Nâng chất lượng, hiệu quả giáo dục mầm non ở huyện miền núi Tân Kỳ
(Baonghean.vn) - Vượt lên nhiều khó khăn, những năm qua công tác giáo dục mầm non, chăm sóc trẻ ở huyện Tân Kỳ đạt được nhiều kết quả tích cực. Để có được những thành công trên, không thể không nói đến việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ.
Chung tay vì con trẻ
Trường Mầm non Tân Xuân nằm trên địa bàn đặc biệt khó khăn của huyện Tân Kỳ, học sinh là con em người dân tộc Thổ chiếm hơn 56%. Hai năm trở lại đây, việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ trở thành việc làm thường xuyên. Vào đầu năm học, nhà trường phối hợp với phụ huynh lựa chọn mục tiêu giáo dục trên cơ sở các mục tiêu của độ tuổi.
Cuộc thi rung chuông vàng của học sinh Trường Mầm non Giai Xuân (Tân Kỳ). Ảnh: M.H |
Trên cơ sở lấy ý kiến thống nhất của phụ huynh và học sinh, giáo viên xây dựng phiếu đánh giá trẻ thông qua từng mục tiêu của kế hoạch giáo dục trình chuyên môn nhà trường trước tháng 9/2020 và gửi phiếu cho từng phụ huynh từ đầu năm học.
Sau khi thực hiện xong chủ đề, cuối học kỳ, giáo viên chủ động phối hợp với phụ huynh đánh giá trẻ đạt hay chưa đạt từng mục tiêu để theo dõi nhằm phát hiện những tiến bộ, thay đổi, những biểu hiện bất thường của trẻ diễn ra hằng ngày, trao đổi kịp thời để giáo viên có sự điều chỉnh trong nội dung và phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ...
“Điều thành công nhất của chúng tôi khi triển khai chương trình đó là làm thay đổi suy nghĩ, nhận thức của phụ huynh về công tác chăm sóc trẻ, từ đó không chỉ nâng cao hiệu quả việc chăm sóc trẻ trên lớp mà còn phối hợp để giáo dục, chăm sóc trẻ ở nhà”.
Mô hình "Thư viện xanh" được triển khai tại tất cả các trường mầm non trên địa bàn huyện. Ảnh: M.H |
Tại Trường Mầm non thị trấn Tân Kỳ, với mong muốn xây dựng môi trường cho trẻ làm quen tiếng Anh, ở thư viện sách nhà trường đã tích cực tuyên truyền với phụ huynh về việc cùng con đọc sách ở thư viện của trường hoặc cùng con đọc sách ở nhà để hình thành thói quen đọc sách.
Bên cạnh đó, vận động phụ huynh, các ban, ngành, đoàn thể cùng quyên góp thêm vào thư viện trường lớp những quyển sách, truyện hay của mầm non có phụ đề in có chữ tiếng Việt, tiếng Anh để trẻ có được nhiều loại sách mới, lạ, hay và thiết thực. Mô hình "Thư viện xanh" cũng đã được triển khai ở Trường Mầm non Nghĩa Hợp nhờ sự chung tay của phụ huynh, giáo viên và các đoàn thể trong xã.
Sau khi đưa vào hoạt động, mô hình mới với hình thức sáng tạo đã từng bước giúp cho học sinh hình thành văn hóa đọc từ bậc mầm non, giúp trẻ được củng cố kiến thức đã học một cách nhẹ nhàng, hứng thú.
Phụ huynh xã Nghĩa Thái cùng chung tay sửa chữa trường mầm non. Ảnh: M.H |
Năm học vừa qua, lần đầu tiên Trường Mầm non thị trấn Tân Kỳ tổ chức ngày hội giao lưu tiếng Anh cụm trường giữa trường mầm non công lập và tư thục trên địa bàn thị trấn cho 130 học sinh ở lứa tuổi 5 - 6 tuổi. Chương trình được thực hiện dưới hình thức cuộc thi "Rung chuông vàng" với nhiều phần thi sáng tạo, ngộ nghĩnh, sinh động đa dạng, phù hợp với lứa tuổi đã đem đến một sân chơi bổ ích và một ngày hội tiếng Anh thực sự ý nghĩa.
Nhiều trường học khác như Trường Mầm non Nghĩa Đồng, Trường Mầm non Tân Hợp, Trường Mầm non Kỳ Tân, Trường Mầm non Tiên Kỳ đã phối hợp với cha mẹ trẻ tổ chức nhiều ngày lễ trong năm học như ngày hội bé đến trường, Rằm Trung thu và triển khai các hoạt động trải nghiệm lớn như: Bé tập làm chiến sỹ; Bé với Tết cổ truyền; Bé với an toàn giao thông.
Vào dịp cuối năm học, nhờ có sự phối hợp của phụ huynh, hoạt động ngoại khóa “Chương trình giao lưu chuyển tiếp hỗ trợ mầm non lên tiểu học” đã được tổ chức hiệu quả ở nhiều trường học. Từ đó, không chỉ giúp cho việc tổ chức hoạt động chuyển tiếp cho trẻ 5 tuổi từ mầm non lên tiểu học và tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc mà còn kịp thời tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ phụ huynh chuẩn bị cho con trước khi vào lớp 1, nhất là trong bối cảnh thực hiện chương trình phổ thông mới, thay sách giáo khoa với học sinh lớp 1.
Tiết trải nghiệm thực tế của Trường Mầm non Hoa Hồng (Tân Kỳ). Ảnh: M.H |
Cô giáo Chử Thị Hoài Thu - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân An cũng chia sẻ: “Việc đồng hành của phụ huynh với nhà trường trong hoạt động này sẽ giúp trẻ được chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về tâm lý, khả năng học tập, sức khỏe, vật chất... và để trẻ nhanh chóng thích nghi, hòa nhập tốt và đạt mục tiêu giáo dục trong môi trường mới”.
Xây dựng môi trường phát triển toàn diện
Hiện toàn huyện Tân Kỳ có 27 cơ sở giáo dục mầm non, trong đó, có 24 trường công lập, 2 trường tư thục và 1 nhóm trẻ độc lập tư thục. Hàng năm số trẻ ra lớp so với kế hoạch đạt trên 95% ở cả 2 độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo.
Toàn huyện có 22/22 xã, thị trấn duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi vững chắc. Chất lượng chăm sóc, giáo dục đối với các lớp mầm non 5 tuổi ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thể thấp còi dưới 6%, 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non. Ở các bậc học khác tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cả về chiều cao, cân nặng cũng giảm khoảng 0,4%.
Nhiều trường mầm non trên địa bàn huyện Tân Kỳ được đầu tư khang trang, hiện đại. Ảnh: Mỹ Hà |
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, trong những năm qua ngành Giáo dục huyện Tân Kỳ đã kịp thời có những chỉ đạo sát sao, đảm bảo sát thực, khả thi. Về hoạt động chuyên môn, ngay từ đầu năm học, thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng GD&ĐT huyện đã điều chỉnh các mục tiêu, nội dung giáo dục phù hợp với bối cảnh thực tế từng đơn vị và chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung đã đề ra.
Ngành cũng khuyến khích các nhà trường triển khai các chủ đề với các nội dung linh hoạt, sáng tạo, phù hợp nhằm giúp trẻ phát triển đầy đủ các lĩnh vực theo mục tiêu chương trình giáo dục mầm non. Thực hiện chương trình giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, nhiều trường học đã triển khai thực hiện xây dựng môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học mang tính mở, đáp ứng nhu cầu vui chơi trải nghiệm cho trẻ. Trẻ đến trường được bảo đảm an toàn cả về thể chất và tinh thần, không có hiện tượng bạo hành trẻ, tai nạn, thương tích, dịch bệnh, ngộ độc xảy ra trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Chương trình ngoại khóa chuẩn bị hành trang vào lớp 1 của học sinh Trường Mầm non Giai Xuân 1. Ảnh: M.H |
Việc đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng cảnh quan trường lớp được chú trọng, quan tâm bảo đảm xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện. Môi trường giáo dục trong và ngoài nhóm, lớp được xây dựng khoa học, mang tính mở kích thích trẻ hoạt động tích cực. Trong năm học này, toàn huyện đã xây mới 15 phòng học, 17 phòng chức năng, 3 bếp ăn và 17 công trình vệ sinh cho bậc mầm non với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng.
Nhờ đó, cơ sở vật chất của các trường ngày càng được đầu tư, đáp ứng đủ yêu cầu dạy và học, nhiều trường được công nhận trường chuẩn hoặc được thẩm định lại đạt chuẩn.
Chuẩn bị hành trang cho bé vào lớp 1. Ảnh: M.H |
Bên cạnh đó, thực hiện phát động, chỉ đạo của phòng giáo dục và đào tạo, 26/26 trường mầm non đều đã phối hợp phụ huynh và các tổ chức địa phương xây dựng mô hình "Thư viện xanh", xây dựng môi trường cho trẻ làm quen tiếng Anh, đầu tư thiết kế xây dựng cải tạo các khu vui chơi thực hành trải nghiệm ngoài trời cho trẻ. Đồng thời, tu sửa mua sắm bổ sung thêm đồ chơi ngoài trời, trang bị nội thất trong các nhóm, lớp đáp ứng nhu cầu phục vụ sinh hoạt vui chơi cho trẻ.
Với những nỗ lực cố gắng và chung tay của cả cộng đồng, chất lượng giáo dục mầm non của huyện Tân Kỳ đã có những chuyển biến tích cực được phụ huynh gửi gắm, tin cậy.
“Dù trong hoàn cảnh nào thì ngành Giáo dục Tân Kỳ cũng nỗ lực, cố gắng để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục bậc mầm non nói riêng. Mục tiêu chính là tăng tỷ lệ nhập học, đổi mới phương pháp dạy học để đáp ứng các tiêu chuẩn giáo dục cơ bản và giúp trẻ được phát triển tốt cả về thể chất và trí tuệ”.