Nhiều địa phương ở Nghệ An còn thiếu dụng cụ, thiết bị chữa cháy rừng
(Baonghean.vn) - Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng thông lớn, nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn trong mùa nắng nóng. Tuy nhiên, các địa phương trên địa bàn tỉnh hiện nay đang thiếu trầm trọng các thiết bị, dụng cụ chữa cháy rừng.
Xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương có 7.200 ha rừng, nhưng chỉ có 2 máy thổi gió. Ảnh: Văn Trường |
Nhiều xã chưa có trang thiết bị chữa cháy
Tại xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương có diện tích rừng lớn, nhưng xã thiếu hầu hết các dụng cụ dập lửa. Ông Đặng Hữu Hạnh - Chủ tịch UBND xã Hạnh Lâm chia sẻ: Toàn xã có trên 7.200 ha rừng, trong đó, 5.700 ha rừng tự nhiên, 1.500 ha rừng sản xuất, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, bởi đây có khá nhiều diện tích rừng hỗn giao tre, nứa.
Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là toàn xã chỉ mới có 2 máy thổi gió, trong đó, 1 máy được cấp từ năm 2020, và 1 máy cấp từ năm 2014, trong đó, máy có lúc bị hư hỏng như khó nổ, hơi kém. Xã chưa có cưa xăng và các dụng cụ như vỉ dập lửa, đồ bảo hộ trang bị cho lực lượng chữa cháy rừng.
Trong năm 2021, địa bàn xã xảy ra vụ cháy rừng, xã huy động được khá đông lực lượng chữa cháy, nhưng do thiếu dụng cụ chữa cháy nên hiệu quả chữa cháy rừng chưa cao, một số lực lượng thiếu trang thiết bị phải bẻ cành cây để dập lửa rừng. Do là xã miền núi còn khó khăn nên xã mong muốn được Nhà nước hỗ trợ để mua thêm các thiết bị chữa cháy rừng.
Một số trạm quản lý, bảo vệ rừng ở huyện Thanh Chương thiếu các trang thiết bị chữa cháy rừng. Ảnh: Văn Trường |
Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Chương, toàn huyện có diện tích rừng khá lớn (64.869 ha), chủ yếu tập trung ở các xã Thanh Đức, Thanh Sơn, Hạnh Lâm, Ngọc Lâm, Thanh Thủy, Thanh Hà, Thanh Mai... Hiện nay, địa bàn toàn huyện có 35 máy thổi gió, trong đó, từ năm 2016 tỉnh hỗ trợ địa phương mua 10 máy thổi gió, còn lại 25 máy thổi gió là do địa phương trích ngân sách mua cho các xã. Hiện nay, có 5 xã chưa có máy thổi gió, 7 xã chưa có cưa xăng.
Đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Thanh Chương cho biết thêm: Hầu hết số máy thổi gió, cưa xăng cấp về cho các xã thường xuyên được bảo dưỡng, nhưng do sử dụng thời gian quá lâu nên bị hư hỏng, hoạt động không hiệu quả.
Để chủ động công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), huyện Thanh Chương đề xuất xin được ngành liên quan hỗ trợ trên 90 máy thổi gió, 150 cưa xăng và các dụng cụ dập lửa khác.
Địa bàn huyện Diễn Châu, có diện tích rừng thông lớn, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, nhưng cũng nằm trong tình trạng thiếu thiết bị chữa cháy rừng. Thực tế cho thấy, từ năm 2020-2021, huyện Diễn Châu xảy ra khá nhiều vụ cháy rừng gây thiệt hại lớn ở các xã Diễn Lợi, Diễn An, Diễn Phú. Quá trình chữa cháy rừng huy động được đông đảo lực lượng, tuy nhiên, do thiếu các thiết bị dập lửa, máy thổi gió, vỉ dập nên khi đám cháy bùng to, lan rộng, các lực lượng chỉ bất lực đứng nhìn.
Nhiều diện tích rừng thông ở huyện Diễn Châu chưa được xử lý thực bì, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, trong khi các xã đang thiếu các trang thiết bị chữa cháy rừng. Ảnh: Văn Trường |
Ông Hoàng Công Trường - Chủ tịch UBND xã Diễn An chia sẻ: Địa bàn xã Diễn An có 320 ha rừng thông, nhưng hiện tại, toàn xã chỉ có 1 cưa xăng, xã đang phải mượn của Hạt Kiểm lâm huyện 2 máy thổi gió, khi xảy ra cháy rừng sẽ khó khăn, bị động trong chữa cháy.
Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Diễn Châu cho biết: Địa bàn huyện Diễn Châu có trên 6.000 ha rừng thông, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao, do hầu hết chưa xử lý được diện tích thực bì dưới tán rừng thông. Trong khi đó, toàn huyện mới chỉ có 11 cưa xăng, hơn 30 máy thổi gió chủ yếu được trang bị từ những năm 2014-2016, có nhiều máy thổi gió đã bị hư hỏng, công suất yếu. Để công tác chữa cháy rừng đạt hiệu quả, các xã trên toàn huyện rất cần được trang bị trên 50 máy thổi gió, 30 cưa xăng.
Máy thổi gió được sử dụng đề phòng lửa bén trở lại trong vụ cháy rừng ở huyện Nam Đàn. Ảnh tư liệu: Huy Thư |
Cần được trang bị thêm máy thổi gió, cưa xăng cho các vùng trọng điểm rừng thông
Qua tìm hiểu cho thấy, việc thiếu trang bị, phương tiện chữa cháy rừng chuyên dụng là một trong những nguyên nhân để lại hậu quả lớn sau các vụ cháy. Tại nhiều xã có rừng thông trên địa bàn tỉnh, mặc dù có xây dựng các phương án PCCCR nhưng phương tiện chữa cháy rừng hầu như thiếu thốn.
Cán bộ, lực lượng dân quân tự vệ tiếp cận gần khu vực cần chữa cháy và tự xử lý theo kinh nghiệm bằng cách bẻ cành cây, hoặc dùng dao rạ, để dập lửa. Khi xảy ra những vụ cháy lớn, với những trang thiết bị này rất khó có thể chữa cháy hiệu quả.
Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng thông lớn, trên 16.000 ha, để ứng phó với công tác PCCCR, đến nay, toàn tỉnh đã có 2 hệ thống camera giám sát cháy; 180 máy thổi gió; 85 máy cắt thực bì; 122 cưa xăng; 1.610 vỉ dập lửa; 2.574 dao phát, 2.844 cào, cuốc ,xẻng; 26 máy bơm nước, 267 loa cầm tay, 1.254 can đựng nước chữa cháy; 715 đèn pin; 250 máy GPS; 17 ống nhòm... để tổ chức chữa cháy khi cháy rừng xảy ra.
Hiện trường vụ cháy rừng xảy ra tại xã Thượng Sơn (Đô Lương) thời điểm đầu tháng 5/2023. Ảnh: Văn Trường |
Đại diện Chi cục Kiểm lâm cho biết thêm: Hàng năm UBND tỉnh hỗ trợ các địa phương một phần kinh phí để phục vụ công tác PCCCR, như xử lý thực bì, làm đường băng cản lửa, mua sắm một số trang thiết bị như máy thổi gió, vỉ dập...
Tuy nhiên, trang thiết bị chữa cháy rừng vẫn đang còn thiếu nhiều, một số huyện có diện tích rừng thông lớn đang đề xuất với ngành liên quan xin được trang bị thêm dụng cụ PCCCR, cấp kinh phí lắp đặt camera phòng cháy cho các địa phương.
Hiện nay, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương khẩn trương chỉ đạo rà soát trang thiết bị chữa cháy rừng hiện có, xác định nhu cầu về số lượng, chủng loại, gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT để tham mưu trình UBND tỉnh quyết định. Ngoài việc tỉnh hỗ trợ một phần ngân sách mua thiết bị chữa cháy rừng, thì các huyện, các chủ rừng cũng cần chủ động lồng ghép các nguồn vốn, xã hội hóa, tự đầu tư thiết bị, mua thêm các thiết bị chữa cháy rừng.
Ngoài trang thiết bị chữa cháy rừng, cũng cần quan tâm đến xây dựng một số tuyến đường giao thông vào các khu vực rừng thông trọng điểm, để vừa làm đường băng cản lửa, vừa thuận lợi trong việc tuần tra, đưa người và phương tiện (xe cứu hỏa) lên để nhanh chóng dập lửa khi xảy ra cháy.
Nghệ An ban hành công điện tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng
30/05/2023
Cần phải dọn dẹp cành lá, thực bì khô sau vụ cháy rừng ở Đô Lương
26/05/2023