'Phải sống xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội'
(Baonghean.vn) - Trở về từ chốn “địa ngục trần gian” Phú Quốc, ông Nguyễn Chuyên Cần quê Diễn Ngọc (Diễn Châu) còn lưu giữ nhiều ký ức về những ngày gian khổ, ác liệt. Niềm vui lớn nhất của người thương binh này là được đoàn tụ cùng gia đình và giữ nghề chế biến hải sản tổ tiên truyền lại.
Nhân kỷ niệm 73 năm ngày thương binh liệt sỹ, Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Chuyên Cần để hiểu thêm về tấm gương của một cựu tù cộng sản trong thời bình.
P.V: Thưa ông, được biết ông từng vào sinh ra tử trên các chiến trường miền Nam, là cựu tù Phú Quốc chốn địa ngục trần gian. Ông có thể kể về quãng thời gian cực khổ mà vinh quang hào hùng đó?
Ông Nguyễn Chuyên Cần: Năm 17 tuổi, tôi lên đường nhập ngũ với bao niềm tin, khí thế của tuổi trẻ. Ra đi với tinh thần “Chiến trường đi chẳng tiếc máu xương” tôi chiến đấu ở mặt trận Trị - Thiên khói lửa. Đời người lính với những cuộc chiến đấu cam go đứng giữa hai lằn ranh sống chết, nhưng lúc nào cũng rừng rực cháy lửa tiến công, mong một ngày về chiến thắng. Rồi tôi được kết nạp Đảng ngay giữa núi rừng. Khí thế người lính, người đảng viên trẻ cứ thế xung kích tiến lên, diệt thật nhiều kẻ thù hung bạo đòi lại từng tấc đất.
Bao gian khổ, ác liệt cái chết có lúc kề cận, nhìn thấy đồng đội hi sinh ngay bên mình nhưng chí không nao, dạ không sờn. Năm 1969, trong một trận tiến đánh cứ điểm địch ở vùng rừng núi phía Tây Quảng Trị, tôi bị thương nặng rồi ngất lịm. Tỉnh dậy thấy mình nằm trong bệnh viện của địch, tôi mới biết mình bị bắt. Địch tìm cách khai thác thông tin nhưng ngay lúc đó tôi vờ lên cơn đau đớn, mất hết ý thức, không khai thác được gì, chúng chuyển tôi về biệt giam ở khám Biên Hòa.
P.V: Về đến nhà tù Biên Hòa khi vết thương vẫn chưa lành, hẳn ông và đồng đội lại chịu tiếp những trận đòn roi, nhục hình tra tấn của địch?
Ông Nguyễn Chuyên Cần: Về nhà tù Biên Hòa chúng lại tiếp tục tra tấn, với những ngón đòn tra tấn, nhục hình dã man. Tra tấn không được bèn bỏ đói, tù nhân bị bệnh chúng cũng không tha. Mỗi lần nghĩ đến vẫn thấy ớn sống lưng. Thế nhưng, anh em chúng tôi vẫn can trường, không hé răng nửa lời, dù chúng tra tấn tới chết đi sống lại. Địch thấy thế từ khiếp sợ đến cảm phục những người tù cộng sản.
Quang cảnh nhà lao hay còn gọi là Trung tâm cải huấn Biên Hòa thời kỳ chống Mỹ. Ảnh tư liệu |
Một lần, tôi lên tiếng phản đối việc đánh đập những tù binh đang đau ốm, mấy tên cai ngục xông đến đấm đá túi bụi, dùng báng súng đánh vào mặt khiến tôi bị gãy hàm răng và dập sống mũi. Những ngày sau, tôi tiếp tục hứng chịu những trận đòn dã man, mấy lần chết đi sống lại… Trong những ngày tháng gian khổ đó, lúc nào tôi cũng nghĩ đến cha mẹ đến quê nhà, lúc nào cũng khao khát sống để được nhìn thấy hòa bình, được về gặp mẹ cha.
Chiếc gối thêu tại nhà tù Biên Hòa của CCB Nguyễn Chuyên Cần. Ảnh: Công Kiên |
Trong những ngày tháng đó, tình cờ có được mảnh vải trắng và một ít chỉ màu của một người đồng đội, sẵn lúc vừa mới chịu nhục hình, địch chưa để ý, tôi lấy tấm vải ra thêu theo trí tưởng tượng của mình về quê nhà, về ước vọng hòa bình, tấm vải ấy may mắn tôi vẫn còn giữ được để làm thành cái vỏ gối. Dòng chữ: “Tình mẫu tử con chưa báo đáp/Lửa hiếu tình con thắp đèn tim”, là bao ước mơ bao khắc khoải một ngày về.
P.V: Sau khi không khai thác được gì từ ông và các tù binh khác, chắc chắn địch không để yên cho ông. Vậy ông làm sao để thoát được “địa ngục trần gian” đó?
Ông Nguyễn Chuyên Cần: Hiệp định Pa-ri được ký kết, tôi và các tù binh được trao trả. Tuy nhiên khi chuẩn bị được trao trả, tôi được tổ chức phân công cùng 4 anh em nữa chuẩn bị tinh thần chiến đấu, sẵn sàng cướp súng, cướp tàu của địch nếu chúng có động thái hủy diệt tù binh. Nhưng cuối cùng mọi việc đã diễn ra suôn sẻ.
Hòa bình, hai tiếng ngọt ngào đó thật không dễ gì mà có được, nó được đánh đổi bằng những chuỗi ngày lịch sử gian khổ ác liệt, đánh đổi bằng hàng vạn máu xương của đồng đội tôi và những anh lính Cụ Hồ khác.
P.V: Vâng, chuyện về những ngày hào hùng đó chắc không bao giờ cạn! Giờ chúng ta đang được sống những ngày bình yên, tự do và hạnh phúc, ông có thể kể thêm về cuộc sống của mình sau chiến tranh, được trở về quê nhà trong bầu trời tự do hòa bình?
Ông Nguyễn Chuyên Cần: Trước tiên là về người vợ - bà Hoàng Thị Độ (SN 1950), người bạn đồng niên, học cùng lớp, ở cùng làng và cùng vào chiến trường đánh Mỹ. Tình yêu vừa được nhen nhóm cũng là lúc tôi vào chiến trường, mấy tháng sau bà ấy cũng gia nhập TNXP và làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn ác liệt. Ngày lên đường không nói lời ước hẹn, 3 năm dài dằng dặc không nhận được tin nhau nhưng không hiểu sao tôi luôn có niềm tin bà ấy luôn chờ đợi mình, không thể hy sinh và sẽ cùng nhau sống trọn đời hạnh phúc. Có lẽ số tôi may mắn, không thể ngờ được cả hai đều được trở về, cùng xây mái ấm hạnh phúc với 5 người con khỏe mạnh…
Tuy thế, nhưng những năm tháng làm nhiệm vụ ở Trường Sơn, bà Hoàng Thị Độ vợ tôi mang nhiều di chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Mấy năm nay, bà bị liệt nửa người do tai biến, phải nằm một chỗ. Con cháu lại ở xa, một mình tôi chăm sóc vợ, lo từng bữa ăn, giấc ngủ, thuốc thang cho bà ấy. Dù vất vả đấy nhưng tôi luôn tâm niệm, người vợ đã dành cho mình tình yêu trong quãng đời tuổi trẻ, sinh cho mình những đứa con giỏi dang, bây giờ phải chăm sóc tận tình để bà ấy sống với tôi thật lâu, thỏa lòng ước nguyện của những năm tháng gian khó xưa kia.
P.V: Được biết, từ khi trở về xây dựng quê hương cho đến nay ông vẫn duy trì nghề làm nước mắm, sản phẩm nước mắm của ông vẫn được nhiều khách hàng lựa chọn?
Ông Cần vẫn miệt mài với nghề nước mắm gia truyền. Ảnh: Công Kiên |
Ông Nguyễn Chuyên Cần: Khi vào chiến trường, khi bị đọa đày chốn tù ngục, hương vị đậm đà của nước mắm quê nhà luôn phảng phất trong tâm trí tôi. Tôi thường nói với bạn bè và đồng đội, nếu được sống và trở về sẽ trở lại với nghề làm nước mắm gia truyền.
Từ khi trở về tôi dành thời gian chuyên chú với nghề chế biến nước mắm truyền thống. Đầu tiên là để cải thiện đời sống cho gia đình, nuôi các con ăn học, thứ nữa là để duy trì nghề truyền thống của cha ông để lại. Sản phẩm nước mắm của gia đình tôi trước đây nổi tiếng khắp vùng. Từ khi còn nhỏ tôi đã giúp bố mẹ mình một số công đoạn làm nước mắm, vì thế việc gìn giữ nghề làm nước mắm không chỉ là sinh kế mà còn là trách nhiệm gìn giữ nghề gia truyền.
Giờ đây các con đã trưởng thành, lại có trợ cấp thương tật, cũng không cần nhiều tiền nữa nhưng tôi vẫn không rời bỏ nghề truyền thống. Ngày nào tôi cũng ra Lạch Vạn tìm mua những mẻ cá ưng ý nhất để về chế biến nước mắm. Việc mưu sinh bây giờ không còn đặt lên hàng đầu nên nước mắm làm ra còn dành để biếu người thân, bạn bè và đồng đội cũ.
Nghĩ về những ngày tháng lịch sử của dân tộc, càng trân quý hơn những ngày bình yên này, tôi vẫn thường bảo với các con, gắng sống thật xứng đáng với những gì mà những người đồng đội của bố đã ngã xuống để giành lại hòa bình, độc lập hôm nay.
P.V: Xin chân thành cảm ơn ông!