Khắc phục ngập úng đồng ruộng liên quan thi công đường ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò
Liên quan thi công Dự án Đường ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò qua huyện Quỳnh Lưu xảy ra tình trạng ngập úng, tắc dòng chảy ở các xứ đồng, các cấp, ngành, địa phương đã xác định nguyên nhân để có biện pháp khắc phục.
Tắc dòng chảy tiêu thoát nước vùng rau màu
Dự án Đường ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò đi qua địa bàn huyện Quỳnh Lưu với tổng chiều dài 16,17 km. Đến ngày 30/5/2024, huyện Quỳnh Lưu đã bàn giao mặt bằng toàn tuyến được 15,48 km/16,17 km, đạt 96% dự án. Tuy nhiên, theo người dân một số xã ở huyện Quỳnh Lưu, trong quá trình thi công dự án đã phát sinh những vấn đề làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất rau màu ở các xứ đồng.
Bà Nguyễn Thị Nam, người dân ở xóm Học Văn, xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Gia đình tôi có gần 1 sào sản xuất rau màu cạnh đường ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò đang thi công. Từ khi làm con đường này, do không có kênh mương thoát nước, rau màu làm ra bị trôi, ngập úng nhiều, mong được làm mương thoát nước từ trên xuống dưới”.
Không riêng hộ bà Nam, hàng chục hộ sản xuất rau màu tại xã Quỳnh Bảng cũng trong tình trạng như vậy. Theo ông Vũ Văn Dương - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bảng: “Trước đây khi chưa thi công đường ven biển thì vào mùa mưa lũ, nước tiêu thoát kịp thời. Từ khi thi công đến nay, do bị bồi đắp nên chắn dòng chảy tiêu thoát nước. Theo thiết kế, dự án đi qua vùng sản xuất rau màu đã bố trí các cửa cống, nhưng do không có hệ thống mương dọc theo tuyến nên nước không thể tập trung chảy về một nơi để thoát qua các cửa cống được”.
Còn tại xã Quỳnh Minh, theo phản ánh của người dân, từ khi Dự án Đường ven biển được thi công đến nay, nhiều diện tích rau màu của bà con thường xuyên bị ngập lụt do dòng chảy bị tắc. Trong khi đó, tại khu vực này hiện không được bố trí hệ thống tuyến mương thoát nước. Cùng với đó, một số cống thoát nước đặt tạm tại chân ruộng thì lại rất nhỏ, bị đất, đá che lấp. Ngoài ra, đường ven biển đang được thiết kế xây dựng cao hơn so với mặt ruộng, nhưng lại không làm nhiều đường đấu nối lên, xuống vào vùng sản xuất rau màu.
“Việc thi công đường ven biển đoạn Nghi Sơn - Cửa Lò mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho nhân dân trong việc vận chuyển, giao lưu hàng hóa, đi lại giữa các địa phương. Tuy nhiên, có một số bất cập về vấn đề thoát nước, vào mùa mưa lượng nước phía trên đường chảy xuống ruộng rất nhiều, nếu không làm các ống cống thoát nước qua đường sẽ ảnh hưởng đến sản xuất. Đề nghị cấp trên nghiên cứu, đặt các ống cống thoát nước to hơn, đảm bảo thoát nước mạnh để hạn chế tình trạng ngập lụt cho rau màu của bà con”, ông Hồ Diên Ân ở xóm 7, xã Quỳnh Minh bày tỏ.
Ông Hồ Diên Vỹ - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Minh cho biết, hiện nay, nông dân rất lo lắng khi đường vào nơi sản xuất rau màu của bà con gặp khó khăn, nhất là trong quá trình vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm. Đơn cử nhất là đoạn đường tiếp giáp xã Quỳnh Hậu - Quỳnh Đôi, đơn vị thi công đã múc cả đường đi lại khiến người dân không chủ động xuống ruộng được. Bên cạnh đó, đường ven biển xuống các xứ đồng quá dốc không đảm bảo cho việc đi lại. Đề nghị các ban, ngành sớm có chủ trương khắc phục tình trạng trên, để bà con yên tâm sản xuất trong mùa mưa bão sắp tới”.
Xác định nguyên nhân và cách khắc phục
Theo chính quyền một số xã của huyện Quỳnh Lưu có Dự án Đường ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò đi qua, những kiến nghị, đề xuất đã được phản ánh lên cấp trên. Lãnh đạo UBND huyện Quỳnh Lưu cũng khẳng định, sau khi tiếp nhận các kiến nghị của người dân, UBND huyện đã có Văn bản số 1219/UBND.KTHT ngày 10/5/2024 kiến nghị Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nghệ An xem xét giải quyết vấn đề này. Ông Hồ Nghĩa Đường - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quỳnh Lưu cho biết, ngày 22/5/2024, Ban Quản lý dự án công trình giao thông, Sở Giao thông Vận tải đã có Văn bản số 348/QLDA.DA2 trả lời các kiến nghị liên quan thông tin dư luận trên tuyến đường ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò, đoạn Km7 - Km76 qua địa bàn huyện Quỳnh Lưu.
Theo đó, Ban Quản lý dự án công trình giao thông cho biết, sau khi nhận được phản ánh của địa phương, ban đã phối hợp với UBND huyện cùng các xã Quỳnh Minh, Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng đi kiểm tra thực tế, xem xét các nguyên nhân và đề xuất các biện pháp khắc phục. Cụ thể: Theo hồ sơ thiết kế các đoạn nền đắp đi qua vùng sản xuất nông nghiệp không thiết kế mương thoát nước, chỉ thiết kế cống thoát nước ngang đường và cống hoàn trả nối mương hiện trạng.
Qua kiểm tra hiện trường, nguyên nhân gây ngập úng là do một số hộ dân tái lấn chiếm, tự ý đắp bờ, làm đường lên, xuống trong phạm vi đã bàn giao giải phóng mặt bằng, gây ách tắc dòng chảy. Về phía đơn vị thi công, Ban Quản lý dự án công trình giao thông sẽ phối hợp với các xóm, các xã kiểm tra, rà soát khơi thông các đoạn ách tắc dòng chảy do các hộ lấn chiếm, đắp bờ đất và đường vuốt với tuyến đường ven biển để đảm bảo thoát nước dọc về cống ngang… Riêng đoạn qua xã Quỳnh Bảng sẽ tổ chức thi công hoàn thiện nối mương thượng, hạ lưu của 4 cống tại Km17+47; Km17+702; Km18+184; Km 18+720 và hoàn thành trước ngày 15/6/2024.
Đối với vấn đề những ruộng sản xuất nông nghiệp sát đường ven biển, trong quá trình sản xuất gặp khó khăn và nguy hiểm do cao độ giữa mặt đường và ruộng sản xuất lớn, Ban Quản lý dự án công trình giao thông, Sở Giao thông vận tải cũng cho biết, theo hồ sơ thiết kế được duyệt, các đường ngang dân sinh được vuốt lên êm thuận theo kết cấu hiện trạng. Còn các đường nội đồng không thiết kế vuốt nối. Hiện nay, các đường ngang dân sinh đã thi công vuốt nối cơ bản đảm bảo êm thuận. Qua kiểm tra một số ruộng sản xuất nông nghiệp sát đường ven biển, các hộ dân tự ý vuốt nối đường lên, xuống để đi lại canh tác gây mất an toàn giao thông cho người và phương tiện đi lại trên tuyến, nguy hiểm đối với người dân khi lên xuống khu vực sản xuất.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn giao thông, Ban Quản lý dự án công trình giao thông, Sở Giao thông Vận tải đề nghị UBND huyện Quỳnh Lưu cũng như UBND các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Minh, Quỳnh Lương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chấm dứt tình trạng tự ý đắp vuốt nối đường nội đồng lên tuyến để đi lại, gây mất an toàn giao thông và ách tắc dòng chảy gây ngập úng. Trong quá trình canh tác, vận động các hộ dân đi lại theo các đường nội đồng sẵn có.
Về phía đơn vị thi công, Ban Quản lý dự án sẽ chỉ đạo kiểm tra, phá dỡ các đường vuốt nội đồng để đảm bảo an toàn và thoát nước dòng chảy.