Hàng trăm hộ dân 'mắc kẹt' trong rừng đặc dụng ở Nam Đàn

Tiến Hùng 15/12/2022 06:46

(Baonghean.vn) - Thực hiện theo sự vận động của chính quyền, hàng trăm hộ dân ở huyện Nam Đàn đã nhận đất, bỏ tiền mua cây giống để trồng rừng. Tuy nhiên, sau đó những cánh rừng này bị quy hoạch thành rừng đặc dụng, khiến người dân không thể khai thác dù cây đã quá tuổi.

Cây bật gốc cũng không được khai thác

Hơn 1 năm nay, mỗi lần nghe dự báo thời tiết có mưa bão, người dân xóm 9 (xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn), lại thấp thỏm lo âu. Họ không lo cho tính mạng, nhà cửa, mà chỉ sợ cánh rừng keo trên núi bị gãy, đổ. Đó là cánh rừng họ bỏ vốn ra trồng nhưng dù đã quá tuổi để thu hoạch, dù đã rất nhiều lần làm đơn xin phép được khai thác nhưng đến nay vẫn không được chấp thuận.

Xóm 9 là xóm xa xôi nhất của xã Nam Thanh, nằm dưới chân núi Đại Huệ. Bao đời nay, người dân chỉ sống dựa vào rừng. Dẫn chúng tôi lên cánh rừng, ông Lê Công Hòa (69 tuổi), cho hay, cơn bão Noru hồi tháng 9 dù không trực tiếp đổ bộ vào Nghệ An, nhưng cũng đã gây mưa gió, khiến cho 5 ha rừng keo của người dân ở đây bị gãy hoặc đổ. “Tiếc lắm chú ạ. Nhìn nó gãy, đổ nằm ngổn ngang như thế nhưng cũng không dám mang về. Chỉ có thể nhìn chúng bị mục nát dần”, ông Hòa rơm rớm nước mắt nói.

Khi chúng tôi có mặt tại đây, nhiều cây keo vừa bị bật gốc, gãy đổ sau trận mưa ít ngày trước. Ở cánh rừng của ông Hòa, có nhiều cây keo với đường kính khoảng 40cm bị ngã từ nhiều tháng trước vẫn còn nằm ngổn ngang. Một số đã bị mục nát.

Cây gãy, bật gốc ngổn ngang trong rừng. Ảnh: Tiến Hùng

Ông Hòa kể, trước đây khu vực này gọi là rừng nhưng chủ yếu chỉ là lau lách, cây bụi. Vào mùa khô, hầu như năm nào cũng xảy ra cháy, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương phải tốn nhiều công sức dập lửa. Năm 2007, người dân xóm 9 được chính quyền xã Nam Thanh vận động nhận đất trồng rừng nhằm phủ kín đồi trọc. Kể từ đó đến nay, khu vực này không còn xảy ra cháy rừng.

“Hồi đó chúng tôi được vận động ai muốn được chia đất thì chỉ cần làm đơn. Đến kỳ thu hoạch thì đóng cho xã 8 yến lúa/ha”, ông Hòa kể. Sau khi làm đơn, ông Hòa được chia 5 ha đất. Gia đình ông sau đó phải vay tiền mua cây giống, thuê người phát cây bụi để trồng keo. Đến năm 2015, phấn khởi khi thu hoạch lứa keo đầu tiên, cũng như nhiều hộ khác, ông Hòa tiếp tục đầu tư trồng keo trên cánh rừng đã được giao. Đến năm 2021, khi lứa keo này đã đến kỳ thu hoạch, chuẩn bị mang máy móc lên khai thác thì ông Hòa tá hỏa khi nhận được thông tin “nếu khai thác thì vi phạm pháp luật”. Lúc này, ông mới biết cánh rừng này đã được quy hoạch thành rừng đặc dụng.

Rừng là kế sinh nhai duy nhất của gia đình ông Hòa. Nhưng do không thể thu hoạch được, gia đình ông đành phải lâm vào cảnh nợ nần. “Để trồng rừng chúng tôi phải vay vốn. Đến giờ gia đình tôi vẫn nợ ngân hàng 180 triệu. Cứ tưởng thu hoạch keo xong sẽ trả nhưng chờ mãi hơn 1 năm nay vẫn chưa được khai thác”, ông Hòa nói.

Cũng lâm vào cảnh như ông Hòa, ông Đinh Hữu Bảo (67 tuổi), đành phải nuốt nước mắt nhìn cánh rừng 20 ha bị mưa bão tàn phá từng ngày. “Cây keo nó không giống với cây thông, không thể sống lâu được. Nếu không khai thác sớm, nó không bật gốc, gãy đổ vì mưa bão thì nó cũng chết mòn. Chúng tôi cũng chẳng biết chúng tôi sai ở chỗ nào mà không cho chúng tôi khai thác”, ông Bảo nói.

Ông Võ Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thanh cho biết, thực hiện theo chủ trương của huyện Nam Đàn, ở xóm 9 có 34 hộ dân được chính quyền vận động nhận đất trồng rừng nhằm phủ kín đồi trọc, hạn chế tình trạng cháy rừng và phát triển kinh tế. Ngoài ra, còn có 14 hộ khác tự ý lên núi phát quang để trồng.

“Trên thực tế khu vực đó ngày xưa chỉ là cây bụi, lau lách. Nhờ người dân vào trồng rừng keo mới không còn xảy ra cháy nữa. Không hiểu họ quy hoạch thành rừng đặc dụng làm gì. Năm 2015, người dân thu hoạch xong lứa keo đầu tiên không thấy ai có ý kiến gì cả nên họ tiếp tục trồng mới. Khi quy hoạch vào rừng đặc dụng, chúng tôi không nhận được thông báo nên cũng không biết để thông tin cho người dân”, ông Sơn nói và cho hay, diện tích rừng keo lên tới hàng trăm ha. Tất cả đều đã quá tuổi thu hoạch.

Theo chính quyền xã Nam Thanh, trước đây khu vực này là lau lách, thường xuyên xảy ra cháy rừng. Kể từ khi giao đất cho người dân trồng rừng keo, tình trạng cháy rừng đã không còn. Ảnh: Tiến Hùng

Cần sớm có giải pháp

Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ ở Nam Thanh, nhiều xã khác trên địa bàn huyện Nam Đàn cũng lâm vào cảnh tréo ngoe tương tự. Từ Nam Kim, Nam Thái, Thượng Tân Lộc, Nam Hưng cho đến thị trấn Nam Đàn. Tại xã Nam Hưng, có khoảng 100 ha rừng keo đã quá tuổi thu hoạch nhiều năm nhưng không được khai thác do vướng rừng đặc dụng. Trong đó, có 50 ha rừng keo trồng theo chương trình dự án hỗ trợ đầu tư; 50ha còn lại do người dân chủ động mua cây giống để phủ xanh đất trống đồi trọc. “Người dân kiến nghị liên tục. Hầu như cuộc tiếp xúc cử tri nào họ cũng có ý kiến. Chúng tôi mong muốn cấp có thẩm quyền xem xét cho họ được khai thác”, ông Nguyễn Văn Xuân – Chủ tịch UBND xã Nam Hưng nói.

Còn tại xã Nam Kim, có đến 100ha rừng keo đã hơn 10 tuổi nhưng vẫn không thể khai thác. Đây là những cánh rừng keo được trồng theo theo dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 2010 đến 2011, đã được cơ quan chức năng phê duyệt.

Đặc biệt, tại xã Thượng Tân Lộc còn có những cánh rừng được trồng từ 16 đến 18 năm trước, đến nay đã quá già cỗi nhưng cũng không được thu hoạch. Theo đó, thực hiện chủ trương dự án trồng mới 5 triệu ha rừng về phủ xanh đất trồng đồi núi trọc, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người trồng rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Đàn (nay là Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn), đã trình lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt hồ sơ, đồng thời chỉ đạo trồng rừng hỗn giao cây thông nhựa và keo tai tượng. Tại xã Thượng Tân Lộc giai đoạn từ 2004 đến 2006 đã trồng gần 300ha. Hiện tại, cây keo đã quá già cỗi và chèn ép thông nhựa không phát triển được. Tuy nhiên, kể từ khi được quy hoạch thành rừng đặc dụng, do vướng mắc quy chế quản lý rừng đặc dụng nên toàn bộ diện tích này cũng không thể khai thác.

Cây keo nằm ngổn ngang nhưng người dân cũng không thể mang về vì vi phạm quy định rừng đặc dụng. Ảnh: Tiến Hùng

Trao đổi về vấn đề này, một lãnh đạo huyện Nam Đàn cho biết, năm 2007, thực hiện chủ trương giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp theo Nghị định 163 của Chính phủ, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo giao đất lâm nghiệp đối với tất cả các xã có rừng. Từ đó đến nay, các hộ dân mua cây giống keo, bạch đàn, đầu tư phân bón tổ chức sản xuất và đã thu hoạch quay vòng từ 1 đến 2 chu kỳ.

Đến tháng 6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc phê duyệt dự án quy hoạch rừng đặc dụng gắn với di tích lịch sử tại huyện Nam Đàn, nâng tổng diện tích rừng đặc dụng ở Nam Đàn từ 628 ha lên 3.069 ha. Trong đó, có hơn 1.700 ha rừng phòng hộ, 410 ha rừng sản xuất, 240 ha đất hoang đồi và gần 29 ha đất vườn được chuyển sang rừng đặc dụng.

“Do một số diện tích đất của các hộ dân được giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp theo Nghị định 163 nằm trong quy hoạch rừng đặc dụng, trong khi đó, quá trình lập hồ sơ đưa vào quy hoạch rừng đặc dụng, đơn vị quản lý rừng và UBND các xã không làm rõ với hộ dân nên nhân dân vẫn tổ chức trồng keo, bạch đàn. Đến nay đã đến kỳ thu hoạch nhưng không được khai thác. Người dân đã nhiều lần làm đơn, kiến nghị qua các kỳ họp HĐND huyện nhưng không thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền cấp huyện”, vị lãnh đạo huyện Nam Đàn nói.

Cây keo nay đã quá tuổi thu hoạch nhưng không được khai thác. Ảnh: Tiến Hùng

Tháng 9/2021, UBND huyện Nam Đàn đã có báo cáo gửi Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, trong đó đề xuất chuyển một số diện tích rừng đặc dụng ở những vùng không liên quan đến di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia, sang rừng sản xuất. Tuy nhiên, do vướng vào Luật quy hoạch nên đến nay chưa được cấp trên phê duyệt. Mới đây, UBND huyện Nam Đàn tiếp tục có văn bản, đề xuất cấp có thẩm quyền cho chuyển đổi gần 500 ha rừng đặc dụng sang rừng sản xuất để người dân có thể thu hoạch keo, bạch đàn. “Những diện tích này chủ yếu là bạch đàn, keo mà người dân đã bỏ giống, phân bón, chăm sóc nay cây đã quá tuổi thu hoạch và một số diện tích rừng thông do công nhân khai thác nhựa lâu năm. Đây là nguyện vọng rất chính đáng của người dân”, vị lãnh đạo huyện Nam Đàn nói thêm.

Ông Đậu Đình Hùng – Trưởng ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn cho biết, đơn vị tiền thân là Lâm trường Đại Huệ. Đến năm 2006 chuyển thành Ban quản lý rừng phòng hộ và năm 2012 thì chuyển thành Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn như ngày nay. Theo ông Hùng, kể từ khi quy hoạch thành rừng đặc dụng, không chỉ người dân bị mắc kẹt, Ban quản lý cũng lâm vào cảnh tương tự. Bởi nhiều diện tích rừng thông được trồng để lấy nhựa nhưng khi thành rừng đặc dụng thì không được khai thác.

Tháng 2/2021, Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn đã có tờ trình về việc xin khai thác tận dụng cây phù trợ, nhựa thông…, trong rừng đặc dụng gửi Tổng cục Lâm nghiệp nhưng đến nay chưa được phúc đáp.

Mới nhất
x
Hàng trăm hộ dân 'mắc kẹt' trong rừng đặc dụng ở Nam Đàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO