Tăng cường phòng chống pháo nổ dịp cuối năm

27/12/2016 06:31

(Baonghean) - Đã 22 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 406/CT-TTg Về việc “cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo” và một loạt các nghị định, quyết định, kế hoạch khác. nhưng đến nay, tiếng pháo vẫn không ngớt trong đêm giao thừa, thậm chí những năm gần đây tình trạng đốt pháo gia tăng.

Vi phạm

Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh, tính đến ngày 16/12, lực lượng chức năng của ngành đã phát hiện, bắt giữ 71 vụ, 82 đối tượng phạm tội mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo trái phép, thu giữ 673,7 kg pháo; vận động nhân dân thu hồi 16,2 kg pháo các loại.

Còn nếu tính từ tháng 11/2015 đến hết tháng 8/2016), toàn tỉnh đã phát hiện, bắt 203 vụ, 263 đối tượng liên quan đến hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo, thu giữ 3.553 kg pháo. Riêng từ đầu tháng 9 đến nay, Công an tỉnh đã phát hiện, bắt 39 vụ, 41 đối tượng liên quan đến hành vi mua bán, vận chuyển pháo, thu giữ 379,87 kg pháo nổ.

Công an Diễn Châu bắt đối tượng vận chuyển 12 kg pháo.
Công an Diễn Châu bắt đối tượng vận chuyển 12 kg pháo.

Điển hình vào hồi 14 giờ ngày 2/12, Đội Điều tra tổng hợp Công an TP. Vinh phối hợp với Công an phường Bến Thủy tiến hành kiểm tra hành chính tại phòng 204, khách sạn Kim Loan thuộc khối 14, phường Bến Thủy, TP. Vinh. Qua đó, bắt quả tang đối tượng Nguyễn Bá Hưng (SN 1990) trú tại huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình đang có hành vi chế tạo thuốc pháo.

Tang vật thu giữ tại hiện trường gồm: 1 bao ni lông đựng chất bột màu hồng là thuốc pháo có trọng lượng 3,4 kg; 1 bao tải đựng chất bột màu trắng là natribenzoat có trọng lượng 23,8 kg; 1 bao tải đựng chất bột màu trắng là kaliclorat có trọng lượng 23,4 kg; 1 hộp nhựa màu trắng đựng chất bột màu nâu đỏ là Fe2O3; 1 hộp nhựa màu trắng đựng hạt tinh thể màu trắng và 1 máy xay sinh tố. Đây là những nguyên liệu, vật dụng để sản xuất thuốc pháo.

Tiếp đó, ngày 18/12, nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, lực lượng CSGT (Bộ công an) phối hợp với Trạm CSGT Diễn Châu (phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An) lên phương án chốt chặn xe khách BKS 34B-013.84, do Đàm Văn Khang (SN 1977, trú tại xã Thạch Khôi, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương) điều khiển.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe chở 3 thùng xốp màu trắng, bên trong chứa 1.142 quả pháo ông sư và 24 bánh pháo nổ loại 36 quả. Tổng trọng lượng gần 100 kg pháo.

Những thống kê trên cho thấy, thực trạng buôn lậu pháo nổ hiện nay khá phức tạp, thay vì cuối năm các đối tượng mới dồn dập đưa hàng về thì giờ đây các đối tượng lặng lẽ vận chuyển suốt cả năm. Chờ đến dịp sát Tết, các đối tượng mới bắt đầu xé lẻ hàng để bán. Bởi chúng biết rằng dịp cuối năm, các lực lượng sẽ mở các đợt cao điểm đấu tranh, phòng chống buôn bán, tàng trữ pháo nổ nên việc vận chuyển dễ bị phát hiện hơn.

Mặt hàng siêu lợi nhuận

Để trả lời cho câu hỏi tại sao pháo vẫn nổ và Nghệ An vẫn luôn là điểm nóng về việc buôn bán và sử dụng pháo vào dịp Tết Nguyên đán, đầu tiên, có thể khẳng định, pháo hiện đã, đang là mặt hàng siêu lợi nhuận.

Tìm hiểu từ một người đã từng bị bắt giữ vì buôn bán, tàng trữ pháo tên Trần Văn T. ở huyện Diễn Châu, anh này cho biết: “Pháo nổ mua bên kia biên giới chỉ có 3.000 đồng/bánh nhưng nếu trót lọt sẽ bán với giá 30.000 - 40.000 đồng/bánh; pháo ông Sư trên thị trường hiện khoảng 20.000 - 30.000 đồng/quả; pháo hoa giàn, mỗi dàn có các loại 8 quả, 9 quả, 12 quả, 18 quả, 24 quả và loại 36 quả, hiện giá bán từ 400.000 - 1.000.000 đồng/giàn...

Vào những ngày cận Tết, giá pháo nổ có thể được các tay buôn lậu đẩy lên cao hơn. Điều đặc biệt là giá bán gấp 10 lần giá gốc. Có thể thấy, với tất cả các mặt hàng hiện nay, buôn bán pháo lậu là mặt hàng siêu lợi nhuận, nên các đối tượng luôn tìm mọi cách để qua mặt cơ quan chức năng.

Thứ nữa, những năm trước đây, pháo chủ yếu được vận chuyển bằng đường biển hoặc từ các cửa khẩu phía Bắc theo đường bộ về, thì một vài năm trở lại đây, bên cạnh việc thẩm lậu theo những cung đường “truyền thống”, pháo được tuồn về từ Lào bằng nhiều hình thức. Có thể bằng xe khách, xe tải qua các cửa khẩu của các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... và cũng có thể là các đường tiểu ngạch giáp biên giới...

Vụ Trạm kiểm soát Biên phòng Cao Vều, Đồn Biên phòng Phúc Sơn phát hiện bắt giữ Hà Văn Tâm, dân tộc Thái vận chuyển 27 kg pháo từ Lào về Việt Nam tiêu thụ ngày 4/2 là một minh chứng.

Sở dĩ tình trạng buôn bán pháo nổ ngày càng gia tăng còn do tâm lý của người dân, thậm chí đã trở thành một thứ “văn hóa”, đấy là nhiều người vẫn xem việc đốt pháo trong đêm giao thừa không chỉ mang ý nghĩa đón chào năm mới, mà còn tạo thuận lợi để “ông bà, tổ tiên” về cho con cháu thờ phụng.

Rõ ràng đây là quan niệm sai lầm, bởi thực tế đã chứng minh, việc đốt pháo không chỉ gây lãng phí tiền bạc mà còn rất nguy hiểm. Đó là ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn; việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán và sử dụng các loại pháo đã gây ra không ít tai nạn đáng tiếc, thậm chí là mất mạng...

Bên cạnh đó là những vướng mắc về mặt pháp luật. Luật Đầu tư năm 2014 quy định pháo thuộc danh mục lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, từ đó có ý kiến cho rằng pháo không phải là “hàng cấm” nên không thể xử lý hình sự.

Tuy vậy Luật Thương mại năm 2015 giao Chính phủ quy định hàng hóa cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Nghị định 59/2006/NĐ-CP của Chính phủ xác định các loại pháo thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh.

Gỡ rối

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong các quy định của pháp luật về xử lý hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ trái phép, ngày 22/11/2016, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Sửa đổi bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4, Luật Đầu tư 2014.

Theo đó, xác pháo là mặt hàng cấm kinh doanh và đưa ra khỏi mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Đồng thời dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý hình sự về hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển các loại pháo với số lượng 6 kg trở lên. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác đấu tranh, phòng chống hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 541/KH-UBND ngày 6/9/2016 chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai sớm các giải pháp phòng, chống pháo dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017.

Thượng tá Nguyễn Đức Hải - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Rút kinh nghiệm năm trước, năm nay chúng tôi sẽ có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn trong các ngày Tết, nhất là đêm giao thừa.

Chỉ đạo công an các huyện, thành, thị tham mưu UBND cùng cấp thành lập đoàn kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng, chống pháo do đích thân lãnh đạo UBND cấp huyện làm trưởng đoàn; chỉ đạo mỗi phường, xã, thị trấn thành lập các tổ công tác tuyên truyền, kiểm tra phòng, chống pháo trực tiếp kiểm tra tại từng thôn, xóm, khu dân cư.

Riêng Công an tỉnh sẽ chỉ đạo thành lập các tổ công tác trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống pháo tại các đơn vị, địa phương; đồng thời căn cứ tình hình tội phạm và vi phạm về pháo trên địa bàn, sẽ xây dựng phương án tăng cường tối đa lực lượng Công an tỉnh xuống cơ sở để phối hợp phòng, chống pháo và bảo vệ an ninh ngày Tết.

Và quan trọng hơn cả là bên cạnh những nỗ lực của lực lượng công an, rất cần sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp chính quyền, các ngành liên quan, các đoàn thể và người dân.

Cảnh Nam

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Tăng cường phòng chống pháo nổ dịp cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO