Kinh tế

Khôi phục mô hình nhà lưới bỏ hoang ở vùng cao Nghệ An

Văn Trường 03/06/2024 09:21

Mô hình trồng rau nhà lưới ở bản Phòng, thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương lâu nay bỏ hoang, hiện có 2 hộ dân mạnh dạn đứng ra khôi phục lại mô hình này.

bna_van-truong-8-dcf9531237232f16f9bcef0f4438afbe(1).jpg
Hiện có 2 hộ dân ở bản Phòng mạnh dạn đứng ra khôi phục lại mô hình trồng rau nhà lưới. Ảnh: Văn Trường

Ông Hồ Viết Sơn - Chủ tịch UBND thị trấn Thạch Giám cho biết: Mô hình trồng rau nhà lưới ở bản Phòng được một hộ dân trong bản xây dựng từ những năm 2016, diện tích đất làm nhà lưới trên 2.000m2 được thuê của cộng đồng thôn bản. Mô hình này được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng hạ tầng.

bna_van-truong-1(1).jpg
Mô hình nhà lưới đã được khôi phục, các loại dưa hấu, dưa chuột sinh trưởng tốt. Ảnh: Văn Trường

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất không hiệu quả, chủ nhà lưới đã phải bán lại mô hình này cho người khác. Nhiều năm qua, nhà lưới này bị bỏ hoang, lãng phí, UBND thị trấn Thạch Giám đã đứng ra “thương thảo” với chủ nhà lưới, để cho các hộ dân trên địa bàn mượn cơ sở hạ tầng để khôi phục làm lại nhà lưới.

Sau khi UBND thị trấn Thạch Giám đứng ra vận động, tháng 3/2024 đã có 2 hộ dân là chị Vi Thị Giang và ông Vi Văn Hoàng đều ở địa bàn bản Phòng xin đứng ra khôi phục lại mô hình trồng rau nhà lưới.

bna_van-truong-4-1-41156117412c30ba1d26a5495857fdd0.jpg
Dù mới trồng thử nghiệm dưa hấu nhưng cây phát triển rất tốt, ra hoa đều và trái to, tỷ lệ đậu trái đạt trên 90%. Ảnh: Văn Trường

Có mặt tại mô hình trồng rau nhà lưới ở bản Phòng, thấy vườn nhà lưới ngút một màu xanh của dưa chuột, dưa hấu và các loại rau khác.

Chị Vi Thị Giang đang chăm sóc cho các loại cây trồng trong nhà lưới chia sẻ: Trước khi nhận vườn nhà lưới, chúng tôi đã đến thực địa nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân nhà lưới trước đây sản xuất không hiệu quả là do chất đất chưa đủ tốt để trồng cây, đặc biệt là nguồn nước tưới không ổn định dẫn đến thất bại.

bna_van-truong-3-1-.jpg
Ông Vi Văn Hoàng đang kiểm tra đường ống dài lấy nguồn nước từ trên núi về tưới cho vườn rau nhà lưới. Ảnh: Văn Trường

Vì vậy, ngay từ tháng 3/2024, nhận bàn giao vườn nhà lưới, chúng tôi đã đầu tư tiền của để cải tạo lại hệ thống nhà lưới đã hư hỏng. Đặc biệt là mua đường ống nước dài trên 1.500 mét để lấy nguồn nước từ khe suối về, mua hệ thống máy bơm tưới cho vườn nhà lưới.

Tiếp đến là phải tập trung cải tạo toàn phần chất lượng đất ở nhà lưới, cụ thể là xuống tận địa bàn huyện Con Cuông để mua đất bãi bồi sông Lam, đất mùn về để rải lớp mặt cho nhà lưới. Cùng với đó, thu gom phân chuồng các loại của người dân để ủ phân hữu cơ bón cho các loại cây trồng nhà lưới.

Sau khi khôi phục, cải tạo xong thì từ tháng 4/2024, chúng tôi triển khai trồng 2 loại cây chủ lực là dưa hấu và dưa chuột. Nhờ được chăm sóc đúng với quy trình kỹ thuật, thực hiện tưới nhỏ giọt nên các loại cây trồng sinh trưởng tốt.

bna_van-truong-6-b72630b4bb6283137db5caf5327464d2(1).jpg
Nguồn nước được lấy từ khe suối về luôn đáp ứng đủ cho nhà lưới. Ảnh: Văn Trường

Chị Vi Thị Giang chia sẻ thêm: Gia đình có trên 200 gốc dưa chuột và trên 1.000 gốc dưa hấu, mặc dù đây mới là đợt trồng thử nghiệm nhưng cây phát triển rất tốt, ra hoa đều và trái to, tỷ lệ đậu trái đạt trên 90%, dự kiến khoảng trên 2 tuần nữa sẽ cho thu hoạch. Khâu tiêu thụ không lo, bởi trồng nhà lưới theo hướng hữu cơ cho ra sản phẩm sạch sẽ đáp ứng cho nhu cầu của nhân dân địa phương.

Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục đưa vào trồng thử nghiệm các giống dưa bở, “dưa mẹo” để đa dạng hoá sản phẩm.

bna_van-truong-2-1-c46ab2dc7b2111be6294c16d20bf9fde.jpg
Chị Vi Thị Giang bên dàn cây xanh mát mắt. Ảnh: Văn Trường

Ông Hồ Viết Sơn chia sẻ thêm: Việc người dân khôi phục lại nhà lưới lâu nay bỏ hoang, tránh tình trạng bị lãng phí. Hiệu quả ban đầu của mô hình sẽ tạo động lực để người dân mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương, tăng thêm nguồn thu nhập.

Khôi phục mô hình nhà lưới bỏ hoang ở vùng cao Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO