Mánh khóe lôi kéo người dân gửi tiền rồi ‘xù nợ’ của những chủ tiệm vàng

Tiến Hùng 12/01/2024 10:35

(Baonghean.vn) - Không chỉ có Doanh nghiệp vàng bạc Tám Nhâm khiến hàng trăm người dân uất ức vì nhận tiền gửi nhưng không chịu chi trả, tại huyện Yên Thành còn có một doanh nghiệp khác cũng sử dụng mánh khóe tương tự trong cùng thời điểm.

Tự in "sổ tiết kiệm" để tạo niềm tin

Nhiều ngày nay, hàng trăm người dân vẫn thường xuyên tập trung trước cổng Doanh nghiệp vàng bạc Tám Nhâm (xã Công Thành, huyện Yên Thành), để gây áp lực, yêu cầu chủ doanh nghiệp này trả lại tiền của họ đã vào gửi vào đây. Đáp lại, chủ tiệm vàng này là ông Nguyễn Vĩnh Tám vẫn thách thức, căng băng rôn trước cửa hàng với nội dung “số tiền dân còn nợ Tám Nhâm là 39 tỷ còn số tiền dân gửi vào đây chỉ còn lại 8,7 tỷ đồng”.

Trong khi đó, chính quyền địa phương phải cắt cử cán bộ tới từng nhà hộ dân để vận động, không tụ tập đông người trước tiệm vàng để đòi nợ, đồng thời khuyên họ khởi kiện dân sự. Vụ việc này kéo dài suốt nhiều năm qua, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

bna-t1-2-5909-8259.jpg
Chủ tiệm vàng Tám Nhâm căng băng rôn đáp lại người dân. Ảnh: T.H

Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ có Doanh nghiệp Tám Nhâm, tại huyện Yên Thành còn có Doanh nghiệp vàng bạc Phúc Nhiên (đóng ở xã Bảo Thành) cũng sử dụng mánh khóe tương tự để lôi kéo người dân gửi tiền, rồi cùng tuyên bố “vỡ nợ” vào cuối năm 2016.

Ông Lê Anh Đào (68 tuổi, xóm 4, xã Sơn Thành), cho biết, mới đây ông cũng vừa tiếp tục gửi đơn đề nghị cơ quan chức năng hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án đối với hành vi của chủ doanh nghiệp này. Trong suốt những năm qua, ông Đào đại diện cho nhiều hộ mất tiền, thực hiện hàng trăm chuyến đi để “gõ cửa” nhiều cơ quan công quyền, với nỗ lực yêu cầu xử lý hình sự chủ tiệm vàng, trả lại tiền cho người dân.

Như nhiều nạn nhân khác, ông Đào có người thân sinh sống ở nước ngoài, thường xuyên gửi tiền về nước thông qua Doanh nghiệp vàng bạc Phúc Nhiên. Chính vì thế, vợ chồng chủ tiệm vàng này nắm rõ trên địa bàn gia đình nào đang có nhiều tiền nhàn rỗi, để lôi kéo gửi tiền vào cho họ. Để tạo niềm tin, chủ doanh nghiệp này cũng tự in cái gọi là “sổ tiết kiệm” giống với cuốn sổ do các tổ chức tín dụng của Nhà nước ban hành. Tiệm vàng cũng đưa ra lãi suất rất cao để khiến nhiều hộ dân đi rút những khoản tiền tiết kiệm đang gửi vào ngân hàng để về gửi cho họ.

Theo người dân, chủ tiệm vàng này nhiều lần tuyên bố họ kinh doanh có con dấu, mã số thuế được Nhà nước cấp phép, kêu gọi mọi người gửi tiền, ngoại tệ vào đây được thanh toán như ngân hàng. Thời gian đầu, tiệm vàng Phúc Nhiên thanh toán tiền lãi rất nhanh, sòng phẳng. Thấy thế, các hộ dân càng thêm niềm tin, đổ xô mang tiền đi gửi. Chỉ trong thời gian ngắn, tiệm vàng này đã huy động được 164 hộ dân gửi tiền, với tổng số tiền lên đến khoảng 24 tỷ đồng. Người ít thì vài chục triệu, người nhiều lên tới 1,6 tỷ đồng. “Nhìn cuốn sổ tiết kiệm giống như thật, chúng tôi cứ tưởng họ được cấp phép hoạt động như ngân hàng”, ông Đào kể và nói rằng, toàn bộ số tiền hơn 130 triệu đồng mà ông mang gửi vào doanh nghiệp này đều không phải của gia đình. Đó là số tiền của anh, chị, em ông Đào ở nước ngoài gửi về nhờ ông xây nhà cho một người em gái bị tật nguyền, không có gia đình.

“Vì lúc đó dự định chưa xây, tiền cũng không để làm gì nên khi được Phúc vận động thì tôi mang gửi vào đó”, ông Đào nói thêm. Chủ tiệm vàng là vợ chồng ông Trần Bá Phúc và bà Tạ Thị Liên với ông Đào vốn là bà con họ hàng của nhau. Lần cuối cùng ông Đào gửi tiền vào doanh nghiệp này là tháng 12/2016. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau đó, ông Phúc bất ngờ tuyên bố "vỡ nợ", không còn khả năng chi trả. Kể từ đó, hàng trăm hộ dân ở các xã như Sơn Thành, Bảo Thành, Vĩnh Thành… lâm vào cảnh khánh kiệt, nhiều người đã chết trong uất ức. Trong khi đó, chủ tiệm vàng thì vẫn sống ung dung trong căn nhà cao tầng giữa trung tâm xã Bảo Thành.

bna-t3-2-8377.jpg
Ông Đào sống trong uất ức suốt nhiều năm qua. Còn chủ tiệm vàng vẫn ung dung trong căn biệt thự. Ảnh: Tiến Hùng

Dấu hiệu vi phạm pháp luật

Cùng thời điểm này, Doanh nghiệp vàng bạc Tám Nhâm cách đó chừng vài km cũng dựng biển hiệu “nhận tiền gửi và cho vay”, để huy động tiền từ người dân. Chủ tiệm vàng là ông Nguyễn Vĩnh Tám cũng tự in những cuốn “sổ tiết kiệm” đóng con dấu của doanh nghiệp vào rồi phát cho người dân đã gửi tiền để tạo niềm tin.

Ông Nguyễn Văn Thư (76 tuổi, xã Lý Thành), cho biết khoảng tháng 8/2016, ông đến cạnh tiệm vàng Tám Nhâm để sửa xe máy. Lúc này, ông Nguyễn Vĩnh Tám đến bắt chuyện và hỏi về chuyện tiền bạc. Biết được ông Thư đang gửi tiết kiệm ở ngân hàng và có con trai đi xuất khẩu lao động, thường xuyên gửi tiền về, ông Tám bắt đầu thuyết phục ông Thư gửi tiền vào tiệm vàng. Ít ngày sau, ông Thư đi rút tiền ở ngân hàng để gửi cho tiệm vàng của ông Tám với cam kết lãi suất cao hơn, thủ tục gửi và rút rất đơn giản. Vài tháng đầu tiên, để tạo niềm tin, khi gần đến ngày nhận lãi suất, ông Tám thường điện trước cho ông Thư đến nhận khiến ông rất phấn khởi, cho rằng việc rút tiền ngân hàng gửi vào đây là quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, đến tháng 11/2016, chủ tiệm vàng Tám Nhâm bất ngờ tuyên bố “vỡ nợ”, không còn khả năng chi trả.

“Để tạo niềm tin, ông Tám thường khoe giấy khen của địa phương, đồng thời cho biết doanh nghiệp này được cấp phép để huy động tiền gửi như ngân hàng. Vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn tiệm vàng đã huy động được hàng trăm người dân đến gửi tiền, với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng”, một nạn nhân khác cho biết.

bna-t2-2-7578.jpg
Việc tự in "sổ tiết kiệm" nhằm huy động tiền gửi là hành vi vi phạm. Ảnh: Tiến Hùng

Trao đổi về những vụ việc này, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Nghệ An cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin 2 tiệm vàng ở huyện Yên Thành huy động tiền gửi của người dân từ lâu. Tuy nhiên, qua kiểm tra cả 2 tiệm vàng đều không được cấp phép để huy động tiền gửi. “Có thể thấy, 2 tiệm vàng này tự in và ban hành những cuốn sổ gọi là "sổ tiết kiệm" rất giống với sổ tiết kiệm ngân hàng ban hành, nhằm tạo niềm tin, đánh lừa người dân gửi tiền vào đây. Dù không được cấp phép, nhưng có thể nói cả 2 tiệm vàng đều hoạt động như một ngân hàng trong suốt thời gian dài. Đó là hành vi vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng”, vị đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Nghệ An.

Ngoài ra, theo vị này các chủ tiệm vàng còn có những hành vi, dấu hiệu của tội Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. “Theo như lời của các chủ tiệm vàng thì họ "vỡ nợ", không thể chi trả cho những người đã gửi tiền vào đây là do họ cũng đang bị người khác nợ tiền, không đòi được. Theo tôi đó là cãi cùn. Không thể đưa ra mối quan hệ bắc cầu như thế được, 2 việc đó không liên quan gì đến nhau. Chủ tiệm vàng cho ai vay tiền thì cứ thế mà đòi, không đòi được thì khởi kiện, còn họ đã nhận tiền gửi của người dân thì phải có trách nhiệm chi trả. Những vụ việc này không xử lý dứt điểm sẽ gây ra những tiền lệ rất xấu”, vị này nêu quan điểm đồng thời kiến nghị chính quyền địa phương thường xuyên thành lập các đoàn liên ngành, tăng cường kiểm tra các hoạt động của tiệm vàng trên địa bàn để ngăn chặn những vụ việc tương tự.

Mới nhất

x
Mánh khóe lôi kéo người dân gửi tiền rồi ‘xù nợ’ của những chủ tiệm vàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO