Nông dân miền núi Nghệ An mạnh dạn trồng rau trong nhà lưới

Xuân Hoàng - Quang An 31/03/2024 12:00

(Baonghean.vn) - Trồng rau, củ, quả trong nhà lưới quanh năm là điều không dễ đối với khí hậu khắc nghiệt ở Nghệ An. Tuy nhiên, ở các huyện miền núi, có những nông dân vận dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tích cực học hỏi kinh nghiệm, đã thành công sau những vụ rau an toàn trong nhà lưới.

Mô hình nhà lưới trên đất Quế

Sau bao lần lỡ hẹn với anh Mạc Văn Tuất - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quế Phong, lần này, chúng tôi mới có dịp được anh dẫn tới thăm mô hình trồng rau trong nhà lưới của một nông dân ở khối Hồng Phong, thị trấn Kim Sơn. Tiếp chuyện chúng tôi, nhà nông Phạm Văn Ba - chủ nhà lưới hồ hởi kể về con đường lập nghiệp trên vùng đất này.

bna_Anh Phạm Văn Ba kiểm tra cây dâu tây trồng thử nghiệm trong nhà lưới. Ảnh Quang An.JPG
Anh Phạm Văn Ba (người ngồi trước), cho biết hiện anh đang trồng thử nghiệm cây dâu tây trong nhà lưới. Ảnh: Q.An

Sinh ra và lớn lên trên quê hương có truyền thống thâm canh rau màu ở xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, anh Phạm Văn Ba lên lập nghiệp ở thị trấn Kim Sơn từ năm 2002. Đến với vùng đất mới Phủ Quỳ, anh nhận thấy, nếu có đất để trồng rau, củ, quả hàng hóa sẽ thuận lợi, bởi ở vùng miền núi này, phần lớn rau xanh là vận chuyển từ dưới xuôi lên. Và anh quyết định nhận thầu 5.000 m2 đất nông nghiệp để trồng rau.

Vùng đất anh Ba nhận thầu trước đây phần lớn là ao trũng và gò đất. Để có được mặt bằng sản xuất rau thuận lợi, anh đã phải đầu tư thuê máy san ủi, bổ sung thêm đất màu… Sau khi cải tạo được đất đai, anh tập trung trồng các loại rau, củ, quả mà thị trường cần như dưa chuột, đậu cô ve, cà, ớt, rau gia vị…

Với kinh nghiệm có được của người nông dân chuyên sản xuất rau vùng Diễn Thành, cùng với đức tính siêng năng, chịu khó của vợ chồng, nên trên mảnh đất xấu thuở nào đã ngời lên rau màu xanh tốt. Mùa nào thức đó, ngày nào cũng có sản phẩm bán ra thị trường. Công việc ngày càng thuận lợi, thu nhập ổn định, có tích lũy, đầu năm 2023, được hội nông dân các cấp nhiệt tình hướng dẫn, cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, vợ chồng anh Ba quyết định đầu tư trên 200 triệu đồng xây dựng nhà lưới với diện tích 1.000 m2.

bna_Ngoài hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa cũng được anh Phạm Văn Ba áp dụng nhằm giảm nhiệt độ trong nhà lưới. Ảnh Q.An.JPG
Hệ thống tưới phun mưa được lắp đặt để thuận lợi cho việc chăm sóc. Ảnh: Xuân Hoàng

Toàn bộ khu vực trong nhà lưới được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, cùng với 3 ao, hồ sát cạnh, kết hợp nuôi cá quanh năm, đảm bảo nguồn nước tưới dồi dào. Vào mùa Hè nắng nóng, nhưng nhờ đầu tư máy nổ phát điện và hệ thống máy bơm đầy đủ, nên trong khu vực nhà lưới khi nào cũng tưới đủ nước, cây trồng xanh tốt. Đầu năm trồng dưa lưới, tiếp đó là cà chua, dưa chuột, rau các loại, đều cho thu nhập cao. Hiện anh đang trồng thử dâu tây trong nhà lưới, bước đầu phát triển tốt.

Qua tính toán cho thấy, năm 2023, gia đình anh Ba có doanh thu 150 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 60 triệu đồng, chưa kể các loại rau, củ, quả trồng ngoài trời theo truyền thống cũng mang lại khoản thu nhập đáng kể. “Nhận thấy sản xuất rau, củ, quả trong nhà lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình đang tính tới đây sẽ đầu tư xây dựng thêm 1 nhà lưới nữa. Sản xuất rau trong nhà lưới có ưu điểm là tưới hoàn toàn tự động, ít tốn công chăm sóc, ngăn chặn sự gây hại của côn trùng, hạn chế được sâu bệnh, không bị tác động xấu do thời tiết như mưa đá, giông lốc…

bna_Anh Phạm Văn Ba cho biết vụ xuân hè này trồng dưa lưới trong nhà lưới thường cho hiệu quả cao. Ảnh X.Hoàng.JPG
Vụ Xuân Hè này anh Phạm Văn Ba trồng chủ yếu cây dưa lưới trong diện tích nhà lưới. Ảnh: Q.An

Ngoài ra, vì không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học nên nông sản đạt chất lượng tốt, an toàn, trồng ra đến đâu bán hết đến đó. Tuy nhiên, nhược điểm là vào mùa Hè nhiệt độ trong nhà lưới cao, do đó, phải có kinh nghiệm chăm sóc hợp lý”, anh Phạm Văn Ba chia sẻ.

Thay đổi tư duy sản xuất

Ông Mạc Văn Tuất - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quế Phong cho biết: Trồng rau, củ, quả trong nhà lưới đã được người dân các huyện miền xuôi áp dụng từ nhiều năm trước, nhưng với huyện biên giới Quế Phong thì mới manh nha từ năm 2023. Từ trước đến nay, người dân trên địa bàn huyện vẫn chủ yếu sản xuất nông nghiệp truyền thống, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.

Đầu năm 2023 đến nay, một số hộ dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư nhà lưới, mặc dù kinh phí xây dựng cao, nhưng sản xuất theo hình thức chuyên nghiệp hơn. Hiện trên địa bàn huyện đã có 4 hộ nông dân đầu tư nhà lưới, gồm: 2 nhà lưới ở xã Tiền Phong, 1 nhà lưới ở khu vực thị trấn Kim Sơn và 1 nhà lưới ở xã Nậm Giải. Những hộ nông dân này đều có điều kiện về kinh tế, đam mê và có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, chịu khó học hỏi, do vậy, các mô hình nhà lưới này đều phát huy hiệu quả.

bna_Hệ thống tưới nhỏ giọt trong nhà lưới của anh Phạm Văn Ba. Ảnh Xuân Hoàng.JPG
Hệ thống tưới nhỏ giọt được anh Phạm Văn Ba áp dụng. Ảnh: Xuân Hoàng

Việc sản xuất cây trồng trong nhà lưới của bà con nông dân nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, áp dụng biện pháp sinh học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, giảm chi phí, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường.
“Đặc thù của huyện Quế Phong là có nhiều tiểu vùng khí hậu, trong đó, địa bàn nhiều xã vùng cao có nhiệt độ mát mẻ vào mùa Hè như: Tri Lễ, Nậm Giải… phù hợp với sản xuất rau trong nhà lưới, cùng đó là điều kiện về lực lượng lao động dồi dào, đất đai nhiều, đặc biệt là huyện đang khuyến khích nhân rộng mô hình sản xuất trong nhà lưới. Vì vậy, tới đây Hội Nông dân huyện tiếp tục tuyên truyền, định hướng cho bà con nông dân đầu tư xây dựng nhà lưới.

Khi các hộ dân xây dựng nhà lưới, ngoài chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh theo Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND tỉnh, thì UBND huyện còn hỗ trợ mỗi mô hình 50 triệu đồng. Những mô hình sản xuất nhà lưới hiệu quả trên địa bàn là động lực để đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện có thể học hỏi làm theo.

Ông Mạc Văn Tuất - Chủ tịch hội nông dân huyện quế phong

Không những huyện Quế Phong, mà bà con nông dân các huyện miền núi khác như: Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông… những năm qua cũng đầu tư xây dựng nhà lưới để sản xuất rau, củ, quả các loại, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc bà con sản xuất rau, củ, quả trong nhà lưới nhằm vận dụng được chính sách hỗ trợ của Nhà nước, dần thay đổi tư duy sản xuất và sử dụng rau an toàn của người dân. Đây cũng là nhu cầu thực tế của người tiêu dùng đang hướng đến sử dụng rau, quả tươi rõ nguồn gốc./.

Mới nhất
x
Nông dân miền núi Nghệ An mạnh dạn trồng rau trong nhà lưới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO