Xã hội

Nét cổ kính hàng trăm năm của đền thờ Quận công Đinh Bạt Tụy

An Nam 14/12/2024 09:51

Tồn tại hàng trăm năm, qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đền thờ Quận công Đinh Bạt Tụy ở xã Hưng Trung (Hưng Nguyên) mang vẻ đẹp cổ kính, uy nghi.

bna_1..jpg
Đinh Bạt Tụy (1516 - 1589) người làng Bùi Ngọa, xã Bùi Khổng (xã Hưng Trung) là một trong những “danh tướng lương thần” của nhà Lê, có công hộ quốc an dân được lịch sử ghi nhận là “Đệ nhất công thần”. Sau khi ông mất, triều đình nhà Lê đã cho lập đền thờ tại quê hương. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, đền đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Hiện, trong khuôn viên đền rộng 10.000 m2 có các công trình chính: Cổng tam quan, nghi môn, 3 tòa hạ, trung, thượng điện, nhà bia, nhà chờ... Ảnh: Huy Thư
bna_2..jpg
Cổng tam quan của đền được xây dựng từ xưa, trong lần trùng tu tôn tạo vào năm 1991, cổng có kiến trúc như ngày hôm nay. Tam quan có 3 cửa ra vào. Cửa chính ở giữa cao 3 tầng, trang trí công phu với những hình ảnh rồng, nghê, hoa lá... được đắp nổi một cách sống động. Trong ảnh: Mặt trước phần trên cửa chính. Ảnh: Huy Thư
bna_3(1).jpg
Mỗi tầng thiết kế một kiểu cửa (vòm cuốn, lục giác, tròn). Mái ngói tam quan cong vút đầu đao. Hai mặt tam quan đều đắp trụ quyết giật cấp, trang trí các câu đối bằng chữ Hán. Trong ảnh: Mặt sau phần trên cửa chính. Ảnh: Huy Thư
bna_4..jpg
Sau cửa tam quan, ngay trước sân hạ điện là nghi môn với hai cột trụ biểu giật cấp trên đỉnh đắp hình 2 con nghê chầu vào giữa bằng vôi vữa và mảnh sứ. Không gian kiến trúc của đền từ trước ra sau được bố trí đăng đối hài hòa. Ảnh: Huy Thư
bna_5(1).jpg
Hạ điện của đền và nhà bia là những công trình có kết cấu đặc biệt. Mặt trước hạ điện được xây tường, mở các cửa vòm, phía trên trang trí hình ảnh cuốn thư, lưỡng long triều nguyệt, cá chép... Giới hạn các cửa là các cột trụ cách điệu được đắp chữ Hán và tượng nghê chầu. Nhà bia phía trước, bên phải hạ điện được xây dựng như một chiếc kiệu long đình có 4 cửa thông ra 4 mặt. Ảnh: Huy Thư
bna_6(1).jpg
Bên trong nhà bia có 1 tấm bia đá được điêu khắc tinh xảo. Ông Đinh Bạt Tráng - thành viên Ban Quản lý di tích cho biết: Đây là tấm bia cổ đã có từ lâu đời. Văn bia ghi bằng chữ Hán nói về thân thế, sự nghiệp, công lao của Thượng thư, Quận công Đinh Bạt Tụy. Ảnh: Huy Thư
bna_7(2).jpg
Tuy được trùng tu tôn tạo nhiều lần nhưng các điện thờ vẫn giữ nguyên kiến trúc xưa. Thượng điện là ngôi nhà trồng diêm 2 tầng 8 mái. Trên khung gỗ của đền, một số kết cấu gỗ được chạm khắc khá đẹp mắt. Ảnh: Huy Thư
bna_8.jpg
Mặt sau của hạ điện thông với trung điện tạo nên không gian thờ tự uy nghi. Cột trụ 2 kẻ sau gian giữa của hạ điện đắp nổi hình rồng cuộn. Trước cột nhà treo các câu đối cổ. Trên mái nhà trang trí bằng các bức vẽ rồng, phượng đẹp mắt. Ảnh: Huy Thư
bna_9.jpg
Bức tranh chim phượng với nét vẽ sắc sảo, mềm mại, qua cả trăm năm màu sắc vẫn còn tươi nguyên. Ảnh: Huy Thư
bna_10.jpg
Thượng điện của đền bài trí 3 cung thờ: ở giữa là bàn thờ Thượng thư, Quận công Đinh Bạt Tụy; hai bên là bàn thờ con và cháu của Ngài. Tại đây, treo nhiều bức trướng, đại tự cổ, đã nhuốm màu thời gian. Ảnh: Huy Thư
bna_11.jpg
Tồn tại qua hàng trăm năm, hiện đền còn lưu giữ nhiều đồ tế khí cổ kính, như lư hương, long ngai, bài vị, câu đối đại tự, giá gương, áo, mũ, kiếm... cùng 37 tấm sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam ban tặng. Đền đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia năm 1991. Hàng năm, tại đền có 2 ngày lễ lớn: Ngày 17/4 âm lịch là ngày giỗ Quận công Đinh Bạt Tụy và ngày 11/2 âm lịch là ngày hội Xuân Đinh. Ảnh: Huy Thư
Vẻ đẹp bên trong đền thờ Quận công Đinh Bạt Tụy. Video: Huy Thư

Mới nhất

x
Nét cổ kính hàng trăm năm của đền thờ Quận công Đinh Bạt Tụy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO