Ký ức 'ăn cơm vắt, đánh giặc Tây' của cựu chiến binh Điện Biên Phủ 100 tuổi ở Nghệ An

Huy Thư 07/05/2022 13:00

(Baonghean.vn) - “Chiến trường Điện Biên Phủ vô cùng ác liệt, chúng tôi chiến đấu giữa bốn bề đạn lửa, nhưng chỉ nghĩ đến việc đánh được địch, giành được chiến thắng cuối cùng” – Đó là tâm sự của cụ Phạm Văn Thành – cựu chiến binh Điện Biên Phủ ở xã Võ Liệt (Thanh Chương).

Ăn cơm vắt, đánh giặc Tây

Mỗi dịp tháng 5 về, những người cựu chiến binh như cụ Thành lại bồi hồi xúc động với ký ức “một thời hoa lửa” khó quên trong kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo lời cụ kể, năm 1951, cụ lên đường nhập ngũ, từng sang Lào đánh Pháp tại Thượng Lào, Trung Lào, sau đó về Thọ Xuân (Thanh Hóa) chỉnh huấn rồi hành quân lên Tây Bắc, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cụ Phạm Văn Thành - cựu chiến binh Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Huy Thư

Năm nay đã tròn 100 tuổi, nhưng cụ vẫn khỏe mạnh, đi lại, nói năng hoạt bát, da dẻ hồng hào, mắt sáng, đầu óc minh mẫn, chỉ mỗi tai hơi bị lãng. Khi được hỏi về chiến trường Điện Biên Phủ, cụ đặt tay lên trán “để nhớ đạ”, và lần giở ký ức bằng giọng kể hấp dẫn. Cụ vừa nói, vừa dùng tay làm điệu bộ mô phỏng, rất ấn tượng.

Thật khâm phục khi nghe cụ kể về Chiến cuộc Đông - Xuân 1953 – 1954 một cách tường tận, cụ thể, rõ ràng, mạch lạc như một nhà nghiên cứu lịch sử. Nào là tương quan lực lượng giữa địch và ta; âm mưu và thủ đoạn của kế hoạch Na Va (Navarre); chủ trương tác chiến của ta; vị trí chiến lược lợi hại của Điện Biên Phủ; việc bố phòng thủ của địch và các đợt tiến công của ta…

Cụ Thành cho biết, sau khi tập trung chỉnh huấn ở Thanh Hóa, đơn vị cụ lúc đó là Đại đội 50, (Tiểu đoàn 346, Trung đoàn 57, Đại đoàn 304) di chuyển lên Tây Bắc. Trên đường hành quân, mỗi người phải mang “1 ruột tượng gạo” khoảng 3 -5 kg trên cổ cùng với ba lô, súng đạn khá nặng. Sau mười mấy ngày đêm di chuyển liên tục, đơn vị cụ đã tập kết tại vị trí thuộc rừng núi Tây Bắc, cách Điện Biên Phủ khoảng 10 km.

Những kỷ vật kháng chiến nhuốm màu thời gian của cụ Thành. Ảnh: Huy Thư

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ tham gia cả 3 đợt tiến công. Cụ Thành kể: Sau khi ta thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”, trước ngày bước vào chiến dịch, các đơn vị của ta đều phát động quyết tâm. Mỗi chiến sỹ đều viết một bản quyết tâm chiến đấu của mình. Khẩu hiệu được các chiến sỹ đơn vị cụ thuộc ngay lúc đó là “Nhanh như sóc, mạnh như hổ tiêu diệt địch”.

Nhớ về ngày mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ 13/3/1954, cụ Thành nói: “Chiều hôm đó, sau khi ăn cơm xong, chúng tôi nghe bắn 9 phát pháo hiệu, rồi đại bác của ta bắn ầm ầm, một tiếng đồng hồ sau thì chúng tôi xuất kích. Tôi được trang bị 1 khẩu K50, 4 băng đạn và nhiều lựu đạn”.

Theo cụ Thành, đơn vị của cụ (Đại đoàn 304) đảm trách nhiệm vụ tiến đánh, bao vây, tiêu diệt các cứ điểm của địch thuộc phân khu Hồng Cúm. Tại đây, địch bố trí một lực lượng khá mạnh, gồm nhiều tiểu đoàn Âu Phi, ngụy Thái, pháo 105, ngoài ra còn có cối 120 ly, súng phun lửa, xe tăng, hàng nghìn binh lính.

Cuộc chiến đấu ở Hồng Cúm cũng như trên chiến trường Điện Biên Phủ diễn ra ác liệt. Bộ đội ta phải khoét núi, ngủ hầm. Có thời điểm hai bên giành nhau từng nhau từng ngọn đồi, từng ụ súng. Ta và địch chỉ cách nhau tầm vài chục mét...

Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên Phủ của cụ Thành. Ảnh: Huy Thư

Kỷ niệm mà cụ nhớ nhất trên chiến trường Điện Biên Phủ là ăn cơm vắt. Do điều kiện chiến tranh lúc đó, cơm được bộ phận nuôi quân nấu xong vắt thành từng vắt như quả cam và gánh ra mặt trận. “Anh nuôi” khi đi phát cơm cứ thấy chiến sỹ, thấy cửa hầm, ụ súng là thả cơm xuống.

“Một người chỉ được ăn một vài vắt thôi, không có nhiều đâu. Có hôm được ăn cơm vắt với thịt trâu nấu mặn” – cụ Thành kể. Không chỉ “ăn chưa no”, bộ đội ta nhiều khi còn phải nhịn khát, trên chiến hào, không có nước, có lúc đã phải bò xuống suối để uống nước...

Quyết chiến, quyết thắng

68 năm đã trôi qua, tinh thần chiến đấu của chiến sỹ Điện Biên Phủ ngày đó vẫn còn sục sôi trong lời kể của cụ Thành. Cụ nói, không chỉ đói và khát (khát nước, khát ngủ) trên chiến hào những ngày mưa lớn, nước và bùn có khi ngập đến bụng, cụ và đồng đội vẫn quyết chiến đấu đến phút cuối cùng. Nhiều đồng đội cụ hy sinh, ngã xuống chiến hào ngập trong bùn đất.

Kể về Chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ nhắc nhiều đến chỉ thị, quyết tâm của Bộ Chính trị, sự quan tâm của Bác Hồ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Chiến trường ác liệt, khẩn trương, với quyết tâm chiến thắng địch, chúng tôi phải vượt lên gian khổ, hy sinh để chiến đấu” – cụ Thành nói.

Cụ Thành đang sống khỏe mạnh với gia đình con trai. Ảnh: Huy Thư

Là con trai một trong nhà, khi lên đường nhập ngũ, cụ đã lập gia đình. Trong suốt chiến cuộc Đông - Xuân 1953 – 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ, tuy nhớ nhà, nhớ vợ con, nhưng do điều kiện chiến tranh, cụ không thể viết thư gửi về quê. Cụ nói: Ngày đó, ra đi, thật sự không dám nghĩ ngày về, giữa chiến trường ác liệt chỉ nghĩ đến chiến đấu, chiến thắng được quân Pháp. Đó là niềm mong mỏi to lớn nhất của tôi và đồng đội.

Trong mạch hoài niệm về Điện Biên Phủ, cụ Thành phấn chấn: Chiều 7/5, cờ giải phóng của bộ đội ta tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát-tơ-ri (De Castries). Đêm đó, đơn vị chúng tôi còn tiếp tục truy kích tiêu diệt các bộ phận địch rút chạy ở Hồng Cúm. Tin thắng trận lan khắp chiến trường, niềm vui không kể xiết.

Theo cụ Thành, chiến đấu tại mặt trận Điện Biên Phủ ngày đó, đơn vị cụ còn có 3 người đồng hương cùng làng là cụ Xin, cụ Ba và cụ Sỹ. Thương nhất là cụ Sỹ, do tai điếc nghễnh ngãng, nghe không rõ, nên được biên chế về đơn vị nuôi quân. Trong một lần gánh cơm vắt ra chiến hào, cụ Sỹ đã bị mảnh bom địch cắt đôi thân người ở bìa rừng, hy sinh khi Chiến dịch Điện Biên Phủ đang trong những ngày ác liệt nhất.

Cụ Thành và em gái chụp ảnh lưu niệm nhân lễ mừng thọ cụ tuổi 100
Cụ Thành và em gái chụp ảnh lưu niệm nhân lễ mừng thọ cụ tuổi 100. Ảnh: Huy Thư

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cụ Thành được chuyển sang phụ trách kho quân khí, làm nhiệm vụ hiệu chỉnh vũ khí, thuộc căn cứ 2, Quân khu Hữu ngạn, đóng quân tại tỉnh Hòa Bình. Tháng 7/1975, cụ được nghỉ hưu với quân hàm Chuẩn úy chuyên nghiệp.

Nhân chứng đặc biệt

Nhớ về đồng đội chiến đấu năm xưa, cụ Thành nói: Tôi nghĩ mình như hạt gạo trên sàng. Bao nhiêu đồng đội đã hy sinh nơi chiến trường, tôi còn sống sót, để về với quê hương, với gia đình là may mắn lắm rồi.

Được biết, 2 người con trai của cụ (ông Phạm Văn Hòa, SN 1953, ông Phạm Văn Sơn, SN 1958) cũng từng gia nhập quân đội, một người về hưu với quân hàm Thiếu tá. Hiện cụ Thành đang sống với gia đình người con trai thứ 2, vợ cụ đã qua đời hơn 20 năm nay.

Cụ thành được Chủ tịch nước tặng thiệp chúc thọ
Đầu Xuân Nhâm Dần 2022, cụ Thành được Chủ tịch nước tặng thiệp chúc thọ 100 tuổi. Ảnh: Huy Thư

Theo ông Phạm Văn Sơn, cụ Thành sống điều độ, vui vẻ, thích làm việc nhà để giúp đỡ con cháu. Cụ biết cả chữ Hán lẫn chữ Quốc ngữ, thuộc nhiều thơ ca, hò vè, nhất là những bài thơ về kháng chiến chống Pháp, trong đó có thơ về chiến thắng Điện Biên Phủ.

68 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cụ chưa một lần được trở lại thăm chiến trường xưa. Khi nhắc đến Điện Biện Phủ, cụ bồi hồi “Chắc nơi đó dừ khác lắm rồi”. Lần giở những chiếc Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên, Chiến sỹ vẻ vang, Chiến sỹ dũng cảm… đã nhuốm màu thời gian đựng trong hộp nhựa, cụ nói: Hồi mới về hưu, huy hiệu nhiều lắm, nay mất mát thất lạc chỉ còn mấy cái. Hy vọng con cháu sẽ cất giữ nó để làm kỷ niệm.

Ở nhà, cụ thích xem truyền hình. Theo dõi những chương trình truyền hình, nhân kỷ niệm 68 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, cụ chia sẻ: “Xem lại ngày xưa, tôi lại thấy nhớ động đội của mình. Sự thật ở chiến trường lúc đó ác liệt hơn thế nhiều”.

Cụ Thành sôi nổi đọc thơ Tố Hữu nói về chiến thắng Điện Biên Phủ. Video: Huy Thư

100 tuổi vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, vẫn hào sảng kể chuyện Điện Biên cho con cháu nghe, cụ không chỉ là cựu chiến binh Nghệ An thượng thọ, mà còn là một trong những “nhân chứng đặc biệt”, trực tiếp góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Mới nhất

x
Ký ức 'ăn cơm vắt, đánh giặc Tây' của cựu chiến binh Điện Biên Phủ 100 tuổi ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO