Hoàn cảnh éo le của người cựu binh nuôi vợ liệt giường và hai con trọng bệnh
(Baonghean.vn) - Gia đình ông Trần Văn Sáu (82 tuổi) ở xóm Xuân Sơn, xã Bài Sơn, huyện Đô Lương thuộc diện éo le nhất xã. Ông có 3 người con thì cả 3 đều bị bệnh, hiện một mình ông chăm nuôi vợ nằm liệt giường và 2 người con ngớ ngẩn.
Qua tìm hiểu được biết thời thanh niên ông Sáu làm công nhân ở Phủ Quỳ, sau đó đi bộ đội ở Quảng Trị. Năm 1968, ông kết hôn với bà Hồ Thị Chế (SN 1947) quê ở huyện Quỳnh Lưu, hai vợ chồng có với nhau 3 người con.
Cụ Trần Văn Sáu là cựu chiến binh chống Mỹ |
Những tưởng cuộc sống gia đình sẽ trôi đi trong êm ấm, nào ngờ những người con của vợ chồng ông khi lớn lên đều lần lượt đổ bệnh. Anh Trần Văn Lưu (SN 1970), khi sinh ra đã bị tụt lưỡi, lớn lên ngẩn ngơ, khờ dại, nói không tròn tiếng.
Anh Trần Văn Sơn (SN 1981) lúc sinh ra khỏe mạnh bình thường, là cậu bé thông minh nổi tiếng trong vùng. Học xong cấp 3, anh thi vào khoa Sinh, trường Đại học Tây Nguyên đỗ điểm cao. Tốt nghiệp ra trường, anh được nhận về công tác tại một trường THPT ở Lâm Đồng. Tuy nhiên, chỉ sau nửa năm đứng lớp, bỗng nhiên anh phát bệnh. Anh trở về quê như một người vô hồn, ít nói, thường đi lang thang, nhiều lúc đập phá đồ đạc, đánh cả bố mẹ mình…
Cụ Sáu chăm sóc người vợ đang nằm liệt giường |
Người con trai út Trần Văn Trà (SN 1985) cũng vốn khỏe mạnh, siêng năng, chăm học. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh đã vào Nam làm vệ sĩ tại một công ty điện tử tại TP Hồ Chí Minh. Cũng giống như người anh trai, làm việc được gần 1 năm, thì Trà đổ bệnh, thường xuyên lên cơn đập phá, đánh người…
Thương 3 người con trai, hai vợ chồng ông Sáu khóc cạn nước mắt, chạy vạy vay mượn anh em, làng xóm, nhiều lần đưa các con đi chữa trị tại các bệnh viện tâm thần… Tuy nhiên, trời không thương, càng chữa, bệnh tình của các con ngày càng nặng hơn.
Người con đầu ngớ ngẩn của vợ chồng ông Sáu |
Anh Trần Văn Trà - con trai út trong một lần phát bệnh tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đóng trên địa bàn xã Giang Sơn Đông (Đô Lương) đã qua đời năm 2016.
Nỗi đau mất con chưa vơi, không lâu sau đó, cụ Chế lại bị ngã gãy xương vai, xương chân, không đi lại được. Hàng ngày, ông Sáu vừa lo chăm vợ, vừa phải canh chừng con, vì những lúc lên cơn, người con thứ hai “khi mất tính” sẽ đánh đập cả bố mẹ.
Do con trai bị điên dại, quát tháo, đập phá hết mọi thứ, nên hai ông bà cũng không thể sinh sống trong ngôi nhà của mình, mà phải đến nhà anh em để ở. Lúc đầu 2 ông bà sống ở 2 nhà khác nhau, bà sống ở nhà em chồng, ông sống ở nhà tộc trưởng trong họ.
Những năm gần đây, hai ông bà về sống ở một nhà. Hiện cụ bà đã nằm liệt giường, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào người thân. Người con trai đầu cũng phải đến sống ở một gia đình anh em khác, để tránh bị người em trai đánh đập.
Tại ngôi nhà cũ đã xuống cấp của ông Sáu, hiện chỉ còn người con thứ hai sinh sống. Nằm ngay ven đường xóm, ngôi nhà trông hoang vu đến não lòng, cửa cổng luôn mở nhưng không ai dám vào vì sợ.
Người con thứ 2 của vợ chồng ông Sáu vốn là giáo viên cũng đổ bệnh tâm thần. |
Anh Nguyễn Văn Công (47 tuổi) - láng giềng cạnh nhà ông Sáu tâm sự: “Hoàn cảnh của gia đình ông Sáu rất đáng thương. Hai vợ chồng hiền lành, sống chắt chiu để nuôi con, nào ngờ đến ngày con khôn lớn thì đổ bệnh. Nhìn gia đình tan tác mà cám cảnh quá, thương nhất là ông Sáu, một mình phải lo cho cả mấy người. Mong rằng xã hội hãy quan tâm giúp đỡ gia đình ông trong lúc hoạn nạn”.
Những năm chiến tranh, ông Sáu từng lăn lộn trên các chiến trường, nay về sống giữa quê hương, gặp cảnh éo le, người cựu binh già vẫn kiên cường bám trụ. Dường như ông không dám nghĩ đến ngày “mình không thể đi được nữa”.
Bón từng thìa cháo cho vợ đang nằm liệt giường, ông Sáu chia sẻ: Hai vợ chồng tui đã già yếu, giờ như ngọn đèn trước gió, không sống được bao lâu. Chỉ thương cho những đứa con. Không biết mai đây, khi hai vợ chồng tui qua đời, ai sẽ chăm nuôi...”.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
- Ông Trần Văn Sáu ở xóm Xuân Sơn, xã Bài Sơn, huyện Đô Lương hoặc anh Trần Văn Nhã - cháu của ông Sáu, SĐT: 0328.856.829
- Hoặc Phòng Phát hành - Quảng cáo và Hoạt động xã hội, Báo Nghệ An, số 3, đại lộ Lê Nin, điện thoại: 0238.600.006