|
Đền Đệ Nhất được xây dựng vào thời Lê để thờ Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn - danh tướng có công lớn trong việc đánh đuổi giặc Nguyên thời Trần thế kỷ 13. Ông từng được phong là Sát Hải Chàng Lại Đại Tướng Quân, ban tước “Minh Tự” làm tướng thống lĩnh các đạo thủy binh coi giữ 12 cửa biển, bảo vệ vùng duyên hải. Đền có nhiều công trình: Cổng tam quan; hạ, trung, thượng điện; nhà bia, giếng đền, nhà trù...Ảnh: Huy Thư |
|
Cổng tam quan đền Đệ Nhất được xem là một công trình kiến trúc độc đáo gồm 1 cửa chính, 2 cửa tả hữu, dài hơn 30m, cao khoảng 15m. Ảnh: Huy Thư |
|
Đặc biệt chính môn có 3 tầng. Tầng thứ nhất được xây dựng theo kiểu cổng thành, cửa vòm cuốn tròn. Phía trên ngạch trán có hình hổ dữ. Hai bên đắp phù điêu chim phượng hoàng đang xòe cánh, hai vị tướng oai vệ. Trước cánh gà là trụ biểu, được làm theo kiểu trụ vuông thót đáy, phía trên có đắp quả chành hình múi khế. Tầng thứ hai nhỏ hơn, có ô cửa vuông, trang trí hoa văn cửa võng. Trên tầng thứ ba đắp hình mặt trời. Các mái ngói tam quan đều đắp đầu đao hình rồng cong vút.. Ảnh: Huy Thư
|
|
Ông Nguyễn Quốc Hồng (73 tuổi) thành viên ban quản lý di tích cho biết: Do tồn tại lâu đời, trước đây hai cửa tả hữu tam quan đã bị sụp đổ, chỉ còn lại cửa chính. Những năm qua, trong quá trình trùng tu, tôn tạo di tích, 2 cửa tả hữu đã được xây dựng lại, cửa chính được tu bổ những tiểu tiết bị sứt gãy. Ảnh: Huy Thư |
|
Tại đền Đệ Nhất còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ kính. Trong đó đáng chú ý nhất là hệ thống tượng pháp, bao gồm tượng phật, thánh thần... Trong ảnh: Hai pho tượng thờ ở thượng điện được cho là Đông Phương Thái Giám và Tây Phương Thái Giám có kích thước lớn, tạo tác bằng gỗ trong tư thế ngồi nhìn ra. Ảnh: Huy Thư |
|
Theo ban quản lý di tích, những năm kháng chiến, nhiều đền, chùa trong vùng bị hư hỏng, bị tháo dỡ đưa đi làm công trình dân sinh, nên tượng, hiệu bụt, các đồ tế khí... được người dân địa phương rước về đền Đệ Nhất. Do vậy hiện nay tại đền có nhiều tượng cổ. Ngoài thờ Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn, đền còn phối thờ Khổng Tử, Hưng Đạo Đại Vương, Tam Tòa Thánh Mẫu, Song Đồng Ngọc Nữ, Thành hoàng, Địa Tạng Vương, Phật Bà Quan Âm... Ảnh: Huy Thư |
|
Bên phải đền (nhìn từ trong ra) là bia Văn Hội được tạc bằng đá xanh. Đây là tấm bia lớn, hình hộp chữ nhật, cao hơn 2,2 m, diềm bia có hình hoa lá cách điệu. Giữa lòng bia khắc nhiều chữ Hán. Trước đây, do bia không có mái che, nên phần lớn chữ Hán đã bị mờ. Ảnh: Huy Thư |
.Ngoài tượng gỗ, tại đền còn lưu giữ nhiều hiện vật bằng đá, đáng chú ý 2 con rùa và 1 chiếc cối đá giống như cái bình vôi. Các cụ cao tuổi ở đây cho biết, trước đây 2 con rùa đá còn đội bia hoặc hạc đá. Dấu tích là trên mai mỗi con rùa vẫn còn có 1 lỗ sâu. Ảnh: Huy Thư
|
Đặc biệt là con rùa 3 chân được chế tác từ 1 gốc tre già. Rùa tre có trọng lượng khoảng 25kg, cao khoảng 0,5m. Theo ông Nguyễn Quốc Hồng, rùa tre được chính người dân trong vùng chế tác và được thờ ở đền từ lâu đời. Tại đền còn có nhiều đồ tế khí cổ kính như long ngai, hiệu bụt, mâm bồng, bàn cổ... Ảnh: Huy Thư |
|
Không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn của người dân địa phương, đền Đệ Nhất còn là chứng tích của nhiều sự kiện lịch sử quan trọng diễn ra trong vùng. Đền đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Ảnh: Huy Thư |
|
Vẻ đẹp độc đáo của tam quan đền Đệ Nhất. Video: Huy Thư |