Xã hội

Nét đẹp cổ kính của đền Hoàng Tá Thốn trên quê lúa

Huy Thư 16/07/2024 20:08

Tồn tại qua hàng trăm năm, đền Hoàng Tá Thốn ở xã Long Thành (Yên Thành) là Di tích Lịch sử quan trọng thờ Sát hải Đại tướng quân Hoàng Tá Thốn ở Nghệ An.

bna_1(1).jpg
Hoàng Tá Thốn (1254 - 1339) sinh tại làng Vạn Phần nay là xã Diễn Vạn (Diễn Châu) là danh tướng thời Trần có công lớn trong sự nghiệp đánh đuổi giặc Nguyên Mông thế kỷ XIII, từng được phong là Sát hải Chàng lại Đại tướng quân, ban tước “Minh Tự” làm tướng thống lĩnh các đạo thủy binh, trông giữ 12 cửa biển. Ông từng chọn xứ Thiên Bồng, tức làng Vạn Tràng, nay thuộc xã Long Thành (Yên Thành) lập trang trại... Sau khi ông qua đời, nhiều địa phương đã lập đền thờ, tri ân công đức, trong đó có đền Hoàng Tá Thốn ở xã Long Thành. Ảnh: Huy Thư
bna_2(1).jpg
Đền Hoàng Tá Thốn ở xã Long Thành thờ Sát hải Đại tướng quân Hoàng Tá Thốn khởi lập từ thời xưa, được xây lại thời Nguyễn và đến nay đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Đền tọa lạc trên một khu đất đẹp ở xóm Vạn Tràng, bốn mùa cây cối xanh tươi. Ảnh: Huy Thư
bna_3(1).jpg
Hiện đền có cổng, tắc môn, bái đường, thượng điện, nhà giải văn, nhà giải vũ... được xây dựng từ nhiều nguyên liệu: gỗ, vôi vữa, gạch, ngói nung, đá, sành, sứ... Bái đường là ngôi nhà 3 gian 2 hồi lợp ngói âm dương, được xây dựng theo kiến trúc truyền thống. Ảnh: Huy Thư
bna_4.jpg
Hai bên bái đường dựng 2 cột đăng gắn liền với 2 dải tường đắp hình voi ngựa uy nghi. Được biết, sau thời gian dài xuống cấp, năm 1992, con cháu dòng họ Hoàng đã đóng góp công, của, trùng tu lớn. Thời gian qua, di tích này tiếp tục được trùng tu, tôn tạo. Ảnh: Huy Thư
bna_5..jpg
Khung gỗ của bái đường có kết cấu kiểu nhà tiền trụ, tam oai cổ nghé, giá chiêng, đặc trưng ở địa phương. Các đường xà, hạ được vát sống khế. Trên các đường hạ đặt thêm 4 trụ để nâng hệ thống kẻ, hoành, rui và mái ngói, khiến ngôi nhà thêm thông thoáng, nhưng vẫn vững chãi. Ảnh: Huy Thư
bna_6.jpg
Nhà bái đường có 4 vì, các vì nóc được trang trí chạm trổ hình hoa lá, vân mây, sóng nước... khá uyển chuyển mềm mại. Lạc khoản khắc chữ Hán đề niên đại xây dựng: Tự Đức thập nhị niên. Mạnh thu kinh thổ, trọng động lạc thành (khởi công giữa mùa Thu, hoàn thành giữa mùa Đông, năm Tự Đức thứ 12 - năm 1859). Ảnh: Huy Thư
bna_7..jpg
Trên 2 mặt của các đường kẻ bái đường đều được điêu khắc, chạm trổ công phu. Hình ảnh "tứ linh" được biểu đạt một cách sống động qua nghệ thuật chạm bong kênh điêu luyện. Ảnh: Huy Thư
bna_8.jpg
Thượng điện là ngôi nhà 2 gian nằm dọc. Mặt trước thượng điện được thiết kế như 1 bức bình phong, có 3 cửa ra, vào ngăn cách bởi 4 cột trụ. Trên cột trụ và các dải tường trang trí câu đối, đắp hình "Lưỡng long triều nguyệt", chim phượng và 4 chữ Hán "Sát hải Đại vương". Ảnh: Huy Thư
bna_9.jpg
Khung gỗ nhà thượng điện làm bằng gỗ lim, kết cấu vì nhà theo kiểu giá chiêng. Thượng điện đền Hoàng Tá Thốn thể hiện tập trung nhất vẻ đẹp điêu khắc gỗ của di tích, thể hiện các đề tài quen thuộc như rồng, phượng, mặt hổ phù... Trên hạ chính vì ngoài điêu khắc hình "lưỡng long triều nguyệt" với 2 đầu rồng há miệng to, sắc sảo. Phía dưới, các ô ván được chạm dây hoa và 3 chữ hán lớn "Tối linh từ" (Đền rất linh thiêng)... Ảnh: Huy Thư
bna_10.jpg
Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, nhưng đền vẫn giữ được kiến trúc xưa. Tại đền hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ có giá trị, như hương án, ống hương, long ngai, kiệu rồng, kiếm gỗ... Đền đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của người dân địa phương, mà còn là điểm đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu quan trọng về ngài Sát hải đại tướng quân Hoàng Tá Thốn ở Nghệ An. Ảnh: Huy Thư
Mới nhất
x
x
Nét đẹp cổ kính của đền Hoàng Tá Thốn trên quê lúa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO