Không thể có chuyện nơi nông, lâm trường không sản xuất được thì giao cho dân

Đào Tuấn 23/06/2018 12:37

(Baonghean.vn) - Đây là ý kiến của đại biểu Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tại Hội nghị tiếp xúc cử tri huyện Quỳ Châu diễn ra vào sáng 23/6.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đào Tuấn

Dự Hội nghị tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV tại huyện Quỳ Châu còn có các đại biểu: Nguyễn Thị Thảo - Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc, Moong Văn Tình - cán bộ Huyện đoàn Quế Phong.

Cùng dự có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Phan Đức Đồng - Ủy viên BTV - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và huyện Quỳ Châu.

Báo cáo tới cử tri huyện Quỳ Châu, các đại biểu Quốc hội đã thông tin về kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, trong đó, nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc xây dựng, ban hành một số luật và dự án luật như: Luật An ninh mạng, Luật Thể dục thể thao, Luật Giáo dục, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt…

bna_đại biểu Nguyễn Thu Trang. Ảnh: Đào Tuấn
Đại biểu Nguyễn Thị Thảo thông tin tới cử tri về kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIX. Ảnh: Đào Tuấn

Bước vào cuộc tiếp xúc, cử tri các xã Châu Nga, Châu Hội, Châu Bình sôi nổi tham gia ý kiến, phản ánh các vấn đề nảy sinh từ cơ sở.

Cử tri Lộc Văn Yên, xã Châu Nga cho biết, từ bao đời nay nhân dân trên địa bàn sinh sống trên vùng rừng nhưng không có diện tích nào để sản xuất. Trong khi đó sát cạnh là Lâm trường Cô Ba đang quản lý hàng ngàn ha rừng. Cử tri Lộc Văn Yên đề nghị đại biểu QH và các ban, ngành quan tâm giải quyết vấn đề đất sản xuất cho nhân dân, cần đẩy nhanh việc cắt đất của lâm trường chia cho các hộ dân quản lý, sản xuất. Cử tri Lộc Văn Yên cũng đề nghị Nhà nước có chính sách, chế độ cho những người hoạt động nhiều năm cán bộ hoạt động cơ sở xóm bản lâu năm nghỉ mà không có chế độ.

_Cử tri phát biểu 1.j
Cử tri phát biểu tại cuộc tiếp xúc. Ảnh: Đào Tuấn

Đại diện cử tri làng 32, xã Châu Bình cho biết, làng hiện có 250 hộ với 900 khẩu, sống bằng nông nghiệp nhưng chỉ có 3,6 ha đất canh tác nông nghiệp, diện tích này sau đó bị cắt 1,6 ha để xây dựng hạ tầng và đường giao thông. Vì vậy, người dân đã khốn khó càng khốn khó hơn. Gần đây Nhà nước có chủ trương cắt một phần đất rừng của Lâm trường Cô Ba để cấp cho các cụm dân cư trong đó có làng 32 nhưng vẫn chưa thực hiện.

Cử tri bản Lầu 1, xã Châu Bình phản ánh, hiện nay chủ trương của huyện, của xã là đẩy mạnh thực hiện chương trình nông thôn mới, nhưng thực tế rất khó thực hiện. Bởi vì dân sống bằng nông nghiệp và lâm sản phụ nhưng không có đất, rừng để sản xuất, không có nguồn thu, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Tiếp tục phản ánh những vấn đề về đất rừng sản xuất, đại diện cử tri xã Châu Hội cho biết, Nhà nước cần bàn giao đất rừng ở khu vực khe Bấn cho người dân. Vùng rừng này trước đây giao cho cán bộ lãnh đạo huyện, xã, nay đã thu hồi nên cần bàn giao sớm cho nhân dân để bà con có sinh kế.

Cử tri bản Quỳnh 2, xã Châu Bình phản ánh về vấn đề giao thông xuống cấp trên địa bàn. Ảnh: Đào Tuấn
Cử tri bản Quỳnh 2, xã Châu Bình phản ánh về vấn đề giao thông xuống cấp trên địa bàn. Ảnh: Đào Tuấn

Cử tri Thái Doãn Sinh - Trưởng bản Hòa Bình, xã Châu Bình cho biết, bản Hòa Bình chủ yếu là những hộ dân từ miền xuôi lên Quỳ Châu xây dựng vùng kinh tế mới. Đến nay, các hộ dân của bản bị thu hồi 100% đất sản xuất nông nghiệp phục vụ cho Dự án thủy lợi bản Mồng. Cử tri Sinh cũng phản ánh, người dân đã không còn đất sản xuất, giá cả đền bù lại quá thấp nên không thể ổn định cuộc sống được.

Cũng theo một số ý kiến cử tri, đất của người dân bị thu hồi phục vụ dự án thủy lợi bản Mồng chỉ được đền bù với mức 700.000 đồng/m2. Mức này là quá thấp so với thực tế.

Quang cảnh hội nghị tiếp xúc
Quang cảnh hội nghị tiếp xúc.

Giải thích với các cử tri về chính sách đất và rừng sản xuất, ông Nguyễn Tiến Lâm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tiếp thu ý kiến của người dân. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cũng cho biết, việc giao đất cho người dân nhất thiết phải gắn với giao rừng mới mong ổn định cuộc sống. Ông Nguyễn Tiến Lâm khẳng định, hiện nay việc giao đất gắn với giao rừng đang gặp rất nhiều khó khăn, cho đến thời điểm này, toàn tỉnh mới giao được 2.000 ha trên tổng số khoảng 400.000 ha.

Cũng theo ông Lâm, khó khăn nhất trong công tác này là kinh phí. Để giao hết 400.000 ha đất rừng cho dân cần một lượng tiền khoảng 300 tỷ đồng. Chính vì vậy, trong các bước tiến hành giao đất gắn với giao rừng cần có sự tham gia đóng góp của người dân để chính sách được thực hiện hiệu quả.

Dự án thủy lợi bản Mồng là công trình đa chức năng nên có sự tham gia và liên quan đến nhiều ngành, trong đó chủ đầu tư là Bộ NN&PTNT. Riêng giá đền bù giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Tiến Lâm khẳng định, việc đền bù dự án thủy lợi bản Mồng chỉ có một giá của Nhà nước không có đền bù hai giá như cử tri phản ánh.

Ông Ngô Đức Thuận - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu giải thích một số vấn đề với cử tri tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Đào Tuấn
Ông Ngô Đức Thuận - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu giải thích một số vấn đề với cử tri tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Đào Tuấn

Để giải thích thêm cho cử tri về chính sách giao đất giao rừng, ông Ngô Đức Thuận - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu viện dẫn Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị và Thông tư 118 của Chính phủ về tiếp tục sắp xếp đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Theo đó, chính sách quy định, những khu vực đất rừng thuộc vùng sâu, vùng xa, các lâm trường không thể sản xuất được thì mới giao cho người dân địa phương. Người đứng đầu UBND huyện Quỳ Châu cũng cho biết, hiện tỉnh cũng đã có chính sách cắt các phần diện tích của Lâm trường Cô Ba và Lâm trường Quỳ Châu để giao cho các hộ dân quản lý, huyện sẽ cố gắng thực hiện trong thời gian sớm nhất. Ông Thuận cũng giải thích với cử tri về một số vấn đề về hạ tầng kỹ thuật, giao thông trên địa bàn.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, Ảnh: Đào Tuấn
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, không thể có chuyện nơi nông, lâm trường không sản xuất được thì giao cho dân. Ảnh: Đào Tuấn

Phát biểu tại hội nghị, đại biểu Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cảm ơn các cử tri đã đóng góp nhiều ý kiến gửi đến đại biểu Quốc hội và các ban, ngành liên quan. Chia sẻ với những tâm tư, nguyện vọng của người dân huyện Quỳ Châu, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định, một thực tế rất đáng lưu tâm là người dân miền núi, sống giữa rừng nhưng không có đất để sản xuất, canh tác. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, người dân sống gần rừng có 2 phương án để ổn định sinh kế: nếu có rừng sản xuất thì sản xuất, không có rừng sản xuất thì nhận khoanh nuôi bảo vệ. Tuy nhiên, thực tế đang khiến người dân gặp khó, người đứng đầu Tỉnh ủy Nghệ An chia sẻ với khó khăn mà người dân Quỳ Châu đang trải qua.

Đông đảo cử tri 3 xã Châu Hội, Châu Bình, Châu Nga tham dự buổi tiếp xúc.

Liên quan đến công tác quản lý rừng của các nông, lâm trường trên địa bàn, đại biểu Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, nông trường, lâm trường là do Nhà nước và nhân dân xây dựng nên, vì vậy khi nhu cầu sản xuất của dân cao hơn, thiết thực hơn thì phải quan tâm giao cho dân. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh cũng yêu cầu Sở NN&PTNT và huyện Quỳ Châu cần rà soát lại công tác quản lý rừng của các nông, lâm trường, trên cơ sở đó ưu tiên giao đất cho các hộ nghèo để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho bà con. Và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng khẳng định, không thể có chuyện nơi nông, lâm trường không sản xuất được thì giao cho dân.

Về các vấn đề hạ tầng kỹ thuật, giao thông, điện lưới và tái định cư dự án thủy lợi bản Mồng, Bí thư Tỉnh ủy tiếp thu ý kiến của cử tri và chỉ đạo các ban, ngành sớm có giải pháp đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân.

Không thể có chuyện nơi nông, lâm trường không sản xuất được thì giao cho dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO