Hội thảo ‘Phát triển bền vững du lịch huyện Kỳ Sơn: Thực trạng và vấn đề’

Công Kiên 13/11/2023 12:19

(Baonghean.vn) - Sáng 13/11, tại huyện Kỳ Sơn, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An phối hợp với  Viện Friedrich Naumann Stiftung die Freiheit (FNF) và huyện Kỳ Sơn tổ chức Hội thảo “Phát triển bền vững du lịch huyện Kỳ Sơn: Thực trạng và vấn đề”.

Tham dự Hội thảo có Tiến sĩ Phạm Hùng Tiến – Phó Giám đốc Viện FNF; Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh - chuyên gia tư vấn du lịch nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ các cơ quan, đơn vị trong cả nước.

Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Võ Văn Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ; đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo huyện Kỳ Sơn.

bna_1.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Công Kiên

Kỳ Sơn là huyện miền núi, biên giới phía Tây tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 250 km, có diện tích tự nhiên 209.484 ha (đồi núi chiếm trên 98%, diện tích đất bằng chiếm trên 1%), có đường biên giới giáp ranh với nước bạn Lào dài 203,409 km, có Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn.

Với tài nguyên du lịch rất phong phú, đa dạng do có địa hình núi non hùng vĩ và văn hóa dân tộc thiểu số còn giữ được các nét nguyên bản, chưa được khám phá hết nên rất hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Đây là nền tảng, là cơ hội cho việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hoá tâm linh, du lịch canh nông, du lịch cộng đồng…

bna_2.jpg
Ông Phạm Hùng Tiến - Phó Giám đốc Quốc gia Viện FNF phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Công Kiên

Bước đầu, huyện đã hình thành phát triển các mô hình du lịch như điểm du lịch tại xã Na Ngoi (leo núi chinh phục đỉnh Pu Xai Lai Leng), điểm du lịch xã Mường Lống với nhiều hoạt động vui chơi giải trí như chọi bò, chợ phiên của đồng bào Mông; điểm du lịch bản Yên Hoà, xã Mỹ Lý với nét bản sắc của đồng bào Thái với tháp cổ Xốp Lợt…

bna_4.jpg
Du khách trải nghiệm vẻ đẹp Mường Lống (Kỳ Sơn). Ảnh: Sách Nguyễn

Huyện đã ban hành Đề án “Xây dựng và phát triển du lịch huyện Kỳ Sơn giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch ở Kỳ Sơn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm giải quyết thấu đáo như cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật chưa đảm bảo; các quy định pháp lý về quản lý du lịch chưa đầy đủ và còn không ít bất cập…

bna_3.jpg
Tiến sĩ Vi Văn An - Viện Dân tộc học phát biểu tham luận tại hội thảo. Ảnh: Công Kiên

Hội thảo “Phát triển bền vững du lịch huyện Kỳ Sơn: Thực trạng và vấn đề” được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng sản phẩm, dịch vụ du lịch, đề xuất xây dựng các sản phẩm mới đưa vào phục vụ khách du lịch trong thời gian tới. Đồng thời, đề xuất các giải pháp đổi mới hoạt động xúc tiến du lịch, tổ chức liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hội thảo tập hợp 17 tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong cả nước, nội dung các tham luận xoay quanh các vấn đề: Đánh giá thực trạng và tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện; đề xuất mô hình và giải pháp phát triển bền vững du lịch huyện Kỳ Sơn, chia sẻ kinh nghiệm ở các điểm du lịch thành công và một số gợi ý cho du lịch huyện Kỳ Sơn.

bna_5.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo tham quan sản phẩm nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc Kỳ Sơn. Ảnh: Công Kiên

Trong đó, nổi bật là các tham luận: “Phương pháp khoa học xây dựng mô hình điểm về du lịch nông thôn huyện Kỳ Sơn” của Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh - chuyên gia tư vấn du lịch nông thôn; “Kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng ở trong và ngoài nước và gợi ý cho huyện Kỳ Sơn” của ông Lại Văn Toàn - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương; “Khai thác các giá trị văn hoá tộc người trong phát triển du lịch cộng đồng ở Kỳ Sơn” của Tiến sĩ Vi Văn An - chuyên gia Dân tộc học…

Mới nhất

x
Hội thảo ‘Phát triển bền vững du lịch huyện Kỳ Sơn: Thực trạng và vấn đề’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO