Lợi ích kép trong sản xuất viên nén gỗ và than sinh khối ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Với 1,65 triệu ha đất rừng, trong đó 732.000 ha đất rừng sản xuất, Nghệ An có nhiều lợi thế trong thu hút các dự án đầu tư sản xuất viên nén sinh khối, qua đó thúc kinh tế vùng miền núi phát triển và bảo vệ môi trường rừng bền vững.
THÚC ĐẨY KINH TẾ LÂM SINH VÙNG MIỀN NÚI
Các nhà máy chế biến gỗ chỉ thu mua keo thành khí nên người dân buộc phải lóc vỏ, cắt cành và ngọn vứt lại rừng nên dù giá cao nhưng thực chất thu nhập không được là bao. Ảnh: Nguyễn Hải |
Không phải ngẫu nhiên mà các nhà đầu tư chọn Nghệ An để đầu tư các nhà máy sản xuất viên nén sinh khối. Với lợi thế là tỉnh có diện tích rừng trồng lớn nhất, nhì khu vực và tốp 5 cả nước, Nghệ An có nguồn nguyên liệu dồi dào để phát triển các dự án sử dụng năng lượng tái tạo.
Tuy vậy, đây là các dự án mà vùng nguyên liệu gắn liền với vùng sâu, vùng xa nên việc thu hút đầu tư là không hề đơn giản. Điều đáng ghi nhận ở các nhà đầu tư này là thay vì đầu tư sinh lợi tại các vùng đô thị trung tâm thì đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào vùng đặc biệt khó khăn như xã Đồng Văn (Quế Phong) và xã Thanh Hương (Thanh Chương).
Dự án đầu tư sản xuất than hoạt tính và than sinh khối của Công ty CP Khánh Tâm tại xã Đồng Văn được đầu tư cách đây 5 năm. Ban đầu, mục đích chỉ là mở xưởng chế biến tăm hương để thu mua lùng của bà con trong vùng. Để tạo vùng nguyên liệu ổn định, Công ty phối hợp với huyện xây dựng dự án hỗ trợ khoanh nuôi cây lùng; đồng thời đầu tư dây chuyền chế biến tăm hương, than hoạt tính và than sinh khối. Sau hơn 5 năm đầu tư, công ty đầu tư hơn 300 tỷ đồng, qua đó, hoàn thành giai đoạn 1 đi vào sản xuất. Đến nay, Công ty đã phát triển được vùng nguyên liệu 2.000 ha, Công ty đã làm thủ tục cấp chứng chỉ được 900 ha rừng.
Ngoài dự án trên, hiện trên địa bàn xã Thanh Hương (Thanh Chương) còn có dự án đầu tư Nhà máy sản xuất viên nén sinh khối của Công ty CP sản xuất gỗ và thương mại gỗ Thanh Chương. Theo Sở Khoa học - Công nghệ, đây là dự án hiện đại, sử dụng công nghệ của châu Âu, được tỉnh hỗ trợ 700 triệu đồng từ nguồn đổi mới công nghệ. Nhu cầu nguyên liệu 300.000 tấn/năm, sản suất 150.000 tấn viên nén/năm đã bắt đầu đi vào hoạt động từ giữa năm 2021.
Ông Đặng Trọng Sang - đại diện công ty chia sẻ: Mới đi vào hoạt động, công ty thu mua tận dụng phụ phẩm, mùn cưa, cành lá từ các hộ dân để sản xuất viên nén nhưng lâu dài sẽ sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng. Hiện tại, sản phẩm chủ yếu xuất đi Hàn Quốc nhưng xác định thị trường Nhật Bản là chính và lâu dài sẽ xuất đi châu Âu.
Dự án sản xuất viên nén sinh khối từ gỗ rừng trồng của Công ty Biomass Fuel Việt Nam tại KCN VSIP Hưng Nguyên có trị giá 70 triệu USD. Ảnh: Nguyễn Hải |
Ngoài 2 dự án của doanh nghiệp dân doanh, trên địa bàn Nghệ An còn có nhà máy sản xuất viên nén sinh khối quy mô lớn của Biomass Fuel Việt Nam tại KCN VSIP Hưng Nguyên vốn đầu tư 28.300 tỷ đồng, công nghệ Nhật Bản, nhu cầu nguyên liệu 300.000 tấn/năm và sản xuất 161.000 tấn sản phẩm/năm; dự án sản xuất viên nén sinh khối của Công ty CP năng lượng ĐKC tại KCN Nam Cấm quy mô đầu tư 250 tỷ đồng, công nghệ Đức, công suất 120.000 tấn sản phẩm/năm.
Từ khi có dự án sản xuất viên nén sinh khối và than hoạt tính, người dân đỡ công khai thác bóc vỏ mà cũng tận dụng được nguồn phụ phẩm bỏ lại trong rừng làm tăng nguy cơ cháy rừng vì thực bì. Ảnh: Nguyễn Hải |
Các nhà máy sản xuất viên nén sinh khối trong KKT đều là những dự án công nghệ hiện đại từ châu Âu; có hợp đồng thu mua nguyên liệu được ký với các đơn vị, doanh nghiệp trồng rừng trên địa bàn. Sản phẩm sau khi sản xuất đều được xuất khẩu đi Nhật Bản và Châu Âu. Đây là các dự án đầu tư giàu triển vọng góp phần đảm bảo đầu ra bà con và doanh nghiệp trồng rừng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa Nghệ An, Hà Tĩnh.
Theo các chuyên gia, 100% sản lượng viên nén ở nước ta đều xuất khẩu, hiện tại, giá bình quân mỗi tấn viên nén là 150 USD và năng lực sản xuất viên nén nước ta sẽ tăng từ 10-15%/năm trong thời gian tới.
Tuy nhiên, rút kinh nghiệm mấy năm trước, các dự án Nhiệt điện Hàn Quốc không nhập viên và Việt Nam chủ yếu nhập cho Hàn Quốc nén nên giá giảm mạnh còn 91,63 USD/tấn khiến các nhà máy thiệt hại nặng. Vì vậy, một mặt phải không ngừng cải tiến công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm viên nén, các doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường để không bị lệ thuộc dẫn tới giảm, bị ép giá.
Viên nén sinh khối dùng cho sản xuất điện thay thế cho các dạng năng lượng hóa thạch như than đá, dầu tại các nhà máy nhiệt điện. Ảnh tư liệu |
Nhu cầu viên nén sinh khối thế giới hiện tại là 12 - 15 triệu tấn/năm và đến năm 2030 khoảng 50 triệu tấn, trong khi nguồn cung viên nén hiện tại khoảng 12 triệu tấn/năm. Với diện tích rừng lên tới 13,8 triệu ha, trong đó, gần 7 triệu ha rừng sản xuất, Việt Nam là 1 trong 10 nước sản xuất viên nén lớn nhất thế giới với công suất được 2,5 triệu tấn/năm. Nghệ An với 4 nhà máy, nhu cầu nguyên liệu mỗi năm là 700.000 tấn và sản xuất khoảng 500.000 tấn viên nén.
(Nguồn phân tích thị trường các dự án đầu tư tại Nghệ An)
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BỀN VỮNG
Sản xuất viên nén sinh khốilà xu thế mới của thế giới nhằm bảo vệ môi trường, chống biến đối khí hậu. Khi thế giới chuyển sang dùng năng lượng tái tạo, thay thế các nguyên liệu hóa thạch, nếu Việt Nam đầu tư cho các dự án sản xuất viên nén hiện đại thì sẽ cùng lúc, chúng ta đạt 2 mục tiêu là bảo vệ rừng bền vững, đồng thời khai thác tiềm năng, lợi thế đất đai, mang lại sinh kế cho người dân miền núi. Trong các đề án của ngành Nông nghiệp Nghệ An về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế lâm nghiệp, tỉnh đã thể hiện được định hướng lớn này.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm nhà máy sản xuất viên nén sinh khối Biomass Fuel Việt Nam tại KCN VSIP Hưng Nguyên. Ảnh: Tư liệu Quang An |
Ưu thế của sản xuất viên nén sinh khối hoặc than hoạt tính, than sinh khối sử dụng, chế biến các cây gỗ rừng trồng như keo, bạch đàn… Ngoài ra, còn tận dụng các mùn cưa, phần vỏ, cành lá thải ra lâu nay sau khai thác người dân thường bỏ lại trong rừng. Hiện nay, tỷ lệ tận dụng các sản phẩm gỗ sau thu hoạch vẫn là điểm yếu gây lãng phí của lâm nghiệp nước ta.
Tỷ lệ lợi dụng gỗ bình quân chung của thế giới là 30-35% thể tích cây và các nước như Nga từ 80-85%, Đức gần 90% thì ở nước ta chỉ là 18-21% là quá lãng phí. Chính vì thế, các nhà máy sản xuất than hoạt tính hoặc than sinh khối hiện đại đầu tư tại nước ta sẽ góp phần khắc phục được hạn chế này. Không những thế, nếu như các dây duyền sản xuất chế biến gỗ trước đây thường gây ô nhiễm thì công nghệ sản xuất, chế biến viên nén đều an toàn.
Người dân xã Châu Bình (Quỳ Châu) nhập bán keo lai thành khí cho các chủ mua gom. Ảnh: Văn Trường |
Anh Trần Mạnh Cường - một chủ xe chuyên thu gom lâm sản tuyến Quốc lộ 48 bổ sung: Trước đây, xe tải vào các bản chỉ thu mua gom gỗ thành phẩm giá bình quân từ 1 - 1,2 triệu đồng/m3; các phụ phẩm khác như vỏ, cành, ngọn đều vứt lại; nay có nhà máy sản xuất viên nén sinh khối nên chỉ trừ lá cây, các phụ phẩm như ngọn, vỏ cành đều thu mua cả, khá tiện lợi. Ngoại trừ lá, giá mua chỉ 1 triệu đồng/m3 nhưng giảm được nguy cơ cháy rừng do lớp thực bì bỏ lại.
Các phụ phẩm như cành, ngọn keo lai sau khi khai thác được người dân xả, vứt lại trên đường vào xã Liên Hợp (Quỳ Hợp). Ảnh: Nguyễn Hải |
Một trong những quan tâm của dự án sản xuất viên nén sinh khối là vùng nguyên liệu. Hiện tại, mặc dù các nhà máy sản xuất tại các huyện Quế Phong, Thanh Chương hay trong KCN Nam Cấm hay KCN VSIP đều có vùng nguyên liệu lên tới hàng chục ngàn ha, nhưng về lâu dài, để chủ động về vùng nguyên liệu, từng dự án phải có kế hoạch trồng và khai thác hợp lý, vừa hạn chế hiện tượng “tranh mua, tranh bán” vừa mất rừng lại giảm, ép giá làm khó người dân.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An chứng kiến lễ ký kết tài trợ của dự án về bảo vệ rừng bền vững và đảm bảo vùng nguyên liệu cho nhà máy sản xuất viên nén sinh khối. Ảnh Tư liệu Quang An |
Bên cạnh đó, sản xuất viên nén sinh khối và than hoạt tính có yêu cầu về nguồn gốc, chứng chỉ rừng trồng khá nghiêm ngặt nên tỉnh phải có chính sách về phát triển rừng, quy hoạch kế hoạch khai thác hợp lý để phát huy hiệu quả tiềm năng đất rừng. Diện tích đất rừng sản xuất Nghệ An còn khá lớn và các lâm sản phụ cũng khá dồi dào nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng được cấp chứng chỉ rừng. Nếu làm tốt thì chúng ta không chỉ phát triển kinh tế rừng mà còn đồng thời bảo vệ được diện tích rừng và tăng tỷ lệ phủ xanh.
Các chuyên gia khuyến cáo, bước vào giai đoạn hậu Nghị định thư Kyoto vềchống biến đổi khí hậu, thế giới chuyển dần sang sử dụng các dạng năng lượng tái tạo để thay thế năng lượng hóa thạch như than, dầu. Giá bình quân mỗi tấn viên nén tại nhà máy là 145 USD/tấn và tại Nhà máy nhiệt điện là 200 USD, tương đương với 5 triệu đồng/tấn. Vì vậy, để đảm bảo mang lại giá trị kinh tế thì ngoài dự án đầu tư công nghệ hiện đại, đa dạng hóa thị trường thì quốc gia, địa phương có dự án sản xuất viên nén cần có quy hoạch, kế hoạch trong khai thác rừng hợp pháp và bền vững.