Thành phố Vinh sẽ bắn pháo hoa nhân kỷ niệm 60 năm thành lập vào tối 30/9 tại Quảng trường Hồ Chí Minh
(Baonghean.vn) - Thông tin từ UBND TP. Vinh cho biết, thành phố sẽ tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm 60 năm thành lập (1963 - 2023) và 235 năm Phượng Hoàng Trung Đô, trong đó có bắn pháo hoa nghệ thuật vào tối 30/9 tại Quảng trường Hồ Chí Minh.
Theo đó, trong các ngày từ 11 đến 13/9 đã diễn ra Giải võ thuật cổ truyền cúp “Phượng Hoàng Trung Đô”, Lễ hội truyền thống đền thờ Hoàng đế Quang Trung. Trong các tối 15, 16/9 tổ chức trưng bày ảnh với chủ đề: “Diện mạo đô thị và con người Vinh xưa” tại Phố đi bộ.
Trong tối 22/9, thành phố sẽ tổ chức Tết Trung thu và trao quà cho trẻ em nghèo, trẻ có hoàn cảnh khó khăn tại Phố đi bộ. Liên hoan nghệ thuật quần chúng TP. Vinh sẽ khai mạc tại sân vận động xã Nghi Kim tối 22/9 và bế mạc vào tối 23/9 tại Phố đi bộ.
Tối 29/9, cuộc thi “Thanh niên thanh lịch thành phố Vinh - Miss Vinh” sẽ diễn ra tại sân khấu ngoài trời Nhà văn hóa Lao động tỉnh Nghệ An.
Trong các ngày 29, 30/9 sẽ diễn ra Trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, OCOP của thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An.
Điểm nhấn của chuỗi sự kiện là Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập thành phố Vinh, 235 năm Phượng Hoàng Trung Đô, đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì, Chương trình nghệ thuật “Thành Vinh tung cánh Phượng Hoàng” và bắn pháo hoa nghệ thuật diễn ra vào tối 30/9 tại Quảng trường Hồ Chí Minh.
Vùng đất ngày nay là thành phố Vinh có lịch sử lâu đời, được các triều đại phong kiến trước đây ở nước ta chú ý và cử tướng tài trấn giữ.
Đặc biệt, ngày 1/10/1788, cách đây vừa tròn 235 năm, Hoàng đế Quang Trung đã hạ chiếu xây dựng Kinh đô Phượng Hoàng tại xã Yên Trường, huyện Chân Lộc dưới chân núi Dũng Quyết (nay là phường Trung Đô, thành phố Vinh).
Trong chiếu gửi La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp ngày 3/9 năm Thái Đức 11 (tức năm 1788), Nguyễn Huệ ghi: “Nay Kinh đô Phú Xuân thì hình thế cách trở, ở xa trị Bắc Hà, địa thế khó khăn, theo đình thần nghị rằng: Chỉ đóng đô ở Nghệ An là đường vừa cân, vừa khống chế được trong Nam ngoài Bắc và sẽ làm cho người tứ phương đến kêu kiện tiện việc đi về”.
Hoàng đế Quang Trung cho rằng ở đây “hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng, thực là chỗ đất đẹp để đóng đô”.
Cho tới khi lâm trọng bệnh vào mùa Thu năm 1792, biết không qua nổi, Hoàng đế Quang Trung cho triệu trấn thủ Nghệ An là Trần Quang Diệu về triều bàn việc dời đô ra Phượng Hoàng Trung Đô.
Trước khi lâm chung, nhà Vua đã căn dặn Trần Quang Diệu và các quần thần: “Ta mở mang bờ cõi, khai thác đất đai, có cả cõi Nam này, nay đau ốm tất không khỏi được. Khi ta chết rồi nội trong 1 tháng phải chôn cất, việc tang làm lao thảo thôi. Lũ người nên hợp sức mà giúp Thái tử sớm thiên đô về Vĩnh Đô để khống chế thiên hạ”.
Dưới thời nhà Nguyễn, vùng đất Yên Trường tiếp tục được coi trọng xây dựng. Ngày 20/10/1898, Vua Thành Thái ra đạo dụ thành lập thị xã Vinh.
Ngày 10/12/1927, toàn quyền Đông Dương ra nghị định hợp nhất thị xã Vinh, thị xã Bến Thủy (thành lập ngày 11/3/1914) và thị xã Trường Thi (thành lập ngày 27/8/1917) thành TP. Vinh – Bến Thủy.
Cuối những năm 20, đầu những năm 30 của thế kỷ XX, Vinh được biết đến như một đô thị với những nhà máy, xí nghiệp, bến cảng, hãng buôn, nhà băng… nổi tiếng của người Pháp, Hoa Kiều, Ấn Kiều… Vinh cũng là thành phố của thợ thuyền với hàng vạn công nhân, là cái nôi của phong trào yêu nước, cách mạng.
Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, thị xã Vinh giành được chính quyền vào ngày 21/8. Vinh trở thành thị xã tỉnh lỵ của Nghệ An. Ngày 28/12/1961, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 32 về thành lập thành phố Vinh. Ngày 10/10/1963, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 148/CP thành lập thành phố Vinh và là một trong 5 thành phố công nghiệp lớn nhất của miền Bắc Việt Nam.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Vinh là một trong những thành phố miền Bắc bị không quân Mỹ ném bom tàn phá nặng nề nhất, toàn thành phố hầu như bị san phẳng.
Ngày 1/5/1974, Phó Thủ tướng Đỗ Mười đã đặt viên gạch đầu tiên xây dựng lại thành phố Vinh. Ngày 13/8/2005, Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận Vinh là đô thị loại II. Ngày 5/9/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận Vinh là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Nghệ An.
Từ năm 2008, thành phố Vinh đã được Trung ương định hướng xây dựng và phát triển trở thành đô thị trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ.
Đặc biệt, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, TP. Vinh đã góp phần quan trọng để “Nghệ An đang hướng tới trở thành trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ về tài chính, công nghiệp công nghệ cao, thương mại, du lịch, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hóa và thể thao”.
Bước qua tuổi 60, thành phố Vinh đang đứng trước dấu mốc phát triển mới khi mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thông qua sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số hiện có của thị xã Cửa Lò.
Thành phố Vinh sau khi điều chỉnh có diện tích tự nhiên 166,24 km2; dân số 575.718 người; dự kiến có 36 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 27 phường và 9 xã thay vì chỉ với diện tích 105km2 với dân số khoảng 348.000 người sinh sống trên địa bàn 16 phường, 9 xã như hiện nay.
“Tập trung đầu tư và có cơ chế, chính sách vượt trội, để phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của cả vùng Bắc Trung Bộ”, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.