Phân tích sức mạnh ngư lôi hạt nhân của Nga

15/10/2017 10:49

Nga chế tạo các loại ngư lôi mang đầu đạn hạt nhân phóng từ tàu ngầm đủ sức hủy diệt các nhóm tác chiến tàu sân bay đối phương.

qua-trinh-phat-trien-ngu-loi-hat-nhan-huy-diet-cua-nga

Nguyên mẫu ngư lôi T-5 trong bảo tàng của Nga. Ảnh: Survincity.

Ngày 10/10/1957, tàu ngầm S-144 của Liên Xô phóng một ngư lôi mang đầu đạn hạt nhân vào mục tiêu giả định ngoài khơi bán đảo Novaya Zemlya. Đầu đạn có sức công phá 10 kiloton, tương đương 10.000 tấn thuốc nổ TNT, kích hoạt ở độ sâu 35 m dưới mặt biển, phá hủy hoàn toàn hai tàu khu trục, hai tàu ngầm và hai tàu quét mìn, theo Sputnik.

Liên Xô bắt đầu nghiên cứu ngư lôi hạt nhân không lâu sau khi thử thành công quả bom hạt nhân đầu tiên vào năm 1949. Quân đội nước này cho rằng oanh tạc cơ tầm xa và tên lửa đạn đạo là thành phần chủ chốt của khả năng răn đe hạt nhân, nhưng máy bay dễ tổn thương trước hệ thống phòng không đối phương, trong khi tên lửa đạn đạo vẫn là công nghệ đang trong quá trình phát triển.

"Tàu ngầm là vấn đề hoàn toàn khác. Lực lượng này từng thể hiện sức mạnh trong Thế chiến II nhờ khả năng bí mật áp sát bờ biển đối phương, sau đó tung đòn phá hủy hải cảng và cơ sở hạ tầng của địch", chuyên gia quân sự Andrei Stanavov cho biết. Hải quân Liên Xô cũng có nhiều chỉ huy tàu ngầm dày dạn kinh nghiệm, thúc đẩy quân đội nước này phát triển ngư lôi hạt nhân.

Ngư lôi T-15 và T-5

Dự án ngư lôi hạt nhân đầu tiên của Liên Xô mang tên "T-15", được khởi động vào năm 1951. Mẫu T-15 dự kiến được trang bị trên tàu ngầm Đề án 627 "Kit", lớp tàu ngầm hạt nhân tấn công đầu tiên của Liên Xô. Mỗi quả T-15 có đường kính 1.550 mm, dài 20 m, nặng 40 tấn và có tầm bắn khoảng 40 km, có thể được dùng để tấn công căn cứ hải quân và các thành phố ven biển của Mỹ.

Quá trình phát triển T-15 diễn ra hoàn toàn bí mật, tới mức hải quân Liên Xô không được biết về sự tồn tại của dự án này. Bên cạnh mẫu T-15 khổng lồ, phiên bản ngư lôi T-5 cỡ 533 mm truyền thống cũng được đề xuất. Moscow nhận thấy lợi ích từ cả hai mẫu ngư lôi, T-5 có tính thực tế và hiệu quả chiến thuật cao hơn hẳn, trong khi T-15 sở hữu sức hủy diệt lớn gấp nhiều lần.

Tới năm 1953, hải quân Liên xô hết sức bất ngờ khi nhận được bản thiết kế tàu ngầm Đề án 627 và ngư lôi T-15. Tuy nhiên, họ tỏ ra kém hào hứng với phiên bản T-15, cho rằng nó chiếm tới 22% không gian bên trong tàu ngầm, khiến mỗi chiếc Đề án 627 chỉ có thể mang được một quả. Các chỉ huy hải quân cũng đặt dấu hỏi về tầm bắn và tốc độ của ngư lôi T-15.

Vụ thử ngư lôi T-5 vào năm 1955

Một hội đồng chuyên gia hải quân đề xuất chấm dứt dự án T-15, thay vào đó tập trung hoàn thiện biến thể T-5 nhỏ hơn. Mỗi quả T-5 được lắp một đầu đạn hạt nhân RDS-9, kích thước nhỏ gọn giúp chúng dễ dàng triển khai trên các tàu ngầm có sẵn của Liên Xô.

T-5 được thử nghiệm thành công lần đầu tiên với đầu đạn 3 kiloton vào tháng 9/1955 tại bán đảo Novaya Zemlya. Quả ngư lôi không được phóng từ tàu ngầm. Thay vào đó, một tàu quét mìn thả ngư lôi xuống độ sâu 12 m, trước khi di chuyển tới khoảng cách an toàn và kích nổ đầu đạn.

Hải quân Liên Xô biên chế ngư lôi T-5 vào năm 1958, một năm sau vụ phóng thử thành công ngoài khơi Novaya Zemlya. Nó trở thành mẫu ngư lôi hạt nhân duy nhất của Liên Xô cho tới năm 1960.

Trong thập niên 1960 và 1970, Liên Xô đạt mức cân bằng răn đe hạt nhân với Mỹ. Các loại ngư lôi mang đầu đạn hạt nhân dần bị loại khỏi biên chế, nhường chỗ cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), cũng như oanh tạc cơ mang tên lửa hành trình tầm xa.

Nhà vật lý hạt nhân Andrei Sakharov năm 1961 từng đề xuất ý tưởng chế tạo đầu đạn nhiệt hạch với sức công phá 100 megaton, tương đương 100 triệu tấn thuốc nổ TNT, cho ngư lôi phóng từ tàu ngầm, sau khi Liên Xô thử thành công bom Sa hoàng.

Ý tưởng ngư lôi phóng từ tàu ngầm và bay bám biển của Sakharov có nhiều nét tương đồng với tên lửa 91RE1 thuộc tổ hợp Kalibr ngày nay, nhưng nó không bao giờ trở thành hiện thực trong thập niên 1960.

Tuy nhiên, ngư lôi hạt nhân đột ngột xuất hiện trở lại vào cuối năm 2015, khi truyền hình Nga vô tình để lộ bản vẽ thiết kế ngư lôi Status-6 khi đưa tin về một cuộc họp có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Tương tự đề xuất của Sakharov hồi năm 1961, Status-6 được cho là mang đầu đạn 100 megaton, đủ sức tạo sóng thần cao 500 m dọc bờ biển đối phương.

qua-trinh-phat-trien-ngu-loi-hat-nhan-huy-diet-cua-nga-1

Bản vẽ ngư lôi Status-6 lộ diện trên truyền hình Nga. Ảnh: Livejournal.

Dựa trên hình ảnh thiết kế, các chuyên gia Pháp cho rằng Status-6 là ngư lôi trang bị "thiết bị đẩy tự động", có tốc độ tối đa 185 km/h, độ sâu hoạt động 1.000 m và tầm bắn 10.000 km, được trang bị các hệ thống giúp vô hiệu hóa lưới phòng thủ chống ngầm của đối phương. Status-6 dự kiến được trang bị trên tàu ngầm Đề án 949A hoặc Đề án 09851.

Ngư lôi Status-6 có thể được lắp đầu đạn với lớp vỏ siêu hợp kim chứa cobalt-59, có thể phân rã thành chất phóng xạ cobalt-60 sau phản ứng nổ, gây nhiễm xạ trong thời gian dài quanh khu vực mục tiêu. Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận Status-6 là dự án có thực và từng được thử nghiệm vào cuối năm 2016.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Phân tích sức mạnh ngư lôi hạt nhân của Nga
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO