Nơi bóng đá không chỉ là tình yêu

27/08/2017 06:23

(Baonghean) - Hiếm có người dân vùng đất nào yêu bóng đá như dân Vinh. Tôi tin là như thế. Nếu như có ai hỏi hình ảnh nào khiến tôi ấn tượng nhất về tình yêu bóng đá của cư dân thành phố này thì đó hẳn là những đám đàn ông thanh niên đội mưa đứng dưới loa truyền thanh để được thưởng thức các trận túc cầu qua phần tường thuật của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Cái hình ảnh ấy nó ghim vào trí nhớ của tôi mỗi khi nghĩ về tình yêu với bóng đá của người dân xứ này. Thuở phương tiện truyền thông, nghe nhìn còn vô cùng hạn hữu thì “xem” tường thuật bóng đá qua radio dường như là cách duy nhất của công nhân và người lao động thành phố. Nhưng ngay cả với chiếc radio không phải ai cũng có đủ tiền để mua.

Nhà tôi may mắn có một chiếc do cha tôi đưa từ Sài Gòn ra sau ngày 30/4/1975. Thế là lúc nào có bóng đá, nó đều được “trưng dụng” bằng cách đưa đến phòng trực loa truyền thanh, mở volume hết cỡ rồi áp cái micro vào để “giới mộ điệu” của cả khu tập thể nghèo được sống trong không khí sôi động của bóng đá.

Khi giọng đọc của bình luận viên nhà đài cất lên (tôi nhớ là Hoài Sơn), gần như ai đang làm gì cũng phải ngưng tay dỏng tai nghe. Buổi chiều nơi bể nước tập thể thường có đông phụ nữ, trẻ em tắm giặt nhưng hôm nào có bóng đá thể nào lũ trẻ cũng chạy bay biến đến vây quanh đám đàn ông đang nghển cổ dưới cây cột có loa truyền thanh. Thậm chí lúc trận đấu đến hồi cao trào, có những chú, những bác còn mặc nguyên quần đùi ướt sũng, đầu tóc còn bết xà phòng ùa đến gần loa để nghe cho rõ.

Trận bóng của các em nhỏ tại khu chung cư Quang Trung. Ảnh: Lê Thắng
Trận bóng của các em nhỏ tại khu chung cư Quang Trung. Ảnh: Lê Thắng


Với bọn trẻ nít như chúng tôi gần như cả quãng đời thơ bé chưa một lần được đến sân vận động lớn của thành phố để theo dõi các trận đấu có các tuyển thủ quốc gia. Nhưng chúng tôi yêu bóng đá qua cách mà các bậc cha chú dành tình yêu cho nó. Nhờ cái loa truyền thanh tôi mới biết đến những danh thủ một thời như: Huỳnh Tam Lang, Ngô Xuân Quýnh, Cao Cường, Thế Anh…

Và ngày ấy Việt Nam cũng chưa có giải bóng đá A1 chứ chưa nói gì đến V-League. Chúng tôi thường nghe đài tường thuật những trận bóng của đội Thể Công hoặc của tuyển Việt Nam gặp các nước trong Liên bang Xô Viết… Vậy mà yêu, mà thích. Cái thành phố nghèo mỗi khi có bóng đá dường như trở nên rộn rã, và mọi người thấy cuộc sống lạc quan hơn, đỡ bụi bặm hơn.

Tôi nghĩ với lũ con trai ở Vinh, chơi bóng đá là một thứ nhu cầu chứ không còn thuần túy là một môn thể thao. Chính vì chúng tôi có thể chơi bóng bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Chúng tôi đá bóng trong cái khuôn viên chật hẹp nước đọng thành từng vũng trong khu tập thể già nua. Đi học ở trường, sách bút có thể quên nhưng có một thứ hiếm khi quên là quả bóng cũ nát.

Tôi còn nhớ hồi tiểu học tôi đã nhiều lần bị cha vụt roi vào mông vì đá bóng quên đường về nhà, và nhiều đứa trong đám chúng tôi cũng thường chịu cảnh tương tự với cha mẹ chúng. Chưa có chiếc quần nào mà mẹ tôi không khâu lại đũng vì đá bóng rách. Tôi cũng 2 lần gặp “chấn thương” sau những trận cầu trên vỉa hè. Lần thứ nhất xảy ra khi tôi học lớp 5, tôi bị bóng dội vào mắt trái. Mới đầu không ai phát hiện ra và tôi cũng cố dấu gia đình việc mắt mình rất đau, không nhìn thấy ánh sáng. Mãi đến khi màng máu kéo che cả mắt thì cả nhà mới phát hoảng đưa đi viện. May tôi chỉ mù “tạm thời” gần 10 ngày.

Lần chấn thương thứ 2 xảy ra sau đó khoảng một năm. Tôi bị rạn xương cổ tay và trật khớp đầu gối chân trái vì cú ra chân ham bóng của cậu bạn cùng lớp. Vẫn lại là mẹ đưa tôi đi bó bột tay, hái lá ngải tướng quân hơ lửa đắp chân. Sau những bận như thế cha tôi nhất quyết không cho tôi đi đá bóng. Tôi cầu viện mẹ, mẹ cười xoa đầu tôi. Trong suy nghĩ của mẹ, đã là con trai thì phải biết va vấp để cứng cáp hơn và đam mê cái gì thì không nên bỏ dở. Tôi nghĩ đó cũng là cách để những đứa trẻ chúng tôi lớn lên và trưởng thành.

Người Vinh không chỉ yêu bóng đá. Họ thổn thức vì nó. Người ta có thể quên hết mọi thứ vì nghiệp mưu sinh, ngoại trừ bóng đá. Cái thành phố Vinh bé nhỏ là nơi đặt “tổng hành dinh” của CLB Sông Lam Nghệ Tĩnh trước đây và Sông Lam Nghệ An bây giờ. Tôi không biết tình yêu bóng đá của người xứ Nghệ đã làm nên tên tuổi, “thương hiệu” của Sông Lam Nghệ An hay đội bóng đã vun đắp niềm đam mê trái bóng cho cư dân mảnh đất này. Nhưng có một sự thật: Đội bóng quê hương và cầu thủ chưa bao giờ bị người hâm mộ quay lưng cho dù đã có rất nhiều sự kiện tồi tệ liên quan đến môn thể thao vua ở xứ này.

Người ta thường ví sân vận động Vinh là “chảo lửa”, “thánh địa”… và nhiều mỹ từ khác vào mỗi trận đấu bóng đá. Đương nhiên cách ví von này không dành cho 11 cầu thủ trên sân mà dành cho người hâm mộ. Thuở trước, mỗi khi có đội Sông Lam Nghệ An thi đấu trên sân nhà, trận đấu luôn luôn đứng trước nguy cơ vỡ bởi quá đông khán giả đến sân. Khi các cửa vào đều được đóng chặt, người ta sẽ leo lên cây, đu bờ rào hay tìm mọi cách để được theo dõi, cổ vũ cho đội bóng con cưng của mình. Những hộ dân sinh sống gần sân bóng kiếm tiền bằng cách dựng những chiếc thang dài xung quanh sân bóng phục vụ người xem.

Tuy nhiên cũng có những kỷ niệm đau buồn với người yêu bóng đá thành Vinh, đã có nạn nhân tử vong cũng vì bóng đá. Ngày trước tôi có một cô bạn nhà ở gần sân vận động Vinh. Nhà có 4 chị em, trong đó cô là chị cả, sau có 2 em gái và duy nhất có một cậu em trai út. Thật không may, trong một lần theo người lớn đi xem bóng đá, vì không thể vào sân, cậu bé leo lên công trình đang xây dở phía ngoài sân bóng cùng nhiều người khác, tường sập đổ, cậu bé tội nghiệp đã tử vong. Đó là lần đầu tiên “chảo lửa” thành Vinh ghi nhận vụ chết người khi đi xem bóng đá.

Đến năm 2008, trong trận đấu giữa CLB Sông Lam Nghê An và CLB Hải Phòng, thêm 1 nạn nhân nữa tử vong do sự quá khích của cổ động viên 2 đội. Dẫu vậy, người Vinh vẫn đến sân, vẫn hy vọng, thất vọng rồi lại hy vọng cùng bước chân của cầu thủ đội nhà. Tôi có một anh bạn thân chưa bao giờ bỏ sót một trận đấu trên sân nhà của Sông Lam Nghệ An. Lúc vinh quang nhất cũng như khi sa sút nhất của đội bóng quê hương anh đều có mặt. Anh ta không chỉ nắm lý lịch của từng cầu thủ mà còn biết cả tính cách đời thường của họ. Và chưa bao giờ bạn bè nghe thấy anh phàn nàn chê trách đội nhà cho dù đã không ít lần người ta hoài nghi về tính chân thực của vài ba trận đấu cũng như của cầu thủ.

Trẻ em khu tập thể cũ chơi bóng. Ảnh: Lê Thắng
Trẻ em khu tập thể cũ chơi bóng. Ảnh: Lê Thắng


Và người yêu bóng đá thành Vinh không mấy khi gọi cầu thủ theo họ tên thông thường. Thể nào người ta cũng đính thêm tên cúng cơm của cầu thủ cùng với cha hoặc mẹ mình. Ví dụ: Nguyễn Hữu Thắng thì gọi Thắng “Mạch”; anh em nhà Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Thủy - gọi là Hùng “Chi”, Thủy “Chi”; Ngô Quang Trường là Trường “Bộ”… Với người Vinh đó dường như là một cách thể hiện tình cảm, sự thân thiết, gần gũi của mình đối với các cầu thủ con cưng. Ngược lại các cầu thủ cũng chẳng lấy đó làm mếch lòng.

Từ mảnh đất này sản sinh ra hoặc đã nuôi dưỡng không biết bao nhiêu thế hệ cầu thủ mà theo dõi cách thi đấu của họ khiến người hâm mộ cả nước phát cuồng. Những Nguyễn Hữu Thắng, Ngô Quang Trường, Văn Sỹ Hùng, Lê Công Vinh, Phạm Văn Quyến, Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Trọng Hoàng, Âu Văn Hoàn… và rất nhiều cầu thủ khác nữa góp phần làm cho niềm đam mê bóng đá thăng hoa trên khắp đất nước này.

Tính cách của người Vinh vốn không “hoa lá cành”, họ cởi mở, thẳng thắn và nóng nảy, thậm chí ai không quen lại cho là thô lỗ. Tính cách này nó cũng thể hiện trong cách chơi bóng đá và xem bóng đá. “Chơi hết mình và yêu hết tình” là cách mà cầu thủ và người hâm mộ thành Vinh cho mọi người thấy trong bóng đá. Thời gian gần đây mỗi khi đội bóng xứ Nghệ thi đấu ở đâu thì ở đó sân bóng được nhuốm vàng bởi lực lượng cổ động viên hùng hậu. Rất nhiều đội bóng, hội cổ động viên các tỉnh khác đã chia sẻ rằng họ rất “thèm” không khí đó. Tôi không cho rằng, tất cả những người đến sân đều là người Vinh nhưng nên nhớ rằng, Vinh chính là thủ phủ, là mảnh đất khiến cho bóng đá trở nên thiết thân hơn đối với đời sống của người dân sống bên dòng sông Lam.

Đào Tuấn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Nơi bóng đá không chỉ là tình yêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO