Sâu đo hại keo tiếp tục lan rộng ở Tân Kỳ
Sâu đo hại keo đã lây lan ra 100 ha tại xóm Nguyễn Trãi, xã Nghĩa Hành, huyện Tân Kỳ.
Theo con đường dân mở để vận chuyển gỗ keo xuyên núi, chúng tôi vào khu vực rừng keo của xóm Nguyễn Trãi, xã Nghĩa Hành (Tân Kỳ). Từ xa đã nhìn thấy những khu rừng keo trơ trọi lá, giống như cành cây chết khô.
Hai bên đường, nhiều rừng keo 1 – 2 năm tuổi, dù còn xanh lá, nhưng quan sát kỹ vẫn thấy nhiều con sâu đo trên những chiếc lá bị cắn nham nhở.
Chị Mai Thị Lê – công chức nông nghiệp xã Nghĩa Hành cho biết, vào giữa tháng 4, người dân phát hiện một số rừng keo bị sâu đo ăn trụi lá. Sau khi nắm bắt được tình hình, xã đã tiến hành kiểm tra, có tới 31 ha rừng keo bị nhiễm sâu nặng.
Ngay sau đó, địa phương báo cáo với cơ quan chuyên môn, đã được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn địa phương và bà con cách phòng trừ sâu đo hại keo này.
Trong lúc địa phương và người dân chưa kịp phòng trừ thì sâu tiếp tục phát triển nhanh, đến cuối tháng 5 này, diện tích rừng keo bị nhiễm sâu đo phá hại ước khoảng 100ha, của 42 hộ dân đều của xóm Nguyễn Trãi. Mật độ sâu có nơi cao nhất hàng trăm con/cây, nên chỉ trong thời gian ngắn là cả cây keo 3 – 4 tuổi trơ trọi lá.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hành cho rằng, những ngày cuối tháng 5 này, tình hình sâu đo hại keo có giảm mật độ, tuy nhiên địa phương vẫn chỉ đạo bà con thường xuyên theo dõi và tiếp tục thống kê cụ thể số hộ và bao nhiêu diện tích rừng bị nhiễm sâu. Hiện tại, xóm Nguyễn Trãi có hơn 400 ha keo và toàn xã có khoảng 1.800 ha keo.
“Xã đã có phương án phòng trừ sâu bằng cách phun thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Theo đó, huyện sẽ hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật, còn các chủ rừng đầu tư thuê máy phun bằng thiết bị bay không người lái. Tuy nhiên hiện nay bà con đang phân vân không biết phun thuốc từ trên cao như vậy có ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân sinh sống trong vùng hay không, nên chưa triển khai phun”, ông Nguyễn Quốc Tuấn cho hay.
Theo ông Nguyễn Văn Trình – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Kỳ cho rằng, sâu đo hại keo ở xã Nghĩa Hành có thời điểm phá hại rất nhanh, bởi mật độ cao và sự sinh trưởng nhanh.
Hiện nay, mặc dù chưa phun thuốc phòng trừ, nhưng mật độ sâu đã giảm, trong khi đó sâu đang giai đoạn tuổi 1, 2 của lứa 2, thì có thể do ảnh hưởng của thời tiết, hoặc do thiên địch tấn công. Tuy nhiên địa phương và người dân không nên chủ quan, vì loại sâu này sinh trưởng theo lứa, cần phải kiểm tra thường xuyên về mật độ và mức độ phá hại của sâu để có phương án phòng trừ kịp thời.
Trước đó, cơ quan chuyên môn khuyến cáo cách phòng trừ sâu đo hại keo: Người dân thường xuyên áp dụng các biện pháp chăm sóc, vệ sinh rừng theo quy trình kỹ thuật được ban hành.
Với rừng từ 3 năm tuổi trở lên, cần tiến hành vệ sinh thực bì toàn diện, hạn chế lớp thảm khô quanh gốc cây. Đồng thời, sử dụng các thuốc trừ sâu sinh học chứa vi khuẩn Bacillus thuringiensis như Bitadin WG, Delfin WG, Thuricide HP, Enasin 32WP... hoặc các thuốc có hoạt chất nguồn gốc sinh học như Abametin, Emamectin benzoate... theo liều khuyến cáo để phun trừ sớm khi đa số sâu non ở tuổi 1 đến tuổi 3.
Đặc biệt, do cây rừng có tán cao nên để đảm bảo hiệu quả , khi phun thuốc các địa phương, các chủ rừng cần phối hợp để sử dụng máy phun bột hoặc drone để phun rải đều lên toàn bộ tán lá.