Khó khăn chống ô nhiễm nguồn nước ở Diễn Châu

Giang Minh 08/05/2023 09:46

(Baonghean.vn) - Hiện nay, thực trạng nước ngầm, nước sông, kênh mương... ở một số nơi trên địa bàn huyện Diễn Châu bị ô nhiễm đang diễn ra khá phổ biến. Nguyên nhân là do nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nông nghiệp, chất thải chăn nuôi... không qua xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường.

Cánh đồng Xích ở thôn 1, xã Diễn Kỷ, 5 năm nay đã trở thành cánh đồng chết, bèo rác dày đặc, là nơi trú ngụ của chuột, sâu bọ.

Nguyên nhân khiến cánh đồng 4 héc ta trồng lúa màu mỡ trở thành cánh đồng hoang hóa trong sự nuối tiếc của 134 hộ dân, chính là việc các cơ sở sản xuất tại cụm công nghiệp Tháp - Hồng - Kỷ xả thải trực tiếp vào các tuyến mương tràn vào đồng ruộng, thấm sâu xuống lòng đất, khiến bà con không thể gieo cấy; chỉ cần đặt chân xuống là da dẻ ngứa ngáy, lở loét.

Một số tuyến mương ở Diễn Châu bị ách tắc và ô nhiễm do người dân xả rác và xác động vật. Ảnh: M.G

Theo ông Trần Văn Thu, người dân ở đây cho biết: Gia đình có 2 sào ruộng vùng này đều phải bỏ hoang nhiều năm. Đồng Xích từ trước giờ nhiều đoàn về kiểm tra mức độ ô nhiễm nhưng vẫn chưa thấy khắc phục. Trước đây ô nhiễm nguồn nước, giờ thì nước thải sản xuất nhựa, sắt ngấm vào lòng đất. Mặc dù chính quyền địa phương và bà con nhân dân nhiều lần kiến nghị nhưng đã qua thời gian dài mà không có kết quả.

Xí nghiệp thủy lợi Diễn Châu quản lý gần 200 km kênh cấp 1, cấp 2, cấp 3 và nhiều công trình trên kênh, phục vụ tưới, tiêu cho hơn 7.000 ha cây trồng. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn nước của hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn đang bị ô nhiễm. Qua rà soát thì trên địa bàn tồn tại hơn 30 điểm xả nước thải sản xuất công nghiệp, làng nghề, nước thải dân sinh, sản xuất nông nghiệp gây ô nhiễm nặng tại các tuyến kênh 18A, 65, 22A, 22B, N2… tại các xã như Diễn Tháp, Diễn Hoàng, Diễn Hồng, Diễn Kỷ...

Theo ông Nguyễn Đức Hạnh - Giám đốc Xí nghiệp cho biết: Các tuyến kênh tưới cũng như kênh tiêu thì tình trạng ô nhiễm rất lớn. Người dân vẫn thiếu ý thức vứt rác, chất thải xuống lòng kênh. Cũng rất khó khăn trong việc gom rác do ý thức của bà con nhân dân. Cụm công nghiệp của Diễn Hồng, Diễn Kỷ vẫn có tình trạng xả nước thải xuống kênh tưới và với chức năng quản lý, xí nghiệp đã có nhiều hình thức thông báo tới cụm công nghiệp, nhà máy hạn chế nhưng vẫn ảnh hưởng đến môi trường.

Người dân vùng biển Diễn Châu phải sống chung với nạn rác thải trong nhiều năm qua. Ảnh: Q.A

Tại các xã vùng biển, việc xả thải nước bẩn từ các làng nghề, nhà máy chế biến bột cá, dầu máy tàu và nước sinh hoạt của người dân cũng gây ô nhiễm nguồn nước sông Bùng.

Trung bình mỗi ngày có khoảng 450 tàu thuyền cập bến, hầu như đều xả rác thải, nước bẩn, túi nilon thẳng xuống biển. Chưa kể, mỗi ngày, ngư dân cũng thải xuống sông hàng chục lít dầu thải thay máy. Hậu quả dễ nhận thấy là vùng nuôi trồng thủy sản ở Diễn Vạn không thể tồn tại do nguồn nước ô nhiễm, bà con phải khoan lấy nước ngầm để nuôi tôm, hay việc hàng trăm ha làm muối của bà con bị bỏ hoang, một phần cũng do nguồn nước ô nhiễm.

Ông Trần Nhân - người dân xóm Đông Lộc, xã Diễn Ngọc chia sẻ: “Mức độ rác thải vùng biển rất lớn, nhất là nhờn dầu thải ra của các máy tàu, đất ngầm đen ngòm. Giờ hậu quả thấy rõ ràng, mặt nước sông ngày xưa cá rất nhiều nhưng nay không còn bóng dáng con nào, nước sông quá bẩn”.

Để bảo vệ môi trường nước, các ngành liên quan của huyện Diễn Châu đã phối hợp với các địa phương, rà soát, thống kê các tổ chức, cá nhân sản xuất xả thải gây ô nhiễm môi trường nước. HĐND huyện cũng tiến hành giám sát chuyên đề tại các điểm làm ô nhiễm nguồn nước.

Theo đó, trong 4 năm đã kiểm tra 143 lượt cơ sở, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với hơn 30 cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Công an huyện Diễn Châu đã phạt 1 cơ sở sản xuất tại cụm công nghiệp Tháp - Hồng - Kỷ 50 triệu đồng do xả thải trực tiếp nước sản xuất ra môi trường. Tuy đã có sự vào cuộc của các cấp chính quyền và ngành chức năng nhưng việc nguồn nước bị xâm hại dẫn đến ô nhiễm vẫn còn diễn ra.

Vào mùa khai thác ốc, hàng tấn vỏ ốc bị đổ tràn xuống Lạch Vạn làm tăng thêm tình trạng bồi lắng và ô nhiễm môi trường. Ảnh: Q.A

Ông Phan Xuân Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: Hiện nay, tại các hệ thống sông kể cả kênh Nhà Lê, sông Bùng hay các kênh tiêu, ý thức bà con ở một số vùng rất kém, vứt tất cả các loại rác thải ra dòng kênh. Chúng tôi đã tuyên truyền và khuyến khích các xã quy định vào các hương ước của thôn xóm để có tính răn đe, xử phạt. Đối với các doanh nghiệp, nếu xả thải ra môi trường thì tăng cường giám sát, thành lập các đoàn liên ngành thường xuyên kiểm tra để có xử phạt thích đáng.

Mới nhất

x
Khó khăn chống ô nhiễm nguồn nước ở Diễn Châu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO