Tâm niệm của một Chủ tịch Hội Người cao tuổi ở Nghệ An: 'Còn sức thì còn cống hiến'

Thành Chung - Đình Tuyên (thực hiện) 01/10/2023 12:38

(Baonghean.vn) - Nghỉ hưu sau 43 năm công tác nhưng ông Phạm Hồng Châu (70 tuổi) ở xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên vẫn hăng hái “vác tù và hàng tổng”, góp phần đưa phong trào của Hội Người cao tuổi tại địa phương ngày một phát triển.

Nhân kỷ niệm 32 năm ngày Quốc tế Người cao tuổi (01/10/1991 - 01/10/2023), Báo Nghệ An có cuộc trao đổi cùng ông Phạm Hồng Châu về vai trò, tâm thế của người cao tuổi trong thời đại mới.

Phóng viên:Ông đánh giá như thế nào về vai trò, vị thế của người cao tuổi trong công cuộc bảo vệ, phát triển đất nước qua các thời kỳ? Là một người cao tuổi, ông có thể nói gì về những tâm nguyện được lao động, cống hiến trong giai đoạn mới?

Ông Phạm Hồng Châu: Người cao tuổi là lớp người có uy tín và vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội, là người có công sinh thành, nuôi dạy con cháu, hình thành nhân cách, phát triển giống nòi, giáo dục lý tưởng và truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc cho thế hệ trẻ.

Ông Phạm Hồng Châu  về vai trò, vị thế, trách nhiệm của người cao tuổi trong thời đại ngày nay. Ảnh Đình Tuyên (1).jpg
Ông Phạm Hồng Châu trao đổi về vai trò, vị thế, trách nhiệm của người cao tuổi trong thời đại ngày nay. Ảnh: Đình Tuyên

Nói về vai trò, vị thế của người tuổi, tôi xin được dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Người từng khẳng định: “Trách nhiệm của các vị phụ lão và nhiệm vụ của đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão xây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp phụ lão phù trì… Phụ lão hô, Nhân dân hưởng ứng; phụ lão làm, Nhân dân làm theo”.

Về ý chí, tâm nguyện được lao động, cống hiến xây dựng quê hương, đất nước thì không phải riêng lớp người cao tuổi mà bất cứ một công dân Việt Nam nào cũng đều có khát vọng đó. Riêng về lớp người cao tuổi trong thời đại hiện nay thì đúng như 18 chữ vàng mà Đảng đã trao tặng: "Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"…

Về cá nhân tôi thì bản thân luôn tâm niệm “còn sức thì còn cống hiến”. Tôi nghỉ hưu năm 2013 sau 43 năm công tác (gồm 8 năm tham gia quân ngũ, chiến đấu tại các chiến trường Quảng Trị, Lào; 35 năm làm công tác ở xã Hưng Phúc ở các cương vị Bí thư Đoàn, Ủy viên Ủy ban, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Bí thư Đảng ủy xã). Hưu trí được 3 năm, đến năm 2016 thì được tổ chức Đảng giao nhiệm vụ làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã. Là đảng viên, mình luôn chấp hành nhiệm vụ được phân công.

Thực tế mà nói, nhiệm vụ Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã thì cũng không có nhiều người muốn làm do nhiều lý do. Nhưng riêng tôi thì thấy rất vui, vì bản thân vẫn thấy còn sức khỏe, trí tuệ, muốn được cống hiến cho sự nghiệp chung; cảm thấy rất vinh dự vì được tin tưởng… Từ đó, tôi tiếp tục đem hết nhiệt tình, trách nhiệm; luôn gương mẫu, tận tụy để xây dựng tổ chức hội, phong trào ở xã nhà.

Phóng viên:Khi đảm trách nhiệm vụ “vác tù và hàng tổng” trong điều kiện đã là một người cao tuổi, ông có đặt ra mục tiêu phấn đấu nào không?

Ông Phạm Hồng Châu: Trong nhiều năm qua, Hội Người cao tuổi xã Hưng Phúc là một đơn vị được các cấp, ngành đánh giá cao về công tác xây dựng tổ chức hội, đóng góp cho phong trào ở xã, ở huyện nói chung. Cần phải nói thêm rằng, ở trước thời điểm tôi nhận nhiệm vụ, Hội Người cao tuổi xã cũng đã là một tổ chức vững mạnh.

Khi nhận nhiệm vụ mới, tôi tâm niệm rằng: Để thực hiện tốt nhiệm vụ, trước hết, bản thân phải là cây cao bóng cả với sự chuẩn mực trong lời nói, hành động, theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương; phải thật sự “sống vui, sống khoẻ”. Bản thân mình cần phải đổi mới sáng tạo hơn nữa để phong trào hội và vị thế người cao tuổi ở xã ngày một nâng lên, nổi bật hơn.

Người cao tuổi tham gia các hoạt  động văn hoá văn nghệ ở địa phương (2).jpg
Người cao tuổi tham gia các hoạt động văn hoá văn nghệ ở địa phương. Ảnh tư liệu minh hoạ

Từ tâm niệm này, tôi đã có một số cách làm mới như đẩy mạnh công tác tập hợp, đưa tất cả người cao tuổi ở xã vào tham gia sinh hoạt một cách nề nếp; xây dựng chương trình hành động của hội hàng tháng, hàng quý, hàng năm với những hoạt động cụ thể; nâng cao chất lượng sinh hoạt hội, chi hội.

Cùng với các cụ trong Hội Người cao tuổi xã, tôi đã gây dựng được một số phong trào, chương trình có ý nghĩa. Từ năm 2016, chúng tôi đã xây dựng Chương trình “Bữa cơm của người cao tuổi”. Theo đó, vào ngày 01/10 hàng năm, tại mỗi gia đình trong xã, con cháu sẽ làm một bữa cơm gia đình đoàn viên, ấm cúng để mời bố, mẹ nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi. Chương trình này đã đi vào nề nếp, có ý nghĩa thiết thực trong việc quan tâm, chăm sóc người cao tuổi.

Từ năm 2018, chúng tôi đã phát động phong trào con cháu ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa cha mẹ”. Cụ thể là ở những gia đình mà bố mẹ không có lương thì con cháu mỗi năm tiết kiệm và gửi cho cha mẹ ít nhất 2 triệu đồng để bố mẹ có tiền tiêu pha… Tiếp đó, chúng tôi cũng xây dựng quỹ ủng hộ người cao tuổi, bằng cách kêu gọi các nhà hảo tâm, nhà tài trợ ủng hộ quỹ. Quỹ này dành cho việc giúp đỡ những người cao tuổi già yếu trên 80 tuổi. Ngoài ra, hàng năm vào ngày 01/10, các cụ sẽ nhận được một phần quà trị giá 300.000 đồng.

Cùng với đó, Hội Người cao tuổi xã cũng đã đẩy mạnh phong trào người cao tuổi làm kinh tế. Tổ chức hội sẽ đến từng hộ gia đình người cao tuổi còn đủ điều kiện sức khỏe, kinh tế khó khăn để động viên các hộ vươn lên, tăng cường sản xuất, kinh doanh; nghe, xem các hộ người cao tuổi có nguyện vọng, đề xuất nào không để hội đặt vấn đề với cấp ủy Đảng, chính quyền có sự hỗ trợ. Thông qua hoạt động sản xuất, kinh doanh, người cao tuổi đã trở thành tấm gương lao động mẫu mực cho con cháu…

Trong tháng 4/2023 vừa rồi, chúng tôi vừa thống kê, toàn xã đã có 11 cụ người cao tuổi làm kinh tế giỏi, nhiều cụ có thu nhập 250 triệu đồng/năm.

Người cao tuổi tham gia làm tuyên truyền viên chính sách dân số.jpeg
Người cao tuổi tham gia làm tuyên truyền viên chính sách dân số. Ảnh tư liệu: Mỹ Hà

Hội Người cao tuổi xã Hưng Phúc cũng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc đóng góp xây dựng nông thôn mới. Các cụ trong hội đã thực hiện tốt 2 nhiệm vụ được giao là động viên con cháu tham gia hiến ngày công, hiến đất làm đường và xây dựng các công trình phúc lợi.

Với những gia đình chưa thực sự nhiệt tình tham gia thì các cụ đến tận nhà phân tích, nói rõ “Ngày xưa các thế hệ cha anh từng “xe chưa qua thì nhà không tiếc”. Bây giờ, Đảng và Nhà nước đưa đường về tận nhà mình rồi… sao lại không ủng hộ”... Bây giờ, Hưng Phúc đã là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Phóng viên: Trong 7 năm thực hiện nhiệm vụ công tác hội ở cơ sở, ông nhận thấy đâu là mặt mạnh, đâu là mặt hạn chế của người cao tuổi hiện nay? Đảng, Nhà nước và toàn thể xã hội cần phải làm gì để tiếp tục làm tốt công tác chăm sóc người cao tuổi?

Ông Phạm Hồng Châu: Về mặt mạnh của người cao tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã nói rất rõ: “Đối với người cao tuổi, tuy sức khỏe không bằng lúc còn trẻ nhưng có những mặt mạnh cơ bản, đó là: Có lòng yêu nước nồng nàn, sâu sắc; tuổi càng cao chí càng cao; tích lũy được vốn tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng phong phú; có sự tín nhiệm cao”… Tôi thấy rằng, những lời nhận xét của Người là hoàn toàn chính xác.

bna_Các bác người cao tuổi ở thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương đi nhặt rác, giữ vê sinh môi trường mỗi sáng (4).jpg
Các bác người cao tuổi đi thể dục buổi sáng đồng thời nhặt rác, giữ vệ sinh môi trường. Ảnh tư liệu minh hoạ

Về mặt hạn chế, qua những năm công tác hội, tôi nhận thấy người cao tuổi hiện nay có 2 nhược điểm cố hữu. Thứ nhất, là tuổi cao dần thì sức yếu đi, trí tuệ không còn minh mẫn, trí nhớ cũng vậy. Từ chỗ sức lao động giảm sút nên vị thế của người cao tuổi cũng kém dần. Khắc phục điều này, mỗi người cao tuổi cần phải tự rèn luyện để vươn lên. Tổ chức hội cũng đã có nhiều cố gắng như tổ chức các diễn đàn, sân chơi để người cao tuổi rèn luyện sức khỏe, tham gia văn hóa, văn nghệ. Tuy nhiên, đây là vấn đề quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” không thể nào tránh khỏi.

Điểm yếu thứ hai, đó là vấn đề chậm nắm bắt thông tin và công nghệ mới. Phải nói rằng, xã hội hiện đại đã có những bước phát triển như vũ bão; người cao tuổi dần trở nên tụt hậu và dần lạc lõng trong thời đại công nghiệp 4.0.

Để trợ giúp cho người cao tuổi trong giai đoạn hiện nay, tôi nghĩ rằng, vấn đề chăm lo, nuôi dưỡng thì đã được Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, địa phương rất quan tâm. Tuy nhiên, vẫn có những vấn đề cần đề xuất để có sự thay đổi, đó là cần quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho tổ chức Hội Người cao tuổi hoạt động, nhất là về mặt kinh phí. Ví dụ, bây giờ Chủ tịch Hội Người cao tuổi ở xã, Chi hội trưởng người cao tuổi thôn, xóm, bản thì có chế độ lương và phụ cấp, nhưng Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, Chi hội phó lại không có. Kinh phí hoạt động của Hội Người cao tuổi xã rất hạn hẹp, mỗi năm chỉ có 2-3 triệu đồng để hoạt động…

bna_Cụ Bùi Trọng Thành vẫn hàng ngày đọc báo năm tình hình đất nước, tỉnh nhà. Ảnh Đình Tuyên (2).jpg
Đọc báo nắm tình hình đất nước, tỉnh nhà. Ảnh: Đình Tuyên

Vấn đề nữa là hiện nay có những người cao tuổi đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc khi về địa phương lại mất các giấy tờ cần thiết để chứng minh và được hưởng chế độ. Chúng ta cần có sự đánh giá, giúp đỡ họ được hưởng các quyền lợi đáng có… Ngoài ra, hiện cũng có khá nhiều người cao tuổi bệnh tật, neo đơn, không nơi nương tựa, cộng đồng xã hội cũng nên có thêm sự ủng hộ, hỗ trợ những đối tượng yếu thế này.

Cuối cùng, chúng ta cần có một cách nào đó để giúp người cao tuổi nâng cao nhận thức, bắt kịp với thời đại để các cụ được nâng cao vị thế, có tiếng nói giúp giáo dục con cháu. Có thể, đó là có thêm những chương trình tập huấn, phổ biến kiến thức. Hay các chương trình riêng phát trên sóng radio, truyền hình vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần. Qua việc tập huấn, phổ biến kiến thức, theo dõi các chương trình, người cao tuổi được hiểu thêm về thời cuộc nói chung, công nghệ mới nói riêng.

Phóng viên:Như ông đã nói thì người cao tuổi cũng cần phải không ngừng tự rèn luyện để vươn lên, sống có ích. Vậy người cao tuổi cần phải rèn luyện những vấn đề gì?

Ông Phạm Đình Tuyên chuyện trò, tuyên truyền cho người dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương. Ảnh Đình Tuyên.jpg
Ông Phạm Hồng Châu chuyện trò, tuyên truyền cho người dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương. Ảnh: Đình Tuyên

Ông Phạm Hồng Châu: Thứ nhất, người cao tuổi cần rèn luyện vươn lên về mặt tinh thần. Đó là mình phải cố gắng sống thật vui, thật khoẻ; phải thường xuyên rèn luyện thể chất, vận động cơ thể, dưỡng sinh, dân vũ. Thể chất – sức khỏe chính là điều kiện tiên quyết trong lứa tuổi này.

Thứ hai, người cao tuổi cần nêu cao tinh thần đoàn kết, đó là đoàn kết trong gia đình, dòng tộc, cộng đồng khu dân cư, trong tổ chức hội; tăng cường sự giao lưu các mặt, nhằm tránh sự tù túng và cảm giác lạc lõng.

Thứ ba, cần phải xây dựng uy tín của bản thân thông qua lời nói, hành động chuẩn mực; thường xuyên học hỏi, tiếp nhận cái mới để theo kịp những chuyển động của thời đại, tránh sự tụt hậu về mặt kiến thức, tư duy.

Thứ tư, là người cao tuổi cần gần gũi, hòa hợp với con cháu. Mình cần chấp nhận những cái mình chưa đúng; đặt mình vào bối cảnh của con cháu để nhìn nhận vấn đề, sự việc từ đó để có tiếng nói chung. Không áp đặt tư tưởng đối với con cháu theo tư duy cũ; cần phải làm bạn, đồng chí, đồng đội với con, cháu; đặc biệt là cần tin tưởng vào thế hệ trẻ.

Người cao tuổi dạy các nhạc cụ của dân tộc Thái cho lớp trẻ.jpg
Người cao tuổi dạy cách sử dụng các nhạc cụ truyền thống cho lớp trẻ. Ảnh: Đình Tuyên

Cuối cùng, người cao tuổi phải nêu cao ý thức, trách nhiệm bồi dưỡng truyền thống của gia đình, dòng tộc, quê hương, đất nước cho con cháu và thế hệ trẻ. Việc bồi dưỡng này phải bằng trực quan sinh động, tức là những hành động cụ thể của bản thân, tạo thói quen cho con cháu. Phải biết tìm tòi những câu chuyện kể sinh động để con cháu, thế hệ trẻ tự ý thức và có những hành động đúng.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Nghệ An hiện có 430.810 người cao tuổi, chiếm 12,134% dân số toàn tỉnh. Đây là một lực lượng rất đông đảo, hùng hậu. Thời gian qua, người cao tuổi Nghệ An đã, đang tham gia và có nhiều đóng góp tích cực trong nhiều lĩnh vực, từ khoa học, kỹ thuật, kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững quốc phòng – an ninh ở từng khu dân cư, địa bàn. Đặc biệt, trong nhiều phong trào như xây dựng nông thôn mới, giải phóng mặt bằng ở các địa phương thời gian qua, bằng uy tín trong cộng đồng, dòng họ, gia đình, người cao tuổi có đóng góp rất lớn trong tuyên truyền, vận động nhân dân và con cháu đồng thuận ủng hộ, luôn ra sức thực hiện tốt nhiệm vụ tỉnh nhà là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và quê hương.

Riêng về xây dựng kinh tế, hàng năm có khoảng 50-55% người cao tuổi trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Trong phong trào “Người cao tuổi tham gia làm kinh tế giỏi, giai đoạn 2018- 2023”, toàn tỉnh đã suy tôn hơn 2.200 mô hình làm kinh tế giỏi các cấp. Các mô hình này đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng… Hàng năm, có trên 10.000 người cao tuổi đạt danh hiệu sản xuất giỏi các cấp.

Mới nhất
x
Tâm niệm của một Chủ tịch Hội Người cao tuổi ở Nghệ An: 'Còn sức thì còn cống hiến'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO