Nhà thờ đại tôn họ Trần Văn và Mộ trì uy tướng quân Trần Suất được xếp hạng di tích cấp tỉnh
Chiều 2/2, UBND huyện Quỳnh Lưu phối hợp với xã An Hòa tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Nhà thờ đại tôn họ Trần Văn và Mộ trì uy tướng quân Trần Suất.
Dự lễ có đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh; Nguyễn Văn Thưởng - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu; đại diện các ban ngành cấp huyện; lãnh đạo, cấp ủy chính quyền địa phương cùng đông đảo con cháu dòng họ và nhân dân xã An Hòa.
Họ Trần Văn, xã An Hòa nguyên gốc xứ Hải Dương di cư vào thôn Tốt Động, xã Hoàn Hậu, tổng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, phủ Diễn Châu, trấn Nghệ An (nay là xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) sinh cơ lập nghiệp đến nay đã hơn 500 năm phát triển, với 20 đời con cháu hậu duệ nối tiếp. Đây là một trong những dòng họ lớn, danh gia vọng tộc của xã An Hòa, có nhiều công lao đóng góp cho quê hương, đất nước. Trong đó, tiêu biểu là các ông Trần Triều và Trần Suất, Trần Ba và Trần Ân.
Tổng Tri Minh nghị Tướng quân Trần Triều là hậu duệ đời thứ 10 của dòng họ, ông sinh vào khoảng đầu thế kỷ 18. Vào niên hiệu vua Cảnh Hưng (1740-1786), vua Lê Hiển Tông tặng thưởng cho ngài chức Tổng Tri Minh nghị Tướng quân, tước Văn uy bá. Ông Trần Triều có công dẹp loạn bảo vệ sự bình yên cho dân làng nên nhân dân trong vùng rất biết ơn. Ngoài ra, ông Trần Triều còn rất quan tâm đến đời sống tâm linh của nhân dân trong làng, ông lấy ruộng đất của mình cúng cho chùa, cho đền, chọn đất và bỏ tiền để đào giếng cho dân lấy nước sạch sinh hoạt.
Trì uy tướng quân Trần Suất thuộc đời thứ 11 của dòng họ, là con trai cả của Tổng tri Minh nghị tướng quân Trần Triều. Tướng quân Trần Suất phò tá hai đời Vua Quang Trung và Quang Toản luôn được đánh giá là võ tướng giỏi, một bề tôi trung thành, đã hết lòng vì công cuộc thống nhất và bảo vệ đất nước.
Đặc biệt, ông đã có nhiều đóng góp trong công cuộc kháng chiến chống quân Thanh xâm lược góp phần bảo vệ lãnh thổ của quốc gia dân tộc. Còn ông Trần Ba là hậu duệ đời thứ 15 của dòng họ, là người thông minh, khảng khái, từng được bầu làm Lý trưởng của làng về sau giữ chức Chủ tịch cách mạng kháng chiến lâm thời xã.
Nhà thờ đại tôn họ Trần Văn được xây dựng trên vùng đất địa linh của làng Quy Hóa, phía trước có gò Thái Phượng làm tiền án, phía sau có núi Kim Quy làm hậu chẩm. Bên tả có dòng kênh Dâu làm thanh long, bên hữu có Kiên Sơn làm Bạch hổ.
Nhà thờ có quy mô 2 toà cổ kính, khung nhà làm bằng gỗ Lim với kết cấu truyền thống có giá trị lịch sử cao. Tại nhà thờ còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị như sắc phong, bia đá, mộc bản, hương án, lư hương là những cổ vật quý có giá trị lịch sử và văn hóa. Việc lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích là cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa như vậy, nhà thờ đại tôn họ Trần Văn và Mộ trì uy tướng quân Trần Suất đã được UBND tỉnh Nghệ An xếp hạng di tích lịch sử Văn hoá cấp tỉnh tại Quyết định số 3620/QĐ-UBND ngày 27/12/2024.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao ghi nhận những công lao to lớn đối với dòng họ Trần Văn trong những năm qua; đồng thời mong muốn trong thời gian tới con cháu trong dòng họ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về luật di sản Văn hoá, thực hiện việc bảo tồn phát huy giá trị di tích theo quy định của pháp luật.
Duy trì các hoạt động văn hoá tâm linh gắn với di tích, phát huy truyền thống đoàn kết trong dòng họ, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát huy truyền thống, quảng bá di tích thu hút du khách tham quan, thăm viếng...