhiều câu hỏi có nội dung chứa đựng các yếu tố gắn với các mô hình thực tế, liên môn.
Đáng chú ý, đề thi mới không còn các câu hỏi khó theo kiểu tư duy xử lý các hàm số hay biểu thức phức tạp, hay những dạng Toán có cách giải đặc biệt.
Theo tôi, đề thi tham khảo đã đáp ứng được mục đích tổ chức thi, đó là đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu và yêu cầu cần đạt của Chương trình Giáo dục phổ thông môn Toán 2018 (các năng lực; các mạch nội dung; kiến thức cốt lõi; vận dụng vào thực tiễn); lấy kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT.
Đồng thời, cũng đảm bảo sự phân hóa, phân loại thí sinh nhằm cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh. Để làm được đề thi này, học sinh cần nắm chắc kiến thức nền tảng, hiểu bản chất vấn đề; tăng cường liên hệ với các môn học khác, liên hệ thực tế. Học sinh cũng cần tăng cường khả năng đọc hiểu, chuyển đổi mô hình thực tế sang mô hình Toán để sử dụng các kiến thức Toán lý thuyết đã được học.
Thầy giáo Ngô Sỹ Thắng - giáo viên Vật lý, Trường THPT Bắc Yên Thành: Đề thi chứa đựng nhiều thông tin về thực tiễn
Đề thi tham khảo năm nay có sự khác biệt so với các đề thi trước đó là kiến thức lớp 12 rất nhiều, chiếm khoảng 85%. Trong khi đó, đề thi cũ, kiến thức lớp 10 chiếm 10%, kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 20% và lớp 12 chiếm 70%.
Đề thi đã tiếp cận được việc đánh giá năng lực của học sinh, chứa đựng nhiều thông tin về thực tiễn, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Cá nhân tôi cho rằng, đề thi rất hay, phù hợp với chương trình mới. Tuy nhiên, so với các năm trước, đề thi khá khó. Với đề thi này, để có phổ điểm 6, 7 điểm không quá khó. Nhưng lên mức điểm 9 là rất khó (với đại đa số mặt bằng học sinh). Đề thi khó hơn ở phần Vật lý chứ không thiên nhiều về Toán học như trước đây.
Với tính phân hóa cao, đề thi này sẽ rất tốt để lấy điểm xét tuyển vào các trường đại học.
Ngay sau khi có đề chúng tôi cũng đã chia sẻ vào nhóm học sinh để các em đọc và tự đánh giá mức độ. Nhiều học sinh nói rằng, đề thi khó và tôi không bất ngờ về điều này. Thứ nhất, là vì nhiều kiến thức trong đề các em chưa học đến. Hơn nữa, khi mới đọc qua các em thấy các câu hỏi lạ nên thấy khó.
Tuy nhiên, tôi tin rằng, khi đã có cấu trúc đề thi tham khảo, chúng tôi sẽ bám sát vào ma trận của đề thi, phân tích cấu trúc của đề để dạy học theo từng đối tượng. Với đề thi này, học sinh cũng phải thay đổi cách học. Thay vì học lý thuyết, các em phải biết vận dụng vào trong thực tiễn. Giáo viên cũng phải thay đổi cách dạy học gắn với thực tiễn.
Cô giáo Đặng Thị Dịu - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Nghi Lộc 3: Học sinh phải rèn kỹ năng đọc và hiểu văn bản
Sau khi có đề thi tham khảo của Bộ, với tư cách là giáo viên Ngữ văn tôi thấy đề này tương đối phù hợp, sát với chương trình mới. Đề thi có sự cân đối giữa phần đọc hiểu và phần viết văn. Với đề này, học sinh đã được tiếp cận từ lớp 10 và lớp 11 ở các kỳ thi giữa kỳ nên các em sẽ không còn nhiều lạ lẫm. Tuy nhiên, khó khăn với học sinh là ngữ liệu ở đề sẽ không còn lấy trong sách giáo khoa. Ở đề này, muốn làm tốt, học sinh phải luyện kỹ năng và năng lực trong việc tiếp cận thông tin, đọc hiểu và đưa ra các nhận định đánh giá, cảm thụ văn bản.
Với cách ra đề mới, tôi nghĩ lứa học sinh đầu tiên thi trong năm 2025 sẽ có những khó khăn nhất định, vì các em chỉ mới được tiếp cận Chương trình Giáo dục phổ thông mới từ năm lớp 10. Bản thân giáo viên, cũng đã xác định được vất vả nên chúng tôi phải đồng hành với học sinh từ khi mới vào THPT và dạy học sinh để các em tiếp cận với chương trình mới, để các em có thể chủ động tiếp cận kiến thức và phát huy được năng lực của mình.
Học sinh Phan Minh Kiệt - Trường THPT chuyên Đại học Vinh: Đề thi khó có điểm 9 với học sinh không chuyên
Theo em, đề thi tham khảo đã bám sát chương trình sách giáo khoa, có tính phân hóa cao. Với đề thi này, học sinh khá thuận lợi vì phủ kiến thức trong chương trình. Xu hướng hiện nay, các đề thi đều có sự liên hệ thực tiễn khá nhiều. Vì vậy, học sinh phải làm quen với lối tư duy và xử lý thông tin trong giới hạn thời gian nhất định.
Trong các môn thi, em thấy đề thi Ngữ văn thay đổi khá nhiều. Việc lấy dữ liệu ngoài đòi hỏi học sinh phải tư duy nhiều hơn, tránh kiểu học thuộc, học tủ. Nhưng đề thi Tiếng Anh thì hơi dài và học sinh chắc chắn phải ôn luyện nhiều hơn.
Với đề thi năm nay, em nghĩ phổ điểm nhiều từ 3 - 8 điểm. Nhưng để có điểm 9 thì sẽ khó khăn. Như với đề thi môn Toán, có một số bài Toán nằm trong sách chuyên đề của lớp 11. Những bài tập này, học sinh trường chuyên hoặc học khá, giỏi mới có thể tiếp cận. Còn với học sinh đại trà khó có thể làm tốt./.