Thành phố Vinh đề xuất thí điểm thu phí dừng, đỗ xe ô tô trên lòng đường, vỉa hè và cơ chế đặc thù về thu, chi trong các trường học
(Baonghean.vn) - Thông qua giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, UBND TP. Vinh đề xuất, kiến nghị tỉnh 5 nội dung liên quan đến một số cơ chế, chính sách, trong đó, cho phép thành phố thí điểm thu phí dừng, đỗ xe ô tô trên lòng đường, vỉa hè và thực hiện cơ chế đặc thù về thu chi trong các trường học.
Sáng 13/5, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An có cuộc làm việc với UBND thành phố Vinh theo kế hoạch giám sát việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội tại Nghị quyết số 18, ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) tỉnh Nghệ An.
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Cùng tham gia có các đồng chí Ủy viên Thường trực và lãnh đạo một số ban HĐND tỉnh, lãnh đạo thành phố Vinh.
Thành phố Vinh đề xuất tỉnh 5 vấn đề
Trước khi làm việc với UBND thành phố, đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đã có cuộc khảo sát thực tế hoạt động mô hình quản lý chợ tại chợ Vinh và đầu tư Dự án Ecopark Vinh.
Tại cuộc làm việc, theo báo cáo của UBND thành phố, triển khai Nghị quyết số 18 của HĐND tỉnh, UBND thành phố đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 – 2025) và hàng năm với hệ thống chỉ tiêu cụ thể.
Gắn với đó, hàng năm, thành phố đều xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, điểm “nghẽn” để tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt; đẩy mạnh thu hút đầu tư gắn với “đột phá” trong huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.
Qua rà soát, đánh giá, thành phố dự báo đến năm 2025 sẽ có 26/27 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tính đến hết năm 2023, đã có 18/27 chỉ tiêu đạt, trong đó, có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch 5 năm (2021 – 2025), gồm: chỉ tiêu thu ngân sách; tỷ lệ khối phố văn minh; số bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ lao động qua đào tạo; số lao động được giải quyết việc làm; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý; tỷ lệ đơn vị cấp xã vững mạnh toàn diện, an toàn làm chủ.
Chỉ tiêu duy nhất trong tổng 27 chỉ tiêu được đề ra không đạt là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP bình quân; dự kiến cả giai đoạn 5 năm (2021 – 2025) chỉ đạt 8,69%/10 – 11% kế hoạch.
Để tạo điều kiện cho thành phố Vinh phát triển cũng như giải quyết các tồn tại, hạn chế đang đặt ra hiện nay, UBND thành phố kiến nghị, đề xuất tỉnh 5 vấn đề.
Cụ thể, kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí phục vụ đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các tuyến đường giao thông thuộc thẩm quyền quản lý qua địa bàn thành phố; tiếp tục hỗ trợ về thủ tục, tiến độ điều chỉnh quy hoạch xây dựng, thẩm định dự án đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị trên địa bàn thành phố; cho phép thành phố thí điểm thu phí dừng, đỗ xe ô tô trên lòng đường, vỉa hè một số tuyến chính để giảm thiểu ùn tắc giao thông; cho phép thành phố thực hiện cơ chế đặc thù về thu, chi trong các trường học; quan tâm chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh đóng trên địa bàn tăng cường phối hợp công tác tự quản trật tự đô thị trước trụ sở cơ quan, đơn vị mình.
Tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đã đặt ra nhiều vấn đề, đề nghị thành phố phân tích, làm rõ thêm những khó khăn, tồn đọng, nhất là phân tích rõ các nguyên nhân, trong đó có thẩm quyền trách nhiệm của từng cấp, ngành cụ thể.
Tăng cường phối hợp hiệu quả với các sở, ngành cấp tỉnh
Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đánh giá cao sự trăn trở đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, quyết liệt chỉ đạo, điều hành, đôn đốc thực hiện của thành phố với nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản đã hoàn thành ở thời điểm năm 2023 và có 26/27 chỉ tiêu ước đạt vào cuối nhiệm kỳ; đáp ứng yêu cầu vị trí “đầu tàu” kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chỉ ra một số hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý đô thị và đầu tư các công trình, dự án chống ngập, bãi đỗ xe, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng…, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nhấn mạnh yêu cầu thành phố rà soát và bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Trung ương và tỉnh giao cùng với của thành phố đề ra để tập trung chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất vào cuối nhiệm kỳ; gắn với chủ động xây dựng các chỉ tiêu, nhiệm vụ cho giai đoạn 2026 – 2030 sát với thực tiễn và định hướng phát triển của thành phố trong giai đoạn mới.
Muốn các chỉ tiêu, nhiệm vụ của thành phố đạt kết quả tốt, cùng với các giải pháp của thành phố, thì cần cải thiện, tăng cường mối quan hệ phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh trong thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng đặt ra yêu cầu cần phát huy tính chủ động, năng động, đổi mới, sáng tạo của thành phố trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thành phố cũng cần chủ động nghiên cứu, đề xuất tỉnh về cơ chế đặc thù cho thành phố trên cơ sở rà soát lại các quy định của pháp luật, khả năng đáp ứng của tỉnh và yêu cầu phát triển của thành phố.
Liên quan đến sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình đề nghị thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, quan tâm giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư; quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập…