Đảm bảo quyền lợi học sinh thi vào lớp 10, xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm

Mỹ Hà 14/05/2024 17:02

(Baonghean.vn) - Việc “ép” không cho học sinh thi vào lớp 10 đã là câu chuyện của nhiều mùa tuyển sinh. Mới đây, tại Trường THCS Nghi Quang - huyện Nghi Lộc đã xảy ra sự việc giáo viên chủ nhiệm nhắn tin cho phụ huynh về vấn đề phân luồng học sinh gây bức xúc dư luận.

Định hướng phân luồng trái quy định

Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Quang - huyện Nghi Lộc cho biết, nhà trường vừa có báo cáo giải trình về việc phản ảnh của học sinh về việc không cho con thi vào lớp 10.

Trước đó, sau các kỳ thi khảo sát của Phòng Giáo dục và Đào tạo Nghi Lộc và qua thực tế kết quả học tập trên lớp, học sinhN. M.K - học sinh lớp 9C - Trường THCS Nghi Quang (Nghi Lộc) được giáo viên chủ nhiệm xếp vào diện học sinh phân luồng.

Ngày 4/5, chỉ 5 ngày trước khi học sinh lớp 10 toàn tỉnh chính thức đăng ký dự thi, cô giáo chủ nhiệm của K đã nhắn tin cho phụ huynh em K với nội dung “cháu không được tham gia thi vô cấp III chị nhé. Từ chiều nay cho đến khi tổng kết lớp liên hoan cháu được nghỉ ở nhà, gia đình quản lý cháu nhé. Cháu được xét tốt nghiệp không tham gia ôn thi. Đây là thông báo của nhà trường. Mong phụ huynh hiểu và thông cảm”.

Sau tin nhắn của cô giáo chủ nhiệm, gia đình học sinh này nghĩ rằng việc nhà trường cấm học sinh lớp 9 không được thi lên cấp III là trái quy định. Học sinh N.M.K cũng nói rằng: Em muốn tiếp tục đi học. Em không muốn mình không đậu cấp III rồi ở nhà cả ngày. Em cũng quá nhỏ để đi làm.

Sự việc sau đó được thông tin lên mạng xã hội và nhận được nhiều ý kiến bất bình của dư luận. Là giáo viên chủ nhiệm, đồng thời là giáo viên dạy Toán ở lớp 9C, cô giáo N.T.L thừa nhận việc mình có nhắn tin như vậy với phụ huynh và lời lẽ trong tin nhắn chưa chính xác so với tinh thần chỉ đạo của nhà trường: Do tôi là giáo viên dạy Toán nên có thể ngôn ngữ của tôi đến với phụ huynh chưa tốt và vì thế phụ huynh có thể hiểu nhầm ý của giáo viên. Thực tế, khi tôi gửi những tin nhắn này, tôi muốn thông báo cho phụ huynh về việc học của học sinh và muốn phụ huynh thấy được năng lực thực sự của cháu để có hướng đi khác phù hợp.

Giờ học của học sinh lớp 9C - Trường THCS Nghi Quang - Nghi Lộc.jpg
Giờ học của học sinh lớp 9C - Trường THCS Nghi Quang - Nghi Lộc. Ảnh: Mỹ Hà

Ngay sau sự việc này, Trường THCS Nghi Quang cũng đã làm việc với giáo viên chủ nhiệm lớp, nắm bắt sự việc. Thầy giáo Võ Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Quang cho biết: Chúng tôi đã tìm hiểu và yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lớp 9C, phân công đồng chí Phó Hiệu trưởng thông tin cụ thể, rõ ràng, kịp thời để phụ huynh biết. Về tin nhắn của giáo viên chủ nhiệm lớp 9C cho phụ huynh của em N.M.K nhà trường nhận thấy, giáo viên chủ nhiệm đã dùng từ ngữ trong tin nhắn chưa đúng bản chất sự việc, đã để phụ huynh hiểu nhầm là không cho con thi vào lớp 10 và học luyện thi tại trường.

Nhà trường cũng nhận trách nhiệm về thông tin của giáo viên chủ nhiệm lớp 9C đã nhắn tin chưa cụ thể, phản ánh chưa đúng bản chất sự việc dẫn đến hiểu nhầm và đã có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục.

Hiện học sinh N.M.K đã đăng ký thi vào lớp 10 và đã tham gia ôn tập tại trường.

bna_Hiện Trường THCS Nghi Quang có 81_92 học sinh đăng ký thi vào lớp 10.jpg
Hiện Trường THCS Nghi Quang có 81/92 học sinh đăng ký thi vào lớp 10. Ảnh: Mỹ Hà

Đảm bảo quyền lợi cho học sinh

Sau sự việc ở Trường THCS Nghi Quang, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghi Lộc cũng đã có văn bản chấn chỉnh các nhà trường. Đồng thời yêu cầu thông báo cho tất cả phụ huynh, học sinh lớp 9 đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp (bao gồm các học sinh đã phân luồng) đều có quyền được tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Các nhà trường cũng cần tạo điều kiện về phương tiện và tổ chức cho học sinh đăng ký hồ sơ thi tuyển kịp thời gian quy định.

Trên thực tế, việc một số giáo viên không cho học sinh thi vào lớp 10 không chỉ xảy ra trong năm học này mà đã diễn ra nhiều năm nay. Nguyên nhân chính chủ yếu với 2 lý do. Thứ nhất, đây là đối tượng học sinh có năng lực học hạn chế và theo đánh giá của các giáo viên, khó có khả năng đậu vào công lập. Như tại lớp 9C - Trường THCS Nghi Quang, lớp có 29 học sinh nhưng tại đợt khảo sát mới đây của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghi Lộc, chỉ có 2 học sinh đạt điểm trung bình 3 môn trên 15 điểm, điểm trung bình 3 môn Văn - Toán - Anh của lớp chỉ đạt 10.76 điểm, có học sinh điểm thi 3 môn chỉ có 5.9 điểm. Trong khi đó, điểm chuẩn đầu vào của các trường trên địa bàn đều xấp xỉ hoặc trên 15 điểm.

IMG_0642.JPG
Năm nay, các em dự thi vào lớp 10 sẽ bắt đầu đăng ký dự tuyển từ ngày 09/5 - 15/5/2024 theo hình thức trực tuyến trên https://nghean.tsdc.vnedu.vn/. Ảnh: Mỹ Hà

Năm nay khi số học sinh trên tỉnh tăng đột biến, trong khi chỉ tiêu vào các trường công lập chỉ từ 70 - 75% nên trên 25% học sinh trên toàn tỉnh sẽ không có cơ hội đậu vào trường công lập (với hơn 10.000 học sinh). Áp lực sẽ cao hơn với các huyện, thành, thị ven thành phố Vinh như Nghi Lộc, Nam Đàn, Hưng Nguyên, thị xã Cửa Lò.

Qua thống kê ở huyện Nghi Lộc, năm nay toàn huyện tăng hơn 500 học sinh nhưng 5 trường THPT trên địa bàn chỉ tăng khoảng 200 chỉ tiêu. Ngoài áp lực trong nội bộ huyện, học sinh Nghi Lộc còn chịu cạnh tranh khi mỗi năm có khoảng 700 học sinh ở thành phố Vinh về đăng ký dự thi và chiếm khoảng 500 chỉ tiêu trúng tuyển ở các trường lân cận như Trường THPT Nguyễn Duy Trinh, Trường THPT Nghi Lộc 3 và Nghi Lộc 4.

Ngoài lý do áp lực tuyển sinh, việc nhiều trường học hạn chế số lượng học sinh thi vào lớp 10 còn bởi thành tích hoặc áp lực về chất lượng. Điều bất cập là hiện nay, nhiều địa phương căn cứ vào điểm tuyển sinh lớp 10 để xếp thi đua của các nhà trường. Để đảm bảo có điểm số vượt trội, nhiều nhà trường đã tuyên truyền để những học sinh có học lực yếu, trung bình không dự thi lớp 10 để không ảnh hưởng vào điểm thi chung và không ảnh hưởng đến việc ký cam kết đảm bảo chất lượng giáo dục ở các nhà trường và của các giáo viên.

440871934_3673784022833150_3307407613769885668_n.jpg
Hội nghị tư vấn hướng nghiệp phân luồng cho học sinh. Ảnh: CSCC

Với quy mô học sinh lớp 9 tăng nhanh như hiện nay và nhanh hơn rất nhiều so với quy mô trường lớp hiện có, dự báo những năm tới công tác phân luồng vẫn tiếp tục được các trường THCS trên toàn tỉnh triển khai, đảm bảo mục tiêu mỗi năm sẽ có 25 - 30% học sinh lớp 9 không đậu vào lớp 10 sẽ đi học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Vấn đề đặt ra bây giờ, đó là thay vì phân luồng một cách máy móc hoặc chỉ căn cứ vào điểm số của học sinh thì các nhà trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, tư vấn để phụ huynh, học sinh thấy được lợi ích của học nghề để từ đó công tác phân luồng được thực hiện hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện.

Bên cạnh đó, để giáo dục đi vào thực chất, thay vì chỉ đánh giá chất lượng của các nhà trường dựa vào điểm thi lớp 10 thì Sở cũng nên cần đánh giá trong cả quá trình học tập, đánh giá trên điểm khảo sát của toàn bộ học sinh, bao gồm cả học sinh có năng lực yếu, trung bình. Như vậy, vừa đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng, vừa tránh áp lực cho các nhà trường trong cuộc đua “điểm cao” tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Trước đó, chiều 11/5, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành ra văn bản hướng dẫn một số nội dung thực hiện nhiệm vụ cuối năm học 2023 - 2024. Trong đó, đặc biệt lưu ý thực hiện nghiêm việc tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 9, hướng dẫn học sinh dự thi lên lớp 10.

Theo đó, Sở đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện đúng chủ trương phân luồng cũng như tạo cơ hội công bằng cho tất cả học sinh. Đồng thời chỉ rõ tất cả học sinh lớp 9 đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp đều có quyền được tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Sở cũng yêu cầu các nhà trường tuyệt đối không được ngăn cấm học sinh lớp 9 được công nhận tốt nghiệp dự thi vào lớp 10. Quá trình thực hiện, Sở yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo kiểm tra việc tổ chức thực hiện của các đơn vị trực thuộc. Nếu phát hiện sai phạm phải có hình thức xử lý nghiêm.

Mới nhất

x
Đảm bảo quyền lợi học sinh thi vào lớp 10, xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO