Xã hội

Người Thổ Nghệ An phục dựng cánh võng Làng Sen

Mỹ Hà 25/09/2024 21:00

Từ nguyên liệu truyền thống bản địa, người dân xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ đã hoàn thiện việc phục dựng chiếc võng gai gắn với tuổi thơ của Bác Hồ. Tháng 7 âm lịch vừa qua, nhân lễ giỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiếc võng đã được trao gửi đến Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn) với xiết bao kính trọng, tri ân.

Tấm lòng của đồng bào Thổ

Gần 3 tháng trước, chị em ở Tổ hợp tác sản xuất võng gai Giai Xuân lên kế hoạch phục dựng chiếc võng gắn với tuổi thơ của Bác Hồ. Dù đan võng vốn là nghề truyền thống của bà con, người nào cũng có đến 30 - 40 năm tuổi nghề, nhưng để phục dựng lại chiếc võng xưa, nhất là võng của gia đình Bác Hồ thì ai cũng trăn trở, lo lắng.

Sau khi nhận được chiếc ảnh chụp lại chiếc võng cũ từ Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên gửi về, điều các chị, các mẹ thấy sự khác biệt lớn nhất chính là nguyên liệu, bởi một bên làm từ sợi đay, một bên làm từ sợi gai.

Nguyên liệu để làm võng gai được người dân xã Giai Xuân tự trồng. Ảnh: Mỹ Hà (4)
Nguyên liệu để làm võng gai được người dân xã Giai Xuân tự trồng. Ảnh: Mỹ Hà

"Võng gai Giai Xuân được dệt từ sợi của những cây gai do chính bà con ở địa phương trồng, bảo đảm từ khâu chăm sóc cho đến khâu thu hoạch, lấy sợi. Sau đó, sợi cây gai được phơi đủ nắng và bảo quản cẩn thận nên có độ dai, bền. Nếu làm xong và bảo quản cẩn thận thì có thể dùng đến 25 - 30 năm. Trong khi đó, sợi của cây đay lại cứng hơn, không đều sợi. Vì thế, nếu làm võng bằng cây gai sẽ dễ làm hơn, đẹp hơn" - bà Trương Thị Thanh, thành viên tổ hợp tác chia sẻ.

Tuy nhiên, dù đã cố gắng tỉ mỉ phục dựng, nhưng chiếc võng đầu tiên đưa xuống tặng Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên lại chưa được thông qua vì không sát với nguyên bản, nhất là ở nơi đầu võng: Võng của gia đình Bác được quấn thành những vòng tròn, trong khi đầu võng của người Thổ lại được tết khá cầu kỳ. Không nản chí, chị em Tổ hợp tác sản xuất võng gai Giai Xuân lại tiếp tục nghiên cứu kỹ càng hơn, đan lại một chiếc võng khác giống với chiếc võng hiện vật đang trưng bày ở quê ngoại Bác Hồ.

ảnh - Mỹ Hà (6)
Những chiếc võng gai được chị em tổ hợp tác Giai Xuân thực hiện tỉ mỉ với nhiều công đoạn khác nhau. Ảnh: Mỹ Hà

Hôm trao tặng kỷ vật cho Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, các chị em trong tổ hợp tác đều có mặt đầy đủ. Ai cũng xúc động, vui mừng vì tâm nguyện của bà con người Thổ đã hoàn thành.

Chị em chúng tôi ai cũng bồi hồi, xúc động vì được góp một phần nhỏ trong việc phục dựng hiện vật. Để đan chiếc võng này, chúng tôi rất cẩn trọng trong mọi khâu, từ khâu chọn nguyên liệu cho đến khâu đan và tỉ mỉ tới từng chi tiết. Chiếc võng còn chứa đựng tình cảm, tâm huyết của đồng bào Thổ với Bác Hồ kính yêu...

Bà Trương Thị Thống, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất võng gai Giai Xuân

Nguyện vọng đan võng tặng Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên bắt đầu được nhen nhóm từ nhiều năm trước, sau khi bà Nguyễn Thị Đém - người Thổ ở xóm Long Thọ, xã Giai Xuân được về thăm quê Bác và ấp ủ sẽ làm một chiếc võng giống với chiếc võng của gia đình Bác Hồ. Khi kế hoạch chưa thành thì bà qua đời.

Trước lúc nhắm mắt, bà dặn con cháu làm và tặng chiếc võng cho Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên. 5 năm sau, tâm nguyện của bà đã được thực hiện.

Huyện Tân Kỳ và bà con xã Giai Xuân tặng lại chiếc võng đã được mô phỏng cho Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên. Ảnh: Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên
Huyện Tân Kỳ và bà con xã Giai Xuân tặng lại chiếc võng đã được mô phỏng cho Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên. Ảnh: Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên

Ông Nguyễn Bảo Tuấn - Giám đốc Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên cho biết: Khi biết được ý định của bà con đồng bào Thổ ở xã Giai Xuân, chúng tôi rất trân trọng và tạo mọi điều kiện để bà con được thực hiện ước nguyện của mình.

Việc phục dựng các hiện vật cũ ở quê Bác cũng nằm trong kế hoạch của Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên và sau khi tiếp nhận chúng tôi sẽ bảo quản cẩn thận và sẽ trưng bày, sử dụng trong thời gian thích hợp để phát huy giá trị của hiện vật quý giá này.

Phát huy giá trị truyền thống

Võng gai là sản phẩm truyền thống của đồng bào Thổ ở Giai Xuân và đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao từ năm 2022.

Trước đó, với mong muốn duy trì và phát triển nghề truyền thống của địa phương, từ năm 2021, Chi hội Phụ nữ xóm Long Thọ, xã Giai Xuân đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất võng gai truyền thống. Hiện, tổ hợp tác có 30 hội viên tham gia và đều là những người có kinh nghiệm nhiều năm làm võng gai.

Cây gai sau khi được thu hoạch sẽ được tuốt, rửa, phơi nắng và bảo quản cẩn thận. Ảnh: Mỹ Hà
Cây gai sau khi được thu hoạch sẽ được tuốt, rửa, phơi nắng và bảo quản cẩn thận. Ảnh: Mỹ Hà

Võng gai người Thổ có ba loại hoa văn. Loại phổ biến nhất là đan tính theo sợi 3, sợi 4, sợi 5 có mắt võng thưa hơn để sử dụng hàng ngày và bán ra thị trường. Bên cạnh đó, còn có loại đan bông thang sẽ cầu kỳ, phức tạp hơn, võng có độ rộng, dày và đẹp hơn.

Những sợi gai đã tước, phơi khô được chị em ở Tổ hợp tác làm võng gai Giai Xuân sử dụng đan võng. Ảnh: Mỹ Hà
Những sợi gai đã tước, phơi khô được chị em ở Tổ hợp tác làm võng gai Giai Xuân sử dụng đan võng. Ảnh: Mỹ Hà

Kỹ thuật phức tạp nhất là chiếc võng cáng quan với các mắt được đan dày hơn và có nhiều hoa văn cầu kỳ, phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian công sức. Trước đây, võng cáng quan chỉ được đan cho những người đỗ đạt, cáng lên huyện, lên tỉnh. Người dân thường không được sử dụng loại võng này. Sau này chỉ những người có điều kiện, có kinh tế mới đặt hàng.

Từ ngày có tổ hợp tác và tham gia chương trình OCOP, thông qua các kênh quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, Facebook, Zalo và kết nối của chính quyền huyện Tân Kỳ, nhiều người đã biết đến võng gai Giai Xuân. Yêu cầu về chất lượng cũng ngày một cao hơn.

Những chiếc võng gai được bảo tồn và lưu giữ bao đời nay là niềm tự hào của bà con người Thổ ở xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ. Ảnh: Mỹ Hà
Những chiếc võng gai được bảo tồn và lưu giữ bao đời nay là niềm tự hào của bà con người Thổ ở xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ. Ảnh: Mỹ Hà

Thay vì đan võng theo như truyền thống, bà con đã đan theo các đơn đặt hàng với độ dài dài hơn, chiều rộng cũng rộng hơn. Võng gai Giai Xuân hiện đã được một số cơ sở kinh doanh du lịch ở Hội An đặt hàng với giá mỗi chiếc võng từ 2,5 - 3 triệu đồng/1 chiếc.

Để phát triển bền vững, xã Giai Xuân đã quy hoạch các vùng nguyên liệu. Tổ hợp tác cũng đang hướng tới đa dạng hóa sản phẩm và sáng tạo nên các sản phẩm thông dụng và trang trí khác như túi đựng, mền, mũ đội, trải bàn, thảm… đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng - bà Trương Thị Thống - tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất võng gai của xã Giai Xuân nói thêm.

Mới nhất
x
x
Người Thổ Nghệ An phục dựng cánh võng Làng Sen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO