Từ nạn nhân bị lừa qua app điện thoại, kế toán quỹ tín dụng trở thành tội phạm lừa đảo

An Quỳnh 27/03/2024 09:38

(Baonghean.vn) - Cần tiền để bù vào đường dây bán hàng online, Võ Thị Tuyết (Yên Thành) đã lợi dụng việc bản thân là kế toán của quỹ tín dụng để vay mượn tiền thực hiện “đảo khế”, rồi dùng số tiền đó trả các khoản nợ cá nhân.

Ngày 26/3, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Võ Thị Tuyết (SN 1990), trú tại xã Bảo Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Được biết, vào đầu tháng 8/2023, Võ Thị Tuyết bắt đầu tham gia bán hàng online thông qua ứng dụng có tên là Fastshop cài đặt trên điện thoại. Qua ứng dụng đó, Tuyết thực hiện làm nhiệm vụ theo hướng dẫn, trước khi tham gia sẽ đóng một khoản phí ban đầu để vào nhóm. Sau nhiều lần chuyển tiền, làm nhiệm vụ và được trả lãi ngay đã khiến Tuyết tin tưởng và tiếp tục tham gia. Tuy nhiên, để lấy lại được số tiền gốc ban đầu, các nạn nhân như Tuyết bị yêu cầu tiếp tục chuyển các khoản tiền lớn hơn. Và khi nạn nhân phát hiện ra mình bị lừa thì các khoản tiền đều đã "không cánh mà bay".

Cụ thể, đến thời điểm bị lực lượng chức năng bắt giữ, Tuyết đã chuyển hơn 2 tỷ đồng vào app Fastshop. Tại thời điểm đó, Võ Thị Tuyết là kế toán của Quỹ tín dụng nhân dân xã Bảo Thành (huyện Yên Thành). Để bù số tiền đã mất, Tuyết đã dùng chiêu vay mượn tiền thực hiện “đảo khế” các khoản vay.

BNA_ảnh 2.JPG
Bị cáo Võ Thị Tuyết tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: An Quỳnh

Theo cáo trạng, biết được chị N.T.H. (SN 1982), trú cùng xã có khoản tiền lớn muốn gửi tiết kiệm tại Quỹ tín dụng, Võ Thị Tuyết đã lợi dụng vị trí công tác, vừa lợi dụng mối quan hệ thân tình chị em họ hàng xa nhằm nói dối chị H. để được cho vay tiền. Võ Thị Tuyết đã hứa với chị H. sẽ trả đầy đủ số tiền cả gốc cả lãi sau khi “đảo khế” cho 4 khách hàng và 7 khoản vay khác nhau.

Thế nhưng thực tế Tuyết chỉ đảo khế đi, đảo khế lại 7 lần đối với hợp đồng tín dụng có cầm cố 2 sổ tiết kiệm của bà N.T.B. (mẹ đẻ của Tuyết). 2 hợp đồng này chưa đến hạn phải tất toán, bà B. không có nhu cầu đảo khế nhưng Tuyết vẫn thực hiện hành vi trên. Số tiền sau khi thực hiện “đảo khế” các khoản vay được Tuyết nộp tiền vào app mua bán và tiêu xài cá nhân. Chỉ từ ngày 28/8 đến ngày 30/8, chị H. đã chuyển tiền cho Tuyết 5 lần, với tổng số tiền bị Tuyết chiếm đoạt là hơn 3 tỷ 355 triệu đồng.

Không chỉ vậy, ngày 31/8, do thiếu tiền đầu tư bán hàng online, Tuyết lại tiếp tục vay chị H. dưới danh nghĩa cá nhân với số tiền 300 triệu đồng. Tuy nhiên đến tháng 10/2023, không thấy Võ Thị Tuyết trả các khoản vay như đã hứa, chị H. đã tố cáo Tuyết lên cơ quan chức năng.

BNA_ảnh 1.JPG
Bị cáo đã lợi dụng lòng tin của bị hại để chiếm đoạt tiền tiêu xài cá nhân. Ảnh: An Quỳnh

Tại phiên tòa, Võ Thị Tuyết đã thừa nhận các hành vi phạm tội của mình. Bị cáo khai nhận do mất tiền khi tham gia app giao dịch mua bán trên mạng nên đã nảy sinh hành vi phạm pháp trên để kiếm tiền bù vào.

Kiểm sát viên thực hiện quyền công tố tại tòa đã giữ nguyên quan điểm như cáo trạng truy tố và đề nghị xử phạt bị cáo Võ Thị Tuyết từ 16 -17 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Xem xét toàn diện vụ án, HĐXX nhận định: Hành vi của bị cáo rất nguy hiểm gây ảnh hưởng nặng nề cho gia đình bị hại cũng như mất an ninh trật tự xã hội. Xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Võ Thị Tuyết 15 năm tù vì tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và buộc đền bù cho bị hại số tiền theo luật định.

Mới nhất

x
Từ nạn nhân bị lừa qua app điện thoại, kế toán quỹ tín dụng trở thành tội phạm lừa đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO