Nghệ An chủ động kịch bản có trên 10.000 bệnh nhân Covid-19

Thanh Sơn 11/11/2021 10:40

(Baonghean.vn) - Ở thời điểm này, tình hình dịch Covid-19 ở Nghệ An đang có nhiều diễn biến mới, công tác điều trị cho bệnh nhân đang có những điều chỉnh phù hợp.

Thời gian qua, Nghệ An đã tập trung điều trị tốt cho các bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn. Nhờ vậy tỷ lệ bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện đạt cao; tỷ lệ bệnh nhân tử vong do Covid-19 rất thấp…

Điều trị tốt cho bệnh nhân Covid-19

Ngày 15/4/2021, Nghệ An chính thức ghi nhận 02 ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. 2 bệnh nhân này là những người dân hồi hương từ Hàn Quốc trên chuyến bay giải cứu, về cách ly tại địa phương. Tiếp đó, ngày 6/5/2021, ca nhiễm cộng đồng đầu tiên ở Nghệ An được phát hiện tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai… Sau gần 7 tháng, tính đến ngày 11/11/2021, trải qua các đợt dịch, toàn tỉnh đã ghi nhận 2.838 bệnh nhân mắc Covid-19 ở 21 huyện, thành, thị.

Bệnh viện dã chiến số 8 ở Nghệ An đặt tại Khu B, Bệnh viện HNĐK Nghệ An. Ảnh: Hoàng Linh

Chủ động phòng chống dịch Covid-19, tỉnh Nghệ An đặc biệt coi trọng công tác điều trị cho bệnh nhân. Với những ca bệnh đầu tiên này, tỉnh chỉ đạo thực hiện điều trị bệnh nhân Covid-19 ngay tại tuyến y tế cơ sở; nếu bệnh nhân chuyển nặng thì chuyển lên tuyến trên là Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh. Do có sự chuẩn bị chu đáo, tập huấn kỹ càng từ trước, các bệnh viện như Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tây Nam, Đa khoa Khu vực Tây Bắc, Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Lưu đều thực hiện tốt nhiệm vụ. Các bệnh nhanh chóng khỏi bệnh và xuất viện.

Nhưng rồi, làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 với biến chủng Delta xuất hiện, số ca bệnh ở tỉnh tăng nhanh. Các cơ sở điều trị Covid-19 quá tải. Tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo thành lập các Bệnh viện dã chiến số 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Nghệ An để điều trị bệnh nhân. Những bệnh viện dã chiến này thực hiện thu dung, điều trị cho bệnh nhân nhẹ, các bệnh nhân nặng được chuyển lên điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới. Ngành Y tế Nghệ An đã điều động nhân lực và giao cho các bệnh viện công lập tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế Hưng Nguyên, Trung tâm Y tế Nghĩa Đàn trực tiếp phụ trách các bệnh viện dã chiến.

Điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 3. Ảnh: BVCC

Phải nói rằng, công tác điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 ở Nghệ An được thực hiện rất tốt. Đã có rất nhiều bệnh nhân cao tuổi, nặng, nguy kịch, nhiều bệnh nền phải thở máy, lọc máu… được cứu sống, sớm xuất viện trở lại cuộc sống bình thường.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, phụ trách Bệnh viện Dã chiến số 4 cho biết: “Mọi vấn đề về điều trị, sử dụng thuốc theo phác đồ đều được các bác sĩ tính toán kỹ lưỡng, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng kèm theo hội chẩn xin ý kiến chỉ đạo từ hội đồng chuyên môn”.

Bên cạnh việc điều trị cho bệnh nhân, hàng ngày các y bác sỹ vẫn luôn dành những lời động viên, chia sẻ, không để người bệnh cô độc trong cuộc chiến chống giặc Covid-19.

Ông N.H.N, 86 tuổi, xóm Đình Phùng, xã Hoa Thành, huyện Yên Thành -từng mắc Covid-19 phải nhập viện điều trị kể: “Ở bệnh viện, các bác sĩ rất trách nhiệm, chăm sóc bệnh nhân chúng tôi đến nơi đến chốn. Hàng ngày, các bác sĩ vẫn đến thăm hỏi, chuyện trò, tặng thêm bánh, sữa, hoa quả... giúp bệnh nhân được vui vẻ, tâm lý thoải mái để hợp tác điều trị, sớm khỏi bệnh”.

8 khoa, trung tâm của Bệnh viện HNĐK Nghệ An được yêu cầu phong tỏa trong vòng 7 ngày. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Hiệu quả điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Nghệ An thể hiện qua các con số: Tính đến nay, lũy tích số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện là 2.366 người. Lũy tích số bệnh nhân tử vong là 21 người, chiếm tỷ lệ 0,74% so với tổng số ca mắc, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Việt Nam (2,4%) và trên thế giới (2,1%)…

Cũng nhờ điều trị, khống chế dịch tốt, nên Bệnh viện Dã chiến số 6 dẫu đã được thành lập nhưng không phải đưa vào sử dụng. Và đến ngày 29/9, Nghệ An đã “đóng cửa” 4 bệnh dã chiến số 1, 2, 4, 5. Tỉnh chỉ giữ lại Bệnh viện dã chiến số 3 và Trung tâm Bệnh Nhiệt đới để làm cơ sở điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Tính toán cho kịch bản có trên 10.000 bệnh nhân

Đứng trước những diễn biến mới, hết sức nguy hiểm của dịch, tỉnh Nghệ An đã xây dựng, triển khai Kế hoạch số 598/KH-UBND ngày 21/10/2021 về việc triển khai “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ; chuẩn bị cơ sở thu dung và điều trị ở cấp độ cao hơn, nhất là cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.

Dịch Covid-19 ở tỉnh Nghệ An chỉ tạm lắng được một thời gian rất ngắn. Đợt dịch mới lại bắt đầu với nhiều diễn biến hết sức phức tạp, nguy hiểm. Từ ngày 1/10 đến ngày 11/11, số lượng công dân trở về từ các tỉnh, thành phố có dịch phía Nam tiếp tục tăng nhanh chóng; với trên 33.356 công dân quản lý, cách ly; 473 ca dương tính (469 ca nhiễm mới, 4 ca tái dương tính). Trừ số công dân hồi hương mắc Covid-19 này, toàn tỉnh xuất hiện thêm 520 ca nhiễm Covid-19… Ở đợt dịch mới này, nhiều địa bàn trong tỉnh xuất hiện ca nhiễm cộng đồng. Dịch lây lan với tốc độ rất nhanh. Nhiều ổ dịch xuất hiện nhưng không thể điều tra được nguồn lây. Đặc biệt, dịch Covid-19 đã xâm nhập vào các bệnh viện (Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện HNĐK Nghệ An, Bệnh viện ĐK Nghi Lộc); xâm nhập vào trường học (Nghi Lộc, Quỳ Hợp); xâm nhập vào Khu công nghiệp (KCN VSIP).

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, trong đợt dịch này, ngành Y tế tỉnh Nghệ An đã, đang và tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác khống chế, dập dịch và điều trị bệnh nhân Covid-19. Trong bối cảnh dịch lây lan nhiều địa bàn, xâm nhập bệnh viện nhưng ngành vẫn đảm bảo tốt công tác khám, chữa bệnh, không để gián đoạn, “đứt gãy”, đặc biệt là ở khu vực “vùng đỏ”.

Trung tâm Chỉ huy và TP Vinh khảo sát mở rộng vùng phong tỏa Covid-19. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Đơn cử, Hưng Lộc (TP Vinh), trong tháng 10 và đầu tháng 11/2021, là địa phương “vùng đỏ” - nguy cơ rất cao, với nhiều ca mắc Covid-19. Để duy trì hoạt động vừa chống dịch, nhưng không để gián đoạn, đứt gãy công tác khám, chữa bệnh cho người dân, Trung tâm Y tế TP Vinh đã chỉ đạo Trạm cắt cử cán bộ thay phiên nhau thường trực ở trạm để tiếp đón, khám bệnh cho người dân, hướng dẫn người dân khai báo y tế, thực hiện công tác tiêm chủng.

Bà Lê Thị Lệ Thu - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hưng Lộc chia sẻ: Trạm đã thiết lập đường dây nóng, bố trí nhân viên y tế xóm thường xuyên tiếp cận với người dân để nắm bắt tình hình sức khỏe, cấp phát thuốc, hỗ trợ người bệnh. Trạm y tế đã chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất… và 3 bình oxy y tế để phục vụ công tác cấp cứu bệnh nhân.

Lấy mẫu xét nghiệm người dân trong khu vực phong tỏa. Ảnh tư liệu: Q.A

Đối với các trường hợp cấp cứu, mắc các bệnh mạn tính, Trạm Y tế xã Hưng Lộc thực hiện liên hệ với Bệnh viện Đa khoa 115 sẵn sàng xe đưa đón, đồng thời liên hệ với các chốt kiểm dịch, tạo điều kiện để đưa người bệnh về trạm y tế tiến hành test nhanh. Khi có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, trạm cấp giấy giới thiệu lên tuyến trên cho bệnh nhân.

Tương tự, khi phát hiện “ổ dịch” tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An, Sở Y tế Nghệ An đã kịp thời chỉ đạo phong tỏa, cách ly nghiêm ngặt 8 khoa và trung tâm nằm từ tầng 4 đến tầng 7 của tòa nhà 7 tầng bệnh viện để phòng, chống dịch. Các khoa từ tầng 3 trở xuống, thực hiện nghiêm ngặt các quy định về phòng dịch. Bệnh viện dừng tiếp nhận bệnh nhân điều trị nội trú, ngoại trừ bệnh nhân cấp cứu để tập trung phòng chống dịch. Nhờ vậy, ổ dịch tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An cơ bản đã được kiểm soát tốt; hoạt động khám chữa bệnh vẫn đảm bảo an toàn.

Không gian các khoa, phòng ở tòa nhà 7 tầng Bệnh viện HNĐK Nghệ An rất kín, nguy cơ khiến dịch bệnh lây lan. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, các ca bệnh tăng nhanh, ngày 25/10, Bệnh viện dã chiến số 8 Nghệ An đặt tại Khu B, Bệnh viện HNĐK Nghệ An đã được kích hoạt, thu dung và điều trị bệnh nhân. Bệnh viện có công suất 1.000 giường bệnh, có nhiệm vụ tiếp nhận, sàng lọc, cách ly, cấp cứu, chăm sóc, theo dõi và điều trị cho các trường hợp bệnh nghi ngờ và trường hợp xác định mắc Covid-19 mức độ nhẹ và trung bình trên địa bàn tỉnh. Bệnh viện ra đời đã góp phần giải quyết mối lo ngại quá tải bệnh nhân.

Tiến sĩ Đậu Huy Hoàn - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Trước nguy cơ mới của dịch, Sở Y tế Nghệ An đã xây dựng dự thảo kế hoạch triển khai giường thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 theo cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, dự thảo đang được xin ý kiến các sở, ban, ngành trước khi trình UBND tỉnh ban hành. Dự thảo kế hoạch đề ra 4 cấp độ dịch, số ca mắc mới trong cộng đồng/100.000 người/1 tuần, và bố trí số giường bệnh tương ứng để đáp ứng yêu cầu chủ động, kịp thời công tác thu dung, điều trị bệnh nhân.

Nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng được điều trị khỏi. Ảnh tư liệu

Ở mỗi cấp độ đều có sự phân luồng rõ theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế. Ở cấp độ 4, với trên 10.000 bệnh nhân mắc, thì tổng số giường có thể huy động 35.500 giường (bao gồm giường bệnh các cơ sở công lập tuyến tỉnh, khách sạn, 50% giường bệnh tại 19 cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện/thị xã/thành phố và 12 bệnh viện đa khoa tư nhân). Ở cấp độ này, Nghệ An đồng thời kích hoạt các trạm y tế lưu động, mỗi trạm quản lý 50 ca nhiễm.

Theo các chuyên gia y tế: Trong bối cảnh mới của dịch, việc đặt ra kịch bản tình huống xuất hiện hàng loạt ca nhiễm, dịch lan rộng là rất kịp thời. Chúng ta phải chuẩn bị các điều kiện để thực hiện tổ chức điều trị, chăm sóc F0 tại cộng đồng thông qua hoạt động của trạm y tế lưu động nhằm khóa chặt ổ dịch trong “vùng đỏ”, nhường giường bệnh cho bệnh nhân nặng. Trong tương lai gần, khi tỷ lệ người dân tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được nâng cao, bệnh nhân thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ hoàn toàn có thể điều trị tại nhà. Trạm Y tế lưu động chính là biện pháp đạt hiệu quả kinh tế cũng như bảo đảm sức khỏe cho người dân.

Mới nhất
x
Nghệ An chủ động kịch bản có trên 10.000 bệnh nhân Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO