Làm rõ những băn khoăn trong điều chỉnh quy hoạch Dự án Thủy điện Yên Thắng

Nhóm P.V 25/11/2020 11:49

(Baonghean.vn) - Trong tổng hợp ý kiến của Nhân dân mà Ban Thường trực MTTQ huyện Tương Dương gửi đến người đứng đầu cấp ủy, thể hiện rõ sự băn khoăn lo lắng đối với vấn đề khảo sát, lập dự án thủy điện. Tìm hiểu được biết từ ngày 4/11/2015, Thường trực Tỉnh ủy đã có ý kiến về chủ trương xây dựng các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh tại Thông báo số 11-TB/TU.

Nỗi lòng của Nhân dân

Ngay sau bài “Điều chỉnh quy hoạch dự án thủy điện Yên Thắng: Lắng nghe ý nguyện của dân!” được đăng tải trên số báo ra ngày 29/10/2020, chúng tôi tiếp tục tiếp nhận được những thông tin, tài liệu có liên quan. Đó là Thông báo số 62/TT-MTTQ-BTT ngày 19/10/2020 của Ban Thường trực MTTQ huyện Tương Dương thông báo kết quả tổng hợp ý kiến của Nhân dân gửi đồng chí Bí thư Huyện ủy tại Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện với Bí thư, Trưởng bản, Trưởng ban công tác Mặt trận khối làng, bản và Nhân dân năm 2020.

Thông báo số 62/TT-MTTQ-BTT gồm 5 câu hỏi lớn. Liên quan đến lĩnh vực thủy điện, được đặt vấn đề là: “Nhân dân lo lắng (đặc biệt Nhân dân xã Yên Thắng và Lưu Kiền) vẫn chưa yên tâm cấp có thẩm quyền tiếp tục cho các đơn vị đến thăm dò, khảo sát để xây dựng các công trình thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn”. Câu hỏi được hệ thống như sau: “Là người đứng đầu cấp ủy, xin ông cho biết nếu trong thời gian tới cấp có thẩm quyền tiếp tục cho phép các công trình thủy điện trên địa bàn, về quan điểm của ông như thế nào? Có nhất trí cho làm hay không cho làm thủy điện nữa? Đề nghị có quan điểm rõ ràng trước Nhân dân? Hệ lụy từ các thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Bản Ang, Nậm Nơn... để lại đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Do vậy, đồng chí Bí thư đã có quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới như thế nào?

Tìm hiểu, từ năm 2016, Huyện ủy Tương Dương đã có quan điểm rất rõ ràng trước vấn đề Nhân dân huyện Tương Dương hiện nay băn khoăn, mong muốn người đứng đầu cấp ủy trả lời. Cụ thể, ngày 28/10/2016, Huyện ủy Tương Dương có Báo cáo số 148 - BC/HU với tiêu đề “Báo cáo tỉnh tình hình thực hiện các dự án thủy điện trên địa bàn huyện Tương Dương; những bất cập, vướng mắc và một số kiến nghị”, gửi lên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

Để Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh rõ về tình hình thực tế, tại Văn bản số 148 - BC/HU, Huyện ủy Tương Dương báo cáo về số dự án thủy đện đã hoàn thành xây dựng, đi vào hoạt động (thủy điện Bản Vẽ, thủy điện Khe Bố, thủy điện Nậm Nơn), dự án thủy điện đang được xây dựng (thủy điện Bản Ang, thủy điện Xoóng Con), dự án thủy điện đã khởi công nhưng không xây dựng (thủy điện Xốp Cốc, xã Yên Thắng), và các quy hoạch thủy điện (thủy điện Xoóng Con, bản Pủng thuộc địa bàn xã Lưu Kiền).

Đồng thời, thống kê chi tiết các vấn đề bất cập, tồn đọng, vướng mắc liên quan đến các dự án thủy điện. Đó là tiến độ công tác đền bù giải phóng mặt bằng các dự án thủy điện triển khai chậm; Một số kinh phí, chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ, kịp thời; Công tác khảo sát, xây dựng các điểm tái định cư các dự án thủy điện còn nhiều vấn đề bất cập.

Điểm dự kiến quy hoạch xây dựng đập Thủy điện Yên Thắng nằm ở vị trí cuối bản Ngọn, đầu bản Xốp Khẩu; Dòng suối Nguyên, đoạn cuối bản Ngọn; Công trình nhà ở của một hộ gia đình nằm sát với suối Nguyên. Ảnh: P.V
Điểm dự kiến quy hoạch xây dựng đập Thủy điện Yên Thắng nằm ở vị trí cuối bản Ngọn, đầu bản Xốp Khẩu; Dòng suối Nguyên, đoạn cuối bản Ngọn; Công trình nhà ở của một hộ gia đình nằm sát với suối Nguyên. Ảnh: P.V

Về những hệ lụy phát sinh do các dự án thủy điện cũng được nêu rất chi tiết. Đó là việc trong toàn bộ hệ thống chính trị của huyện và các xã chịu ảnh hưởng của dự án phải dành nhiều thời gian, công sức để vận động di dân tái định cư và giải quyết các tồn đọng, vướng mắc liên quan. Do vậy, ảnh hưởng rất lớn đến thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn; Các dự án đã hoạt động làm ngập hơn 5.000 ha đất ở và đất canh tác nông nghiệp (hiện nay toàn huyện chỉ còn khoảng 900 ha đất bằng và ruộng nước), ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân; Việc bố trí dân cư, xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm dân cư di vén lên trên cốt ngập để tái định cư tại chỗ gặp nhiều khó khăn, do điều kiện địa hình độ dốc lớn, nguy cơ sạt lở đất cao, nhất là về mưa lũ; Chủ đầu tư, các cấp, các ngành liên quan mới tập trung công tác đền bù để thu hồi đất phục vụ các dự án thủy điện; chưa quan tâm đúng mức công tác đào tạo việc làm, hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp nên cuộc sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn...

Từ thực trạng nêu trên, Ban Thường vụ Huyện ủy Tương Dương kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy “cho chủ trương không quy hoạch thêm, đưa ra khỏi quy hoạch và không cấp phép triển khai những dự án thủy điện chưa triển khai (hoặc đã khởi công nhưng chưa xây dựng) trên địa bàn huyện Tương Dương”; và đề nghị UBND tỉnh “đôn đốc, chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư cho Nhân dân bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện; bổ sung phương án hỗ trợ sinh kế cho người dân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương vùng dự án”.

Thông báo số 11-TB/TU vẫn nguyên giá trị!

Trong quá trình tìm hiểu việc khảo sát, điều chỉnh quy hoạch dự án thủy điện Yên Thắng, chúng tôi đã hỏi một cán bộ có trách nhiệm về quan điểm phát triển thủy điện trên địa bàn tỉnh. Ông thông tin đến chúng tôi Thông báo số 11-TB/TU của Thường trực Tỉnh ủy. Và trao đổi: “Từ dăm năm trước, tại Thông báo số 11-TB/TU, Thường trực Tỉnh ủy đã có ý kiến về lĩnh vực thủy điện. Nếu hỏi về quan điểm thì đó chính là quan điểm của tỉnh ta. Thông báo này có trong cuốn Văn kiện Tỉnh ủy Nghệ An khóa XVIII, các bạn có thể tham khảo...”.

Tiếp cận Thông báo số 11-TB/TU, được ban hành ngày 4/11/2015, là thông báo ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy về chủ trương xây dựng các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh. Toàn văn của Thông báo số 11-TB/TU như sau:

“Để đảm bảo phát triển nông, lâm nghiệp, giữ vững môi trường sinh thái nhằm phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh, không bị tác động tiêu cực của hệ thống thủy điện gây ra; tại phiên họp ngày 27/10/2015, Thường trực Tỉnh ủy có ý kiến về chủ trương xây dựng các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh như sau:

- Không tiếp tục nghiên cứu, khảo sát để lập các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh (kể cả các dự án đã có trong quy hoạch). Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy để trình Chính phủ, Bộ Công Thương đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch các dự án thủy điện mà chưa có nhà đầu tư.

- Đối với các dự án đã có nhà đầu tư lập dự án và đang triển khai dở dang thì tiếp tục triển khai theo kế hoạch, nhưng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

- Thông báo để Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện”.

Trong những ngày qua, tại diễn đàn Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, lĩnh vực thủy điện là một trong những nội dung lớn được quan tâm đặc biệt, có nhiều những trao đổi, mổ xẻ, làm rõ. Dõi theo thông tin báo chí đưa tin kỳ họp, đáng lưu ý là bài viết: “Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Không cho phép thủy điện dùng dù chỉ 1m2 đất rừng tự nhiên” (báo điện tử VOV đăng tải ngày 1/11/2020).

Trong bài viết này, trước câu hỏi: “Bộ Công Thương sẽ triển khai thế nào đối với lĩnh vực thủy điện nhỏ và vừa, cũng như các dự án điện còn sử dụng nhiều đất cũng như phải chuyển đổi diện tích đất, đất rừng?”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã trả lời: “Thủy điện, thủy điện nhỏ và vừa vẫn là những nguồn tài nguyên rất quý để phục vụ cho phát triển của đất nước. Nhưng nếu như chúng ta sử dụng không đi kèm với kiểm soát một cách chặt chẽ, hạn chế tác động đến môi trường, chắc chắn đây sẽ là những nguy cơ lớn cho phát triển bền vững của đất nước, chưa kể đến những dị thường cũng như tính cực đoan của thời tiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng mạnh mẽ. Do đó, chắc chắn trong TSĐ Điện 8 (Tổng sơ đồ Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 - PV), chúng ta cũng sẽ cập nhật và quy định rất rõ, cho dù bất kỳ một dự án thủy điện ở quy mô nào nếu chỉ sử dụng 1m2 đất rừng tự nhiên cũng sẽ bị loại trừ và không bao giờ cho phép triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, những yêu cầu khi đánh giá tác động môi trường của các dự án về năng lượng nói chung, thủy điện nói riêng sẽ được nâng cấp và được tổ chức kiểm soát chặt chẽ, bài bản hơn nữa”.

Trước đó, ngày 24/10/2020, nhiều cơ quan báo chí đã đăng lời phát biểu bên hành lang Quốc hội của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, rằng thủy điện bao giờ cũng có 2 mặt và quan điểm của Bộ là “không khuyến khích phát triển thủy điện nhỏ bằng mọi giá". Như vậy để thấy, Thông báo số 11-TB/TU năm 2015 của Thường trực Tỉnh ủy đến nay vẫn nguyên giá trị!.

Theo Kỹ thuật: Nam Phong
Copy Link

Mới nhất

x
Làm rõ những băn khoăn trong điều chỉnh quy hoạch Dự án Thủy điện Yên Thắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO