“Tắc” ở trạm xử lý nước thải tập trung CCN Tháp – Hồng – Kỷ
(Baonghean) - Là Cụm công nghiệp duy nhất trên địa bàn tỉnh có hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng hơn 6 năm nay, trạm xử lý nước thải ở CCN Tháp - Hồng - Kỷ (Diễn Châu) vẫn đang “tắc”...
Xây xong... để đó
Qua đường dây nóng, người dân huyện Diễn Châu phản ánh, mặc dù là CCN duy nhất đến thời điểm hiện tại được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng tại CCN Tháp – Hồng - Kỷ, trạm xử lý nước thải tại đây vẫn chưa thể đi vào hoạt động.
Trạm xử lý nước thải tập trung CCN Tháp - Hồng - Kỷ bỏ không nhiều năm nay. Ảnh: Phạm Bằng |
Có mặt tại trạm xử lý nước thải CCN này vào cuối tháng 12/2018, điều dễ nhận thấy là khung cảnh ảm đạm, hoang lạnh. Toàn bộ khu nhà điều hành, nhà hóa chất, hệ thống các bể xử lý nước thải... đã được xây dựng và hoàn thiện.
Ông Tuấn – người được thuê trông coi trạm này cho biết, ông mới được thuê đến trông coi, bảo vệ tài sản tại đây với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng. Vì không có việc làm nên ông tận dụng diện tích sân, khuôn viên trạm để nuôi gà, trồng rau, chuối.
Theo tìm hiểu, tháng 6/2009, UBND tỉnh có Quyết định 3096 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp nhỏ Diễn Tháp, huyện Diễn Châu (nay là CCN Tháp – Hồng – Kỷ) do UBND huyện Diễn Châu làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư là hơn 51 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách huyện và đóng góp của doanh nghiệp.
Năm 2010, huyện Diễn Châu phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp nhỏ Diễn Tháp với hạng mục thoát nước và xử lý nước thải. Tổng số vốn được phê duyệt là hơn 6,1 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm đáp ứng nhu cầu thoát nước thải khu công nghiệp nhỏ tại Diễn Tháp.
Hệ thống bể xử lý nước thải từ khi vận hành thử vào năm 2012 đến nay chưa ngày nào hoạt động chính thức. Ảnh: Phạm Bằng |
Sau khi hoàn thành việc xây dựng, cuối năm 2012, trạm này vận hành thử để đo đầu ra đạt tiêu chuẩn. Kể từ đó đến nay, trạm này vẫn chưa được sử dụng đúng như mục đích ban đầu của dự án đưa ra. Hệ thống các bể chứa nước nhiều năm không được vận hành đã đóng váng, rêu.
Hiện CCN này có 30 doanh nghiệp đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh ống thép kẽm, phôi thép, tôn lợp, thép, may công nghiệp, phân bón...
Tuy đã xây dựng hệ thống xử lý môi trường tập trung hiện đại công suất 300 m3/ngày nhưng do chưa hoạt động nên nước thải của các nhà máy vẫn chưa được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường. Người dân sống xung quanh CCN đang phải chịu bị ô nhiễm bởi khí thải, nước thải.
Trên địa bàn tỉnh có 12 CCN đã lấp đầy, 39 CCN đã lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết. Trong 8 CCN đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải thì chỉ có CCN Tháp - Hồng - Kỷ (Diễn Châu) có hệ thống xử lý tập trung, 7 CCN còn lại chỉ có hệ thống hồ sinh học.
Vận hành thế nào ?
Đó là vấn đề huyện Diễn Châu đau đầu nhiều năm nay nhưng vẫn chưa tìm được giải pháp. Mặc dù dự án đã hoàn thành, nhưng việc đấu nối hệ thống với các nhà máy, doanh nghiệp trong CCN chưa thể thực hiện.
Hệ thống bể xử lý nước thải nhiều năm không hoạt động đã đóng váng, rêu. Ảnh: Phạm Bằng |
Ông Hoàng Văn Ba – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Diễn Châu cho rằng, để việc vận hành trạm xử lý nước thải thì cần phải có một ban quản lý.
“Không thể giao cho xã quản lý được vì chức năng nhiệm vụ cũng như chuyên môn của cán bộ xã không đủ để đảm nhận. Huyện cũng không thể ký hợp đồng lao động để giao nhiệm vụ vận hành trạm được…”, ông Ba băn khoăn.
Một vấn đề nữa theo ông Ba là vấn đề kinh phí để vận hành trạm hoạt động. “Theo đề án, để vận hành trạm thì một năm cần gần 600 triệu, nếu chia đều cho 30 doanh nghiệp liệu có họ có đồng ý không ?. Nếu thu thêm thì phải có cơ chế để thu, phải có văn bản quy định của nhà nước. Nhưng hiện nay những vấn đề đó chưa được giải quyết nên trạm xử lý vẫn phải “án binh bất động”, ông Ba nói.
Người trông coi trạm tận dụng khuôn viên để nuôi gà, trồng rau, chuối. Ảnh: Phạm Bằng |
Thừa nhận có sự lãng phí khi xây dựng nhiều năm mà chưa thể hoạt động, ông Hà Xuân Quang – Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Diễn Châu cho biết, huyện cũng đã tìm các văn bản liên quan đến việc thành lập ban điều hành nhưng đang gặp vướng mắc do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Từ năm 2015, huyện đã xây dựng ba phương án để vận hành trạm xử lý nước thải nhưng đều vướng công tác cán bộ và vấn đề chi phí nên chưa thể triển khai.