Một hộ nuôi bò, cả khu dân cư bị ô nhiễm

21/08/2013 18:03

(Baonghean) - Trung tuần tháng 8, Báo Nghệ An nhận được đơn kiến nghị của nhân dân tổ 10, khối Vĩnh Thịnh, P.Đông Vĩnh, TP.Vinh phản ánh sự việc: “Một hộ nuôi bò với số lượng lớn trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, người dân đã nhiều lần kiến nghị mà chính quyền chưa xử lý”...

Nội dung đơn kiến nghị nêu: "... Đã một năm nay, chúng tôi phải sống trong mùi hôi thối của phân và nước giải từ trại bò của gia đình ông Nguyễn Hữu Huệ, tổ 10, khối Vĩnh Thịnh, P.Đông Vĩnh. Gia đình ông Huệ nuôi khoảng 15 con bò mà không đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh môi trường gây ô nhiễm cho những hộ dân sống liền kề. Đã nhiều lần đại diện tổ dân phố và khối trưởng đến nhắc nhở gia đình ông Huệ phải có biện pháp xử lý mùi hôi thối để không ảnh hưởng đến những hộ dân xung quanh, vậy nhưng cho đến bây giờ gia đình ông Huệ vẫn không chịu xử lý khắc phục. Qua Báo Nghệ An, chúng tôi mong muốn UBND Thành phố Vinh và các cơ quan bảo vệ môi trường có biện pháp xử lý dứt điểm giúp cho nhân dân đỡ khổ...".



Trại bò của gia đình ông Nguyễn Hữu Huệ.

Về tổ 10, khối Vĩnh Thịnh thì quả là nhân dân nơi đây đã chẳng đơn sai. Trại bò nhà ông Huệ nằm hẳn trong khu dân cư, được láng nền xi măng, có rãnh thoát chất thải xuống một ao cạn trồng rau muống. Quan sát trong trại thì hiện gia đình ông Huệ đang nuôi khoảng trên chục con bò đã khá lớn. Và sự cộng hưởng từ mùi khẳm của trại bò với không khí oi bức từ ảnh hưởng của cơn bão số 7 thật chẳng dễ chịu chút nào.

Cụ Nguyễn Đình Sinh năm nay đã 71 tuổi, vóc người gầy gò, sống bằng nghề sửa chữa xe, có nhà hướng mặt vào tường của trại bò buồn bực nói: "Khổ lắm chú ạ. Nói nhỏ, nói to rồi đưa ra họp tổ dân phố cũng chẳng được. Thế nên nhân dân đành phải mời báo về...". Theo cụ Sinh, gia đình ông Huệ chăn nuôi bò khá lâu. Trước đây, chỉ nuôi một hai con thì không ảnh hưởng lắm, thế nhưng, từ năm 2013, ông Huệ đã xây chuồng tổ chức chăn nuôi lớn đến 12 -13 con bò. Đáng nói là nuôi như vậy nhưng chẳng chịu xây cất hầm chứa, xử lý chất thải của bò, mọi thứ phân tro, nước giải đều tống xuống ruộng cạnh nhà thế nên đã gây ô nhiễm ghê gớm cho xóm làng. "Khách hàng đến sửa xe hay nói với tôi “Làm sao cụ sống mãi trong không khí thế này được, phải kiến nghị cơ quan chức năng để người ta buộc ông ấy di dời trại bò đi nơi khác chứ”. Thật lòng, xóm giềng chẳng ai muốn làm mất lòng nhau nhưng mà ông ấy chăn nuôi kiểu này quá đáng quá..." - cụ Sinh bức xúc.



Cụ Nguyễn Đình Sinh bức xúc về tình trạng ô nhiễm trầm trọng.

Cũng trong tâm trạng vô cùng bực bội, chị Nguyễn Thị Liễu (nhà sát ao rau muống) dẫn chúng tôi ra xem cái ao nước tù đen kịt chất thải rồi kể khổ: "Tổ dân cư mỗi nhà chỉ được dăm trăm m2, vậy mà ông ấy ngang nhiên nuôi đến hơn chục con bò chẳng thèm xử lý phân tro. Từ đầu năm lại nay, chúng tôi không sống yên vì mùi hôi thối. Sợ nhất là khi đến giờ cơm nước, mọi người cứ phải đóng kín hết cửa lớn cửa nhỏ. Nhà tôi phòng khách lớn là thế mà cũng phải đóng kín cửa rồi dọn cơm ăn tận sâu trong bếp...". Cũng theo chị Liễu, vì chuyện nuôi bò gây ô nhiễm môi trường, ông Huệ với một gia đình hàng xóm đã xẩy ra xô xát.

Theo chị Lê Thị Hồng Diệu - vợ anh Nguyễn Hữu Thành (người đã xô xát với ông Huệ) kể, bởi không chịu nổi mùi thối nên anh Thành đã gặp ông Huệ để nói chuyện. Ban đầu hai người còn ngồi uống nước nói chuyện tình cảm, ai dè sau đó đã "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay", may mà mọi người can thiệp kịp thời nên không ai việc gì cả. Bực nỗi, ông Huệ cho đến nay vẫn không chịu di dời trại bò hay làm hầm Bioga như lời vợ ông ấy đã hứa trước tổ dân phố. Chị Diệu dẫn chúng tôi ra đồng rau muống và nói: Ruộng rau này cũng của gia đình ông ấy trồng. Bao nhiêu chất thải của bò đều thải xuống đây. Trời nắng nóng đã khổ, trời mưa còn khổ hơn. Sát nhà ông Huệ có nhà cụ Xuân cũng cơ khổ với trại bò. Cụ Xuân đang mong làm được bìa đỏ rồi bán đi ở nơi khác chứ không thể chịu đựng thêm được nữa....

Theo anh Nguyễn Bá Thanh, tổ trưởng tổ dân cư, đại diện của tổ và khối trưởng khối Vĩnh Thịnh đã nhiều lần nhắc nhở ông Huệ nhưng không được. Mới đây, ngày 28/7, với sự tham dự của cán bộ khối, tổ dân phố với khoảng 30 hộ đã họp để giải quyết vấn đề ô nhiễm của trại bò nhà ông Nguyễn Hữu Huệ. Hôm đó, bà con trong tổ có ý kiến rất gay gắt, họ nói thẳng trang trại bò nhà ông Huệ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân, đặc biệt là những gia đình cận kề, và đề nghị tổ, khối buộc gia đình ông Huệ phải có giải pháp khắc phục. Hôm đó, bà Thiều (vợ ông Huệ) nói là trời mưa chưa làm được, hết mưa sẽ làm. Vậy nhưng sau đó chẳng thấy động tĩnh...

Trao đổi vấn đề bức xúc của nhân dân tổ 10 với cán bộ khối Vĩnh Thịnh. Vị khối trưởng khối Vĩnh Thịnh cho biết đã 2 lần nhắc nhở gia đình ông Huệ nhưng không giải quyết được gì. Hỏi: Khối đã báo cáo vấn để này lên chính quyền phường? thì được trả lời là chưa, và cho biết chỉ nói nhân dân làm đơn gửi các cơ quan bảo vệ môi trường...(!?).

Rõ ràng, vấn đề mà nhân dân tổ 10, khối Vĩnh Thịnh quan tâm cần sớm được chính quyền phường Đông Vĩnh, Thành phố Vinh vào cuộc giải quyết. Dường như bộ máy chính quyền cơ sở và người dân dù quan tâm vấn đề môi trường nhưng lại không mấy am hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường. Bộ luật này đã quy định những trường hợp gây ô nhiễm môi trường như ông Nguyễn Hữu Huệ, chính quyền sở tại phải nhanh chóng xử lý chứ không nên để nhân dân bức xúc trong một thời gian dài rồi phải tìm đến những cơ quan khác.

Bộ Luật Bảo vệ môi trường quy định:
"Uỷ ban nhân dân các cấp, lực lượng công an, đơn vị quản lý trật tự công cộng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường ở nơi công cộng theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan"
(Điều 52. Bảo vệ môi trường nơi công cộng)
"Hộ gia đình có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường sau đây:
a) Thu gom và chuyển chất thải sinh hoạt đến đúng nơi do tổ chức giữ gìn vệ sinh môi trường tại địa bàn quy định; xả nước thải vào hệ thống thu gom nước thải;
b) Không được phát tán khí thải, gây tiếng ồn và tác nhân khác vượt quá tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, sinh hoạt của cộng đồng dân cư xung quanh;
c) Nộp đủ và đúng thời hạn các loại phí bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
d) Tham gia hoạt động vệ sinh môi trường khu phố, đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng và hoạt động tự quản về bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư;
đ) Có công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh, an toàn đối với khu vực sinh hoạt của con người;
e) Thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong hương ước, bản cam kết bảo vệ môi trường.
2. Thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí gia đình văn hóa".
(Điều 53. Yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình)

;

Các tin khác

.

1Ông trùm hồng phiến luôn mang súng K59 và lựu đạn trên người
2Nghệ An sẽ xử lí nghiêm vụ người dân chặn xe tại khu công nghiệp Nam Cấm vì công nhân không ở trọ
3Nâng cao chất lượng khu vực phòng thủ tỉnh Nghệ An
4Kiểm toán việc phát hành, quản lý và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ tại Nghệ An năm 2015
5Những tỷ phú trồng rừng dưới chân núi Mồng Gà
6[Nóng] Đang trục vớt vật nghi hộp đen CASA-212
1Thế giới 24h qua
2Lương Bích Hữu tình tứ bên 'phi công trẻ' kém 9 tuổi
3Cuộc chiến của 2 nàng chuyển giới Lâm Chi Khanh và Hương Giang Idol
4Nghệ An mời cặp đôi 16 tuổi làm đám cưới lên UBND xã làm việc
5Bộ Ngoại giao Mỹ nêu điều kiện dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga
6EU sụp đổ, Nga thành cường quốc thế giới?

.

.

.

Mới nhất
x
Một hộ nuôi bò, cả khu dân cư bị ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO