Tái khởi động dự án thuỷ lợi Khe Lại - Vực Mấu

Văn Trường 20/10/2022 10:37

(Baonghean.vn) - Dự án “Hệ thống thủy lợi Khe Lại - Vực Mấu giai đoạn 1” xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu có trị giá xây dựng 227,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, hơn 12 năm qua, dự án này thi công dang dở, nhiều hạng mục đã bị xuống cấp hư hỏng. Đến nay dự án này đã được Nhà nước bổ sung nâng tổng mức đầu tư hơn 627 tỷ đồng và gia hạn thời gian thực hiện dự án đến năm 2024.

Hệ thống thủy lợi Khe Lại - Vực Mấu tại xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu nhiều hạng mục thi công dang dở. Ảnh: Văn Trường

Dự án “Hệ thống thủy lợi Khe Lại - Vực Mấu tại xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại Quyết định 1609 ngày 11/6/2009 với số vốn hơn 227,8 tỷ đồng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công đầu năm 2010, theo cam kết đến năm 2014 công trình sẽ đưa vào sử dụng. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân dự án bị chậm tiến độ và phải tạm dừng thi công vào năm 2017.

Sau 8 năm triển khai, dự án xây dựng hệ thống thủy lợi Khe Lại - Vực Mấu chỉ mới hoàn thành đập phụ 1 và 2, cống lấy nước, đường điện, tràn xả lũ, nhà quản lý... Tuy nhiên, do dự án đã ngừng thi công dang dở, khiến cho nhiều hạng mục của dự án bị xuống cấp và hư hỏng.

Theo kế hoạch, để triển khai dự án xây dựng hệ thống thủy lợi Khe Lại - Vực Mấu giai đoạn 1 sẽ có hơn 300 hộ dân được đền bù, giải phóng mặt bằng với tổng diện tích đất trên 364 ha, chủ yếu là đất nông nghiệp và lâm nghiệp. Tuy nhiên đến nay, chủ đầu tư mới phê duyệt, đền bù được hơn 80 ha với tổng số tiền trên 80 tỷ đồng. Khoảng gần 100 hộ dân nằm trong lòng hồ hiện vẫn chưa thể di dời do thiếu kinh phí giải phóng mặt bằng.

Trước thực trạng trên, ngày 29/10/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Quyết định số 4228 về việc phê duyệt điều chỉnh dự án hệ thống thủy lợi Khe Lại - Vực Mấu giai đoạn 1. Tổng mức đầu tư 627 tỷ đồng (trong đó chi phí thực hiện giải phóng mặt bằng hơn 373 tỷ đồng). Với nội dung thực hiện dự án như sau: Xây dựng hệ thống giám sát và thông tin điều hành hồ chứa. Lập phương án phòng, chống lũ, lụt vùng hạ du đập, cắm mốc phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Tổng cục Thủy lợi chủ trì thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng công trình, chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra Chủ đầu tư tổ chức, quản lý dự án theo đúng quy định hiện hành.

Hệ thống tường rào tại Hệ thống thủy lợi Khe Lại - Vực Mấu tại xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu bị hư hỏng. Ảnh: Văn Trường

UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục tổ chức thực hiện toàn bộ công tác đền bù giải phóng mặt bằng và các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, trồng rừng thay thế... trong phạm vi nguồn vốn dự kiến, theo đúng các quy định hiện hành và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Chủ đầu tư tuân thủ đúng các quy định hiện hành, quản lý chặt chẽ chất lượng, tiến độ công trình, kinh phí đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Tổ chức thẩm định toàn bộ nội dung và phê duyệt đề cương dự toán, hồ sơ thiết kế các hạng mục: Cắm mốc phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước, lập phương án phòng, chống lũ, lụt vùng hạ du đập.

Xây dựng hệ thống giám sát và thông tin điều hành hồ chứa nước. Lập quy trình vận hành hồ chứa, lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, lập phương án thu dọn lòng hồ. Lập báo cáo xin phép khai thác nước mặt, tuân thủ theo đúng các quy định hiện hành và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.

Ông Nguyễn Xuân Dinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết thêm: Để đảm bảo tiến độ thi công dự án trên, huyện Quỳnh Lưu chịu trách nhiệm phần bồi thường giải phóng mặt bằng. Ngay từ đầu năm 2022, huyện Quỳnh Lưu đã thành lập, kiện toàn Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng. Tập trung giải phóng mặt bằng trên 200 ha đất vùng lòng hồ Khe Lại chủ yếu ở xã Tân Thắng, bao gồm đất rừng, đất nông nghiệp, đất thổ cư.

Hiện nay, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng đang tiến hành khâu rà soát, trích đo, kiểm kê, kiểm đếm, áp giá liên quan đến 29 hộ dân có diện tích đất ở, có nhà cửa công trình; 64 hộ đội viên thuộc (Tổng đội thanh niên xung phong Quỳnh Lưu). Theo tiến độ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu trong năm 2023 sẽ bàn giao mặt bằng, số tiền đền bù giải phóng mặt bằng trên 300 tỷ đồng.

Hệ thống thủy lợi Khe Lại - Vực Mấu hoàn thành tham gia cắt giảm lũ trên sông Hoàng Mai, giảm thiểu ngập úng cho bà con thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu. (Trong ảnh: Thị xã Hoàng Mai bị ngập do mưa lớn sau hoàn lưu bão số 4 cuối tháng 9 vừa qua). Ảnh tư liệu: Hải Hoàng

Tuy nhiên, vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn đang còn gặp những khó khăn như hồ sơ đất đai có nhiều bất cập, vướng mắc qua nhiều thời kỳ. Một số chưa có hồ sơ thửa đất, bản đồ địa chính và chưa có hồ sơ giao đất, có những trường hợp mua đi bán lại đất không thông qua chính quyền… Qua rà soát, huyện phải xin ý kiến ngành liên quan có thẩm quyền để xác định rõ nguồn gốc đất.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, dự án xây dựng hệ thống thủy lợi Khe Lại - Vực Mấu sẽ tiến hành thi công trong năm 2023 và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2024. Đây là công trình thủy lợi có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Tây của huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai.

Công trình này hoàn thiện đưa vào sử dụng, sẽ cấp nước tưới cho 1.524 ha đất canh tác (cả lúa và cây công nghiệp), tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 11.700 người, bổ sung nước cho hồ Vực Mấu 13,4 triệu m3/năm và tham gia cắt giảm lũ trên sông Hoàng Mai. Đặc biệt Công trình thuỷ lợi Khe Lại liên quan mật thiết đến an ninh nguồn nước, bổ sung cho hồ Vực Mấu để cung cấp nước cho Khu công nghiệp Hoàng Mai, khu công nghiệp Đông Hồi./.

Yên Thành: Nước từ các hồ chứa đổ về, nhiều xã vẫn ngập sâu

30/09/2022

Giải phóng mặt bằng dự án hồ chứa nước Khe Lại: Cần phối hợp thực hiện dứt điểm

02/03/2017

Mới nhất

x
Tái khởi động dự án thuỷ lợi Khe Lại - Vực Mấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO