'Nữ quái' lắm chiêu trò khiến nhiều đàn ông sập bẫy lừa đảo
(Baonghean.vn) - Cao Thị Thu Hà (Diễn Châu) được trời phú cho một khuôn mặt ưa nhìn, giọng nói dễ nghe và rất biết cách lấy lòng người khác. Thế nhưng, lợi dụng những ưu điểm đó, Hà đã “chọn” lối đi riêng, rắp tâm tìm cách để kiếm tiền tỷ một cách nhanh chóng…
Hứa hẹn “trên mây”
Đầu tháng 11/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An nhận được một số đơn thư tố cáo đối tượng tên Cao Thị Thu Hà (SN 1990), trú tại xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An). Các đơn thư tuy đến từ nhiều địa bàn khác nhau: Diễn Châu, Nghĩa Đàn,… đều chung nội dung phản ánh việc bị Hà lừa đảo dưới nhiều thủ đoạn khác nhau.
Qua nhiều thông tin mà các trinh sát nắm được, cuộc sống xung quanh Cao Thị Thu Hà có nhiều dấu hiệu khả nghi. Tuy là đối tượng không có việc làm ổn định, nhưng Hà lại có lối sống rất hào phóng và sẵn sàng chi nhiều cho việc mua sắm của bản thân,…
Từ những thông tin thu thập được, ngày 16/12/2022, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Cao Thị Thu Hà về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Quá trình điều tra, Hà đã thành khẩn khai báo, lời khai nhận phù hợp với tài liệu, và chứng cứ mà công an thu thập được.
Vào khoảng tháng 4/2022, Hà quen biết anh Phan Thế T. (SN 1989), trú tại xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn thông qua nhiều mối quan hệ bạn bè. Khi biết người yêu của anh T. vừa thi tuyển vào ngân hàng trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhưng đang đợi kết quả, Hà hứa rằng có thể xin được cho người yêu anh này chắc chắn trúng tuyển vị trí tốt ở ngân hàng đó. Hà đưa ra thông tin có quen biết thân thiết với giám đốc ngân hàng này và hứa chắc chắn sẽ xin được việc. Tin tưởng “lời hứa” ấy nên anh T. đã nhiều lần chuyển tiền cho Hà.
Ngày 12/4/2022, anh T. chuyển khoản 530 triệu đồng cho Hà. Một ngày sau, anh T. gặp Hà tại quán cà phê và đưa tiếp 170 triệu đồng. Tại thời điểm đó, Hà viết một tờ giấy xin việc với nội dung xác nhận đã nhận đủ số tiền 700 triệu đồng của anh T. nhưng không ghi rõ lý do xin việc. Vài ngày sau, Hà tiếp tục bịa chuyện, nói cần thêm 150 triệu đồng, để quyết định nhận việc được ký nhanh chóng và được anh T. đồng ý chuyển tiền. Tổng số tiền anh T. đưa cho Hà để xin việc cho người yêu là 850 triệu đồng.
Cũng trong thời gian này, Hà biết anh T. có nhu cầu mua ô tô, nên Hà “tâm sự” có thể mua được xe giá rẻ hơn tại các cửa hàng bán ô tô trên địa bàn. Có thể mua ô tô với giá “hời” nên trong thời gian ngắn, anh T. không ngần ngại chuyển cho Hà 510 triệu đồng để nhờ Hà đứng tên mua xe giúp.
Bẵng đi một thời gian, Hà gọi điện cho nạn nhân, gợi ý mua một chiếc xe ở phân khúc cao hơn. Hà còn dẫn anh T. xuống tận đại lý để đặt cọc xe. Tuy nhiên chưa vào cửa, Hà tiếp tục “mồi chài” nạn nhân đổi sang chiếc xe khác trị giá cao hơn với chính sách ưu đãi lợi hơn và được anh T. đồng ý. Sau khi bàn bạc với người yêu, anh T. tiếp tục chuyển tiền cho Hà. Ban đầu, từ ý định mua xe trị giá 510 triệu đồng, qua nhiều lần bị Hà “thôi miên”, anh T. chuyển cho người phụ nữ này tổng cộng 700 triệu đồng.
Cũng trong thời gian này, Cao Thị Thu Hà rủ anh Đậu Công N. (SN 1991), trú tại xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu cùng góp vốn kinh doanh dịch vụ vận tải (xe container) với mình. Hà cam kết chỉ cần anh N. góp vốn còn lại Hà sẽ phụ trách điều hành kinh doanh và trả lãi đều đặn cho anh N. Với mức vốn đóng góp ban đầu 400 triệu đồng, mỗi tháng anh N. sẽ được nhận 20 triệu đồng tiền hoa hồng.
Được biết, trong 2 tháng đầu, Cao Thị Thu Hà chi trả hoa hồng cho anh N. 2 lần, với tổng số tiền cả 2 lần chỉ là 20,5 triệu đồng. Thấy việc làm ăn không như Hà cam kết, anh N. yêu cầu được trả lại số tiền đã góp nhưng Hà liên tục viện lý do. Cũng trong thời gian này, Hà còn lừa cần tiền để mua xe, mua khách sạn, sửa xe… và được anh N. cho mượn 1,25 tỷ đồng.
Cùng thủ đoạn tương tự, tháng 5/2022, Hà khoe với anh Ngô Quang M. (SN 1996), trú tại xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, rằng mình có mối quan hệ nên có thể mua xe ô tô rẻ hơn thị trường. Hà hứa mua giúp cho anh M. hai chiếc xe ô tô Hyundai Tucson và Hyundai Santafe với giá 800 triệu đồng/chiếc mà không cần hoa hồng.
Tin tưởng những thông tin mà Hà đưa ra, cuối tháng 5/2022, anh M. bốn lần chuyển khoản cho người phụ nữ này tổng cộng 1,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, hết thời hạn cam kết, Cao Thị Thu Hà không mua xe cho anh M. mà chiếm đoạt số tiền này.
Quá trình điều tra xác định, từ đầu năm 2022 đến khi bị bắt, đối tượng Cao Thị Thu Hà đã thực hiện 4 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị hại với số tiền hơn 4,3 tỷ đồng.
“Nổ” tạo vỏ bọc
Cao Thị Thu Hà sinh ra trong gia đình nề nếp, với đầu óc thông minh, nhanh nhạy nên Hà được bố mẹ cho ăn học bài bản. Đến tuổi lập gia đình, Hà nảy sinh tình cảm với người con trai làng bên, được gia đình vun đắp để xây dựng tổ ấm. Tuy nhiên, sau nhiều biến cố trong kinh doanh, vợ chồng Hà có mâu thuẫn rồi “đường ai nấy đi”. Được biết, Hà lấy ít vốn liếng của mình đầu tư kinh doanh bất động sản, nhưng do không nắm rõ thị trường nên Hà bị thua lỗ và vướng vào nợ nần.
Không chỉ vậy, lại không có công việc ổn định nên Cao Thị Thu Hà nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền của người khác. Hà đưa ra các thông tin gian dối như có thể mua được ô tô với giá rẻ, xin việc vào ngân hàng để chiếm đoạt tiền của các bị hại. Để thực hiện ý đồ của mình, Hà không ngại “chia sẻ” rằng bản thân có gia thế khủng, bố là lãnh đạo một tổ chức xã hội, người nhà giữ chức vụ quan trọng trong quân đội, còn bản thân công tác ở một đơn vị cấp cục thuộc quân khu.
Hà "nổ" có quen biết với lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp, có thể xin việc làm, mua ô tô giá rẻ hơn thị trường... và được nhiều người tin tưởng. Không chỉ vậy với ngoại hình dễ nhìn và không ngại “đánh bóng” bản thân bằng sự phóng khoáng và đồ dùng xa xỉ nên Hà rất dễ lấy lòng tin ở người khác.
Bên cạnh đó, các nạn nhân khi có nhu cầu tìm việc đều có tâm lý muốn nhanh chóng xin được việc với những vị trí tốt. Nắm bắt điểm yếu này, không chỉ Hà mà cả những kẻ lừa đảo khác đều lợi dụng để trục lợi cho bản thân. Khi nghe những “lời hứa” chắc chắn, các nạn nhân bỏ qua việc tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng của các cơ quan, ban, ngành, địa phương được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như bản thân kẻ trung gian.
Ngay những đối tượng bị hại trong vụ án Cao Thị Thu Hà đều do tin tưởng “vỏ bọc” mà không ngần ngại giao tài sản của mình để rồi khi phát hiện ra thì đã “tiền mất tật mang”. Trong khi đó, bản thân các nạn nhân không hiểu được rằng việc chi một khoản tiền lớn để “chạy việc, xin việc” không chỉ ẩn chứa rủi ro về tiền bạc mà còn rủi ro về mặt pháp lý, bởi đây là hành vi vi phạm pháp luật bị nghiêm cấm.
Ra tòa
Ngày 17/8/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa xét xử bị cáo Cao Thị Thu Hà về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ ngày Hà bị cơ quan Công an bắt giữ, bố mẹ đẻ của Hà phải nuôi 2 đứa cháu nhỏ con của Hà, nên ông bà không thể đến tham dự phiên tòa xét xử đứa con gái duy nhất của mình.
Khi được hội đồng xét xử hỏi về lý do dẫn tới nợ nần, bị cáo Hà khai báo quanh co, sau đó thừa nhận do góp vốn kinh doanh bất động sản ở Phú Quốc nên bị thua lỗ. Tại phiên tòa, bị cáo khai vì nợ nần, cần tiền trả nợ nên đã thực hiện các hành vi lừa đảo nhiều bị hại. Tuy nhiên, nữ bị cáo không nói rõ về các khoản nợ đó. Bị cáo Hà cũng không thừa nhận việc đã "nổ" với các nạn nhân về gia thế, thân thế cũng như các mối quan hệ của mình.
Một bị hại cho biết, do tin tưởng vào lý lịch gia đình của Hà nên mới chuyển tiền. Thậm chí, có lần Hà gọi người này đến trụ sở một Công an huyện để ký kết các giấy tờ mua bán. Các bị hại đến tham dự tòa trình bày, từ khi hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị vỡ lở, các nạn nhân chưa nhận được khoản tiền đền bù nào từ bị cáo, do đó, yêu cầu bị cáo phải trả lại toàn bộ tiền đã chiếm đoạt.
Hội đồng xét xử nhận định, hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác. Sau khi xem xét toàn diện vụ án, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm tuyên phạt Cao Thị Thu Hà 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; buộc bị cáo phải hoàn trả lại toàn bộ tiền đã chiếm đoạt của các bị hại.