Hoàng Mai khai mở tiềm năng du lịch
(Baonghean) - Nhắc đến tiềm năng du lịch Hoàng Mai người ta nghĩ ngay đến biển, từ bãi biển Quỳnh Lập còn mang vẻ đẹp hoang sơ đến bãi biển Quỳnh Phương gắn với di tích đền Cờn - ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ... Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, Thị xã Hoàng Mai xác định khai thác tiềm năng du lịch là 1 trong 4 mục tiêu quan trọng.
Tiềm năng rộng mở
Hồ Vực Mấu đón chúng tôi vào một ngày đầy nắng, thế nhưng cái nắng gay gắt của miền biển xứ Nghệ dường như đã bị giảm nhiệt khi trước mắt là mặt hồ xanh thẫm với rất nhiều loại cây khác nhau, tạo nên một không gian lý tưởng cho những du khách thư giãn vào những ngày nghỉ cuối tuần.
Vẻ đẹp lãng mạn của Hồ Vực Mấu. |
Hồ Vực Mấu là một trong những công trình hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh Nghệ An, bắt đầu xây dựng từ năm 1978. Diện tích hồ rộng trên 1.000 ha, dài gần 1km từ Quỳnh Thắng, Tân Thắng xuống Quỳnh Trang, với dung tích hơn 40 triệu m3. Chạy theo bờ kè được bê tông kiên cố của hồ Vực Mấu, nhìn sang mênh mang bờ bên kia mặt nước hắt vàng rực rỡ dưới nắng chiều, những ngọn đồi ẩn hiện xa xa. Nơi đây, đang được thị xã Hoàng Mai quy hoạch thu hút đầu tư để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng bởi vẻ đẹp và sự bao la rộng lớn.
Thời gian qua, có nhiều đoàn khách du lịch đến thăm quan, một số nhà đầu tư cũng đã đến khảo sát hồ Vực Mấu. Tuy nhiên vẫn chưa tìm được nhà đầu tư phù hợp. Vì thế, để phục vụ khách du lịch, hiện tại hồ Vực Mấu chỉ duy nhất có quán ăn của anh Lưu Văn Cường - một người dân bản địa tự phát kinh doanh cho thuê áo phao, phục vụ các món ăn đặc sản của hồ Vực Mấu như tôm, cá... và chở khách thăm quan lòng hồ bằng ca nô khi có nhu cầu. Anh Cường cho biết: Khách của anh đông nhất là vào tầm từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm. Mỗi ngày phục vụ từ 40 - 50 lượt. Ai có nhu cầu thăm quan hồ bằng ca nô anh lấy giá 50.000 đồng/người/lượt.
Biển Quỳnh Phương - một trong những điểm đến hấp dẫn tại TX. Hoàng Mai. |
Cùng với hồ Vực Mấu, bãi biển hoang sơ Quỳnh Lập cũng đang chờ đón những nhà đầu tư để khai thác tiềm năng nơi đây. Nếu xuất phát từ Vinh, xã Quỳnh Lập là địa danh cuối cùng của Nghệ An, còn nếu đi từ Hà Nội, hết Thanh Hóa, bạn sẽ chạm chân vào vùng đất Quỳnh Lập.
Để đến với Quỳnh Lập, theo con đường nhựa Đông Hồi - Quỳnh Lập do Sở Giao thông Vận tải Nghệ An cùng Công ty Đầu tư xây lắp và thương mại 36 Bộ Quốc phòng thi công và đã thông xe năm 2010. Điều đáng mừng là từ khi có đường, Quỳnh Lập phát triển hơn rất nhiều: giao thương buôn bán, hàng hải sản của bà con được vận chuyển nhanh hơn. Đặc biệt, mấy năm gần đây, tuy chưa rộn ràng nhưng biển Quỳnh Lập cũng đã được nhiều du khách biết đến. Mục tiêu Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 cũng đã xác định: Đẩy mạnh khai thác, thu hút đầu tư cho phát triển du lịch biển là hướng đi dài hơi của xã nhà.
Biển Quỳnh Lập mang vẻ đẹp hoang sơ. |
Tuy nhiên, khó khăn nhất của Quỳnh Lập hiện nay vẫn là đường giao thông. Từ đường nhựa Đông Hồi xuống bãi biển Quỳnh Lập vẫn đang là đường đất, nhỏ, chỉ có thể di chuyển bằng xe máy hoặc xe ô tô 4 chỗ - đây là một trong những trở ngại để Quỳnh Lập có thể đón những đoàn khách du lịch. Bên cạnh đó, vì chưa có quy hoạch cụ thể nên hàng quán ở Quỳnh Lập vẫn rất nhỏ lẻ, tự phát. Ông Hồ Sỹ Luyến - người gắn bó với mảnh đất đầy nắng và gió này, hiện đang kinh doanh đặc sản tại biển Quỳnh Lập trăn trở: Giá như biển Quỳnh Lập được nhiều du khách biết đến; giá như có một vài nhà đầu tư tìm về khai phá vùng biển được đánh giá là đẹp nhất miền Bắc này... để biển Quỳnh Lập rộn ràng hơn, để quán ông có thêm “đối tượng” cạnh tranh hơn, lúc đó ông sẽ mở rộng quán, xây nhà nghỉ, quy hoạch đẹp hơn, thuê thêm nhân viên để phục vụ...
Trong tương lai, nếu có chính sách phát triển du lịch một cách hợp lý thì với một dải bờ biển đẹp kéo dài từ Quỳnh Lập cho đến giáp Quỳnh Bảng còn rất hoang sơ là lợi thế lớn để phát triển du lịch biển chất lượng cao, để đón lượng du khách lớn từ phía Bắc, kết hợp với khu du lịch sinh thái tự nhiên hồ Vực Mấu và các điểm du lịch tâm linh hiện có phát triển thành một tuyến du lịch đa sắc màu.
Định hướng đầu tư
Hoàng Mai xưa nay là đất địa linh nhân kiệt, có nhiều di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh (trong đó có 6 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 5 cấp tỉnh) có khả năng phát triển thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn. Trong đó, có đền Cờn (Quỳnh Phương) thờ Tứ vị Thánh Nương (một trong tứ linh tự thiêng bậc nhất xứ Nghệ).
Cùng với các di tích lịch sử văn hoá, vùng ven biển Hoàng Mai có nhiều lễ hội dân gian, truyền thống. Các lễ hội còn lưu giữ được những nét văn hoá riêng từng vùng miền, tái hiện lại những phong tục, tập quán gắn với cuộc sống của người dân vùng biển, có sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch như: Lễ hội Đền Cờn, Đền Hạ, Đền Phùng Hưng, Đền Xuân Hòa… Người dân Hoàng Mai còn lưu giữ nhiều làn điệu dân ca hò vè, hát ví giặm, ca trù…
Đền Cờn lộng gió đại dương |
Đặc biệt, Hoàng Mai có nhiều đặc sản và món ăn ngon, hấp dẫn khách du lịch như: tôm, cua, ghẹ, mực, cá thu, canh lá lằng… có làng nghề truyền thống nước mắm Quỳnh Dị, nghề đóng thuyền Quỳnh Lập.
Thời gian qua, cùng với sự phát triển của các ngành dịch vụ, du lịch Hoàng Mai đã có những chuyển biến đáng kể. Lượng khách - các điểm di tích mỗi năm từ 25.000 đến 30.000 lượt người. Để đáp ứng nhu cầu khách du lịch, trên địa bàn thị xã đã có 17 cơ sở lưu trú, trong đó 6 khách sạn; 11 nhà nghỉ với tổng vốn đầu tư trên hàng chục tỷ đồng. Hiện nay Tập đoàn Mường Thanh đang đầu tư tổ hợp dịch vụ thương mại gồm khách sạn, chung cư, siêu thị ngay tại trung tâm thị xã, dự kiến ngày 2/9 năm nay sẽ đi vào hoạt động.
Đặc sắc lễ hội đền Cờn. |
Bà Vũ Thị Thảo – Phó Chủ tịch UBND thị xã khẳng định: Là 1 trong 3 cực tăng trưởng kinh tế của tỉnh, Hoàng Mai xác định rõ trọng trách của mình để tập trung phát triển kinh tế, trong đó du lịch là một ngành mũi nhọn. Thời gian tới, Hoàng Mai phấn đấu trở thành một trong những điểm du lịch biển gắn với du lịch tâm linh quan trọng trong hệ thống các điểm du lịch tâm linh của cả nước nói chung và vùng Bắc Trung bộ nói riêng. Khai thác hiệu quả các yếu tố tiềm năng của biển, sông, hồ đập, di tích lịch sử, di tích cách mạng, văn hóa, lễ hội… để tạo ra những sản phẩm du lịch có bản sắc riêng, hấp dẫn.
Tập trung thu hút đầu tư phát triển các khu du lịch biển, gắn với các điểm di tích đền Cờn, chùa Càn Môn và chùa Bát Nhã; các điểm du lịch sinh thái dọc sông Hoàng Mai lên tới hồ Vực Mấu; các khu di tích lịch sử như hang Hỏa Tiễn, khu chứng tích 230 bệnh nhân phong tại xã Quỳnh Lập bị tàn sát trong đợt Mỹ ném bom… Phấn đấu thu hút khách du lịch tăng bình quân 15 - 20%/năm, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế thị xã.
Thanh Hiền