Xây dựng Đảng

Tám mươi năm vẹn lời thề với Đảng

Khánh Ly 13/07/2025 11:33

“Cuộc đời tôi có hai kỷ niệm đáng nhớ, thứ nhất là lần vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam năm 1947 và mới đây (tháng 6/2025) được đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An trao tặng Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng” - bà Nguyễn Thị Đại, 98 tuổi, đảng viên lão thành ở xã Đô Lương xúc động bày tỏ.

TIEU DE

Tác giả: Khánh Ly - Kỹ thuật: Hồng Toại • 13/07/2025

Tit phu 1

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ có khoảng sân rộng rãi thoáng mát, dẫu tuổi cao, phải ngồi xe lăn nhưng bà Nguyễn Thị Đại (SN 1928, tên thường gọi là bà Hùng) vẫn khá minh mẫn và có lối nói chuyện hóm hỉnh. Khi nhắc đến những ngày tháng hoạt động cách mạng, thần sắc bà tươi vui hẳn. Trò chuyện với chúng tôi, bà hồi tưởng câu chuyện cuộc đời như những thước phim về ký ức.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở làng Nhân Hậu tổng Đặng Sơn, Phủ Anh Sơn, nay là xã Đô Lương, cha bà Nguyễn Thị Đại là ông Nguyễn Trọng Cận vốn là cán bộ lão thành cách mạng, đảng viên 1930-1931, từng có thời gian bị giam ở Nhà lao Vinh. Nhà có 7 người con, bà Nguyễn Thị Đại là con gái đầu lòng; như bao gia đình bần nông khác ở thời kỳ ấy, cuộc sống trăm bề vất vả, khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Đại - đảng viên 80 năm tuổi đảng ở xóm 6, xã Đô Lương. Ảnh Khánh Ly
Bà Nguyễn Thị Đại - đảng viên 80 năm tuổi Đảng ở xóm 6, xã Đô Lương. Ảnh: Khánh Ly

Thủa mới lớn, bà Đại phải đi cấy thuê cho địa chủ để đổi gạo, còn em bà phải đi ở đợ. Bà kể: “Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, cuộc sống người dân rất khổ, phụ thuộc vào địa chủ, sưu thuế lại nặng nề. Đi cấy thuê hôm nào cũng đi sớm, khi còn tối đất, nồi cơm đang đầy thì còn được ăn no, chậm hơn thì chỉ vét nồi. Ngày làm quần quật cũng chỉ đổi được 3 bát gạo con con chứ không có tiền…”.

Ngay trước Cách mạng Tháng Tám 1945, bà Đại đã được giác ngộ, tham gia hoạt động phụ nữ. Tổ chức giao cho bà nhiệm vụ huy động phụ nữ tham gia mít tinh thị uy chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Lúc ấy bà đang độ tuổi 18, 19, dù chưa hiểu nhiều về cách mạng nhưng hăng hái cùng chị em trong làng mang theo gậy mác, cơm nắm hòa cùng dòng người đi mít tinh, thị uy thể hiện tinh thần yêu nước, ủng hộ cách mạng để "giành ruộng đất, cơm no, áo ấm cho dân cày".

Bà Nguyễn Thị Đại bên con trai là ông Mai Văn Linh. Ảnh Khánh Ly
Bà Nguyễn Thị Đại bên con trai là ông Mai Văn Linh. Ảnh: Khánh Ly

Trong cuốn lịch sử Đảng bộ địa phương còn ghi lại không khí đó: “Ngày 13/8/1945 dưới sự chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh, nhân dân các làng Tổng Đặng Sơn sẵn sàng vũ khí, cờ, trống, mõ đổ ra các ngã đường tham gia biểu tình, thị uy lực lượng rồi tập trung về nhà Thánh Võ… Mờ sáng ngày 18/8/1945 tiếng trống, tiếng mõ nổi lên ở khắp nơi. Dưới sự hướng dẫn của Việt Minh thôn, nhân dân Nam Sơn cùng 3 vạn nhân dân 5 tổng Đặng Sơn, Đô Lương, Bạch Hà, Thuần Trung, Yên Lãng rầm rập kéo về phủ lỵ Đô Lương vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: Đả đảo chính Phủ bù nhìn của Nhật - Việt Nam hoàn toàn độc lập muôn năm! - Ủng hộ Việt Minh!... Nhận được lệnh khởi nghĩa của Việt Minh phủ, đêm ngày 22/8/1945, không khí chuẩn bị khởi nghĩa sôi sục khắp các thôn trong tổng Đặng Sơn… Ngày 24/8/1945, nhân dân các làng đều tập trung đông đủ về đình làng để chứng kiến hương lý, hương hào giao nộp sổ sách, công quỹ cho Ủy ban khởi nghĩa. Trong ngày này, Ủy ban cách mạng lâm thời các thôn cũng ra mắt bà con…”.

Nhờ tích cực tham gia các hoạt động, tham gia công tác phụ nữ (Bí thư Phụ nữ xã Đặng Sơn, Anh Sơn từ năm 1945-1946), sau đó làm ở xưởng quân giới Anh Sơn, lại được gia đình tạo điều kiện cho đi học bình dân học vụ buổi tối.

Hồi ấy song song với diệt giặc đói là chủ trương diệt giặc dốt, các lớp bình dân học vụ được mở liên tục đến tận các thôn, xóm với khẩu hiệu “Người chưa biết chữ phải học, người biết chữ phải dạy”, “Người biết chữ phải dạy người chưa biết”… Các lớp học được tổ chức tại nhà dân, dưới gốc cây cổ thụ hoặc đình làng Nhân Hậu.

Bà Nguyễn Thị Đại luôn là tấm gương mẫu mực với con, cháu. Ảnh Khánh Ly
Bà Nguyễn Thị Đại luôn là tấm gương mẫu mực với con, cháu. Ảnh: Khánh Ly

“Được đi học bình dân học vụ, tôi không chỉ biết đọc, biết viết mà còn nâng cao hiểu biết và có sự trưởng thành, chín chắn hơn. Nhờ tinh thần tích cực, tiến bộ, ngày 4/1/1947 tôi vinh dự được kết nạp vào Đảng. Thời điểm ấy còn chưa công khai, đang hoạt động bí mật nên tối ăn cơm xong thì có người đưa đi 3-4 cây số từ làng Nhân Hậu ra đến làng Long Sơn để tổ chức kết nạp ở Chi bộ Đặng Sơn cũ. Cảm giác lúc ấy tự hào, xúc động lắm, cứ như một giấc mơ vậy…Không chỉ mình tôi mà các anh em ruột của tôi đều là đảng viên. Nếu không có Đảng soi đường, nếu không phải là đảng viên, cuộc đời tôi không có ngày hôm nay….”, bà Đại xúc động bày tỏ.

Tit phu 2

Sau khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng, hòa mình trong cuộc kháng chiến, kiến quốc của cả dân tộc, từ cuối năm 1947 đến năm 1950, bà Nguyễn Thị Đại được tổ chức phân công làm Phó Bí thư rồi Bí thư Phụ nữ huyện Anh Sơn. Đồng thời bà lần lượt tham gia các lớp đào tạo chi ủy viên, đào tạo cán bộ phụ nữ Liên khu 4, đào tạo cán bộ huyện… Sau đó được bố trí làm cán bộ mậu dịch tỉnh Nghệ An.

Đến năm 1952, bà Nguyễn Thị Đại được điều động ra công tác ở Trung ương Hội Phụ nữ, được 1 năm thì bà quay trở về quê vì “một phần tôi tự nhận thấy mình không được học hành bài bản sợ khó đảm đương tốt nhiệm vụ, một phần vì người yêu viết thư ra giục về để cưới…”, bà Đại cười hóm hỉnh nói.

Bà Nguyễn Thị Đại hiện có 18 cháu, 19 chắt. Trong ảnh là bà Đại và chắt nội. Ảnh Khánh Ly
Bà Nguyễn Thị Đại hiện có 18 cháu, 19 chắt. (Trong ảnh là bà Đại và chắt nội). Ảnh: Khánh Ly

Sau khi trở về, bà kết hôn với ông Lê Tiến Thăng, cùng quê và hơn bà 10 tuổi, là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, chức vụ C trưởng (chỉ huy đại đội). Hai ông bà có một cậu con trai, sau khi lập gia đình bà vẫn tiếp tục tham gia hoạt động tại địa phương.

Tháng 3/1953, xã Tây Sơn được tách thành 3 xã mới là Bắc Sơn, Đặng Sơn và Tây Sơn (gồm các làng Phú Nhuận, Nhân Hậu, Trung Thịnh, Khả Phong và Xuân Chi), 1 tháng sau đó, Đại hội Chi bộ xã Tây Sơn lần thứ nhất được tổ chức với sự tham gia của 95 đảng viên. Bà Nguyễn Thị Đại được bầu làm Phó Chủ tịch xã Tây Sơn.

Thời gian ấy, bà Đại đã cùng tập thể xã nhà quán triệt sâu sắc đến từng đảng viên và nhân dân quyết tâm thực hiện Nghị quyết Chi bộ Tây Sơn lần thứ nhất với nhiệm vụ cần kíp là: Tiếp tục giương cao ngọn cờ xây dựng kinh tế vững mạnh, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chi viện cho chiến trường, đồng thời giảm tô triệt để.

Tháng 5/1954, bà Nguyễn Thị Đại nhận được tin chồng hy sinh ở sông Giăng, Quảng Bình (cũ). Nén nỗi đau thương, người phụ nữ mảnh mai ấy vẫn cố gắng hoàn thành tốt việc nước, việc nhà. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước tạm thời chia làm hai miền. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng và bước đầu đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Trong bộn bề sau chiến tranh, công tác ổn định tổ chức, củng cố chính quyền được xem là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhất, vì vậy, chi bộ Đảng Tây Sơn, chính quyền xã Tây Sơn tiếp tục được kiện toàn. Bà Nguyễn Thị Đại tiếp tục được bầu làm Phó Chủ tịch xã đến năm 1956.

Thời kỳ này, ước mơ “người cày có ruộng” của nông dân Tây Sơn trở thành hiện thực, chấm dứt thời kỳ “ăn cơm vay cày ruộng rẽ”. Ngày nông dân Tây Sơn cắm thẻ nhận ruộng trở thành ngày hội lớn trong thôn, xóm… Sau đó, được sự đồng ý của cấp trên xã Tây Sơn được đổi tên thành xã Nam Sơn.

Một góc xã Nam Sơn cũ nay là xã Đô Lương. Ảnh tư liêu CTV
Một góc xã Nam Sơn cũ nay là xã Đô Lương. Ảnh tư liệu: CTV

Trong giai đoạn xã Nam Sơn (cũ) thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm thứ nhất (1961-1965) với nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện và phát triển hợp tác xã nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển toàn diện theo hướng nền nông nghiệp lớn, nâng cao một bước đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Xã Nam Sơn chủ trương sáp nhập 14 hợp tác xã (HTX) quy mô nhỏ thành 4 HTX quy mô lớn hơn; trong đó có HTX Đại Thắng do ông Lê Danh Sanh làm Chủ nhiệm, sau đó, bà Nguyễn Thị Đại được bầu làm Phó Chủ nhiệm.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Ban quản trị HTX Đại Thắng chủ trương khoanh vùng đất thuận tiện với địa dư chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Nhờ vậy HTX Đại Thắng có mức ăn chia lớn nhất. Bà Nguyễn Thị Đại được bầu làm Phó Chủ nhiệm HTX Đại Thắng từ năm 1965-1968.

Sau đó bà giữ chức vụ Hội phó Hội Phụ nữ xã Nam Sơn cho đến năm 1985 thì nghỉ hưu, tham gia sinh hoạt ở Chi bộ thôn xóm. Bà chia sẻ bởi tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng mà nhiều người đảng viên như bà đã vượt qua gian khổ của 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ để tiếp tục cống hiến, xây dựng quê hương, đất nước.

Thị trấn Đô Lương nay là xã Đô Lương. Ảnh tư liệu P.V
Thị trấn Đô Lương nay là xã Đô Lương. Ảnh tư liệu: P.V

Về đời sống riêng, sau khi chồng đầu hy sinh, cảm động trước sự chân thành, cảm thông, chia sẻ của ông Mai Hào - gốc Bình Định, Bộ đội miền Nam tập kết ra bắc, công tác ở sư 324 đối với mình và con trai, bà Nguyễn Thị Đại tái giá; có thêm 5 người con nữa và cùng chồng nuôi dạy 6 đứa con trưởng thành.

Hai ông bà có 18 cháu, 19 chắt, hiện tại chồng đã mất, bà Đại sống với gia đình con trai ở xã Nam Sơn cũ, nay là xã Đô Lương. “Cha mẹ tôi luôn sống thanh bạch, mẫu mực, là tấm gương sáng cho con cháu...” - ông Mai Văn Linh, SN 1966, con trai bà Đại tự hào cho biết.

Tit phu 3

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Đại luôn bày tỏ sự may mắn khi bản thân còn sống khoẻ mạnh đến ngày hôm để được chứng kiến sự phồn vinh của quê hương, sự lớn mạnh của Đảng.

Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Đức Trung hỏi thăm đảng viên lão thành Nguyễn Thị Đại. Ảnh tư liệu Phạm Bằng
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh uỷ hỏi thăm đảng viên lão thành, trong đó có bà Nguyễn Thị Đại (áo tím). Ảnh tư liệu: Phạm Bằng

Nhìn lại những năm tháng sống, hoạt động cách mạng và tham gia công tác tại địa phương, bà Đại tự hào khẳng định bản thân đã giữ vẹn lời thề với Đảng - lời thề của cô gái mười tám đôi mươi đã tuyên thệ trước cờ Đảng, cờ Tổ quốc gần 80 năm về trước.

Bà cũng bày tỏ sự xúc động, biết ơn khi được Huyện ủy Đô Lương (cũ) long trọng tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 19/5/2025 cùng với các đảng viên lão thành khác trên địa bàn trước khi kết thúc cấp huyện và sáp nhập xã thành xã mới Đô Lương. Với bà Đại “Đó là niềm hạnh phúc, vinh dự, tự hào không gì sánh được; cũng là mốc son trong cuộc đời của người cộng sản".

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy gắn Huy hiệu Đảng cho đảng viên lão thành cách mạng. Ảnh tư liệu Phạm Bằng
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy gắn Huy hiệu Đảng cho đảng viên lão thành Nguyễn Thị Đại. Ảnh tư liệu: Phạm Bằng

Đích thân đồng chí Bí Thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung đã trao và gắn Huy hiệu Đảng cho những đảng viên “cây cao bóng cả” như bà Nguyễn Thị Đại; đồng thời gửi lời tri ân sâu sắc đối với quá trình phấn đấu, cống hiến của các đảng viên lão thành cho Đảng, cho cách mạng.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh: Huy hiệu Đảng là phần thưởng cao quý của Đảng dành tặng cho các đảng viên trung kiên, là sự ghi nhận của Đảng đối với quá trình phấn đấu, cống hiến, lòng trung thành và những đóng góp của các đảng viên vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Ở độ tuổi xưa nay hiếm về tuổi đời lẫn tuổi đảng, bà Nguyễn Thị Đại vẫn khảng khái chia sẻ: Dẫu còn một hơi thở, tôi vẫn là người của Đảng, vẫn tiếp tục giữ gìn phẩm chất gương mẫu của người đảng viên, là chỗ dựa tinh thần giáo dục con cháu trong gia đình chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; tích cực tham các phong trào của địa phương, góp phần xây dựng quê hương đổi mới, xây dựng đảng vững mạnh.

bna_dsc00052-2a2ec1f99ebc9027d7698b94764dc8d0.jpg
Các đảng viên lão thành cách mạng được trao Huy hiệu Đảng trong đợt 19/5/2025, bà Nguyễn Thị Đại ngồi thứ hai trái sang. Ảnh tư liệu: Phạm Bằng

Những “cây cao bóng cả” một đời phấn đấu, cống hiến, kiên trì phục vụ Đảng, phục vụ cách mạng như bà chính là tấm gương sáng để các thế hệ sau học tập, noi theo.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Tám mươi năm vẹn lời thề với Đảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO