Tiền đồ 'sáng' cho sông Vinh
(Baonghean.vn) - Sông Vinh chiếm một vị trí quan trọng trong lòng đô thị Vinh. Vì vậy, Thành ủy, UBND thành phố đang rất quan tâm đến việc cải tạo, nâng cấp, thay đổi hiện trạng sông Vinh theo hướng cải thiện môi trường, tạo cảnh quan, không gian đô thị…
Khắc khoải... sông Vinh
(Baonghean) - Từ điểm cầu Bến Thủy, Sông Vinh uốn khúc ấp ôm núi Dũng Quyết, luồn lách xuyên qua các vùng đất Trung Đô, Vinh Tân, Cửa Nam… như một dải lụa mềm với đôi bờ xanh tuyệt đẹp. Nhưng sẽ là trái ngược, nếu đi dọc Sông Vinh theo hai bờ đê cao, đê thấp. Những đẹp đẽ, thi vị, nên thơ không còn nữa...
Đây là khẳng định của ông Phan Đức Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vinh liên quan đến phóng sự “Khắc khoải… Sông Vinh” mà Báo Nghệ An điện tử phản ánh ngày 5/11/2019.
Đã có một dự án khả thi
Việc quan tâm cải tạo, nâng cấp, thay đổi hiện trạng sông Vinh theo hướng cải thiện môi trường, tạo cảnh quan, không gian đô thị… mà Bí thư Thành ủy Vinh Phan Đức Đồng trao đổi được thể hiện tại Dự án “Phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An”. Dự án này gồm 3 hợp phần. Trong đó, cải tạo nâng cấp sông Vinh là hạng mục chính yếu của hợp phần 2 “Cải tạo đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu”. Và đoạn sông Vinh được ưu tiên đề xuất cải tạo nằm phía Nam thành phố, từ cầu Đước đến bara Bến Thủy với chiều dài khoảng 5,8 km.
Về hiện trạng của sông Vinh, tại dự án thông tin chi tiết sát với những nội dung của phóng sự “Khắc khoải… sông Vinh”. Đó là việc 2 bờ của sông đang là bờ đất tự nhiên, lòng sông bị bồi lắng, một số đoạn bị sạt lở và bị lấn chiếm; nhiều đoạn sông chưa có đường quản lý; nhiều năm không được nạo vét nên nhiều đoạn sông bị bồi lắng ảnh hưởng việc lưu thông dòng chảy.
Sông Vinh đoạn qua 2 phường Cửa Nam và Vinh Tân. Ảnh: Thành Cường |
Mặt khác, trong những năm gần đây với tốc độ đô thị hóa, mật độ dân cư sống gần sông tăng lên rất nhiều, bên cạnh đó, ý thức của người dân chưa cao nên dẫn đến tình trạng vứt rác, xả thải bừa bãi ra sông; cùng với đó là thường xuyên có một lượng nước thải rất lớn từ các phường trên địa bàn thành phố đổ ra, nên sông ngày một ô nhiễm trầm trọng. Đồng thời, do tác động của biến đổi khí hậu và diễn biến bất thường của thời tiết, lưu lượng dòng chảy của sông ngày càng tăng nhanh, năng lực tiêu thoát hiện nay không đáp ứng được, dẫn đến việc thường xuyên xảy ra tình trạng úng ngập các khu vực liên quan.
Vì vậy, cần thiết phải cải tạo nạo vét lòng sông, kết hợp với kè hai bên bờ sông để tăng cường khả năng tiêu thoát nước nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, giải quyết được ngập lụt, sạt lở, thu gom nước thải cải thiện môi trường, tạo cảnh cảnh quan, không gian đô thị, góp phần nâng cao đời sống cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố…
Để cải tạo, nâng cấp sông Vinh, tại dự án định hình rõ những hạng mục đầu tư, công việc cần thực hiện gồm: Nạo vét lòng sông và xây dựng bờ kè dọc theo sông; nâng cấp và cải tạo đường quản lý dọc theo 2 bờ sông; xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật bao gồm hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng và các hệ thống hạ tầng khác; xây dựng cảnh quan, cây xanh đường dạo dọc hai bên bờ sông… Tổng vốn đầu tư cải tạo nâng cấp sông Vinh dự kiến là hơn 37 triệu USD từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới.
Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới khảo sát thực tế sông Vinh. Ảnh: Bình Trần |
Về việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới, theo ông Nguyễn Trung Dũng - Giám đốc Ban Quản lý Tiểu dự án HTĐT Vinh, bước đầu đã có những thuận lợi. Bởi chính quyền thành phố Vinh đã được Ngân hàng Thế giới tín nhiệm sau khi thực hiện thành công dự án đầu tư cải thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn vay ưu đãi của chính tổ chức tài chính này.
Cũng vì vậy, khi tiếp cận với các thông tin Dự án “Phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An”, ngày 4 - 8/11/2019, Ngân hàng Thế giới đã cử đoàn công tác về khảo sát thực tế. Sau đó, đoàn công tác đã có các cuộc họp với thành phố Vinh, với tỉnh Nghệ An và đưa ra những đánh giá, nhận xét tốt. Hiện nay đã có Văn bản ghi nhớ tiền xác định dự án.
“Sau khi UBND tỉnh gửi đề xuất tới các bộ, ngành liên quan, Bộ KH&ĐT đã báo cáo Chính phủ về dự án “Phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An”. Hiện nay, Chính phủ đã giao các bộ, ngành liên quan thẩm định. Nếu được, Chính phủ sẽ phê duyệt danh mục dự án. Khi đó, tỉnh Nghệ An và thành phố Vinh sẽ thực hiện các bước tiếp theo…”.
Bản vẽ mặt bằng tổng thể Dự án "Phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An". |
Những tồn tại sẽ được giải quyết
Theo Bí thư Thành ủy Vinh Phan Đức Đồng, ngoài những nội dung Dự án“Phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An” sẽ triển khai trong tương lai, thành phố Vinh còn hướng đến việc kết nối hai bờ Nam, Bắc sông Vinh đoạn từ cầu Đước xuống bara Bến Thủy để thúc đẩy phát triển đô thị thông qua việc đầu tư xây dựng các hạng mục cầu, đường.
Bí thư Thành ủy Vinh cho hay, hiện tại bắc qua sông Vinh đã có cầu Đen, cầu Tân Phượng, cầu Tùng Binh, cầu Cửa Tiền 1, cầu Cửa Tiền 2 và cầu Đường Sắt. Trong số này, cầu Tùng Binh sẽ được làm mới, mở rộng tiết diện bề mặt cầu; cầu Đen sẽ được tu bổ lại. Bên cạnh đó, thành phố sẽ đầu tư xây dựng hai cây cầu lớn bắc qua trên sông Vinh trong quá trình thực hiện 2 tuyến đường Lê Mao và Trần Hưng Đạo kéo dài đấu nối với đường ven sông Lam.
“Thành phố Vinh quyết tâm thực hiện những nội dung này. Bởi có làm được như vậy, đô thị Vinh mới có những thay đổi mang tính đột phá, mới phát triển được sang hướng Nam…”.
Cầu Tân Phượng bắc qua sông Vinh. Ảnh: Nhật Lân |
Về những tồn tại ở hai bờ sông Vinh, đáng quan tâm nhất là kiến nghị của các hộ dân khối Yên Giang, P. Vinh Tân về việc bị hạn chế quyền sử dụng đất, trong khi dự án Khu đô thị mới Nam Cửa Tiền của Công ty CP Danatol lại được điều chỉnh quy hoạch, xây dựng nhà kiên cố sát bờ sông. Tìm hiểu về nội dung này, ngày 24/4/2019, Sở NN&PTNT có Văn bản số 1137/SNN-CCTL báo cáo UBND tỉnh. Tại đây nêu rõ theo quy định của Luật Thủy lợi, với lưu lượng dòng chảy lớn hơn 10m3/s, phạm vi bảo vệ công trình sông Vinh tính từ chân mái ngoài trở ra phải từ 3 – 5m. Dự án Khu đô thị mới Nam Cửa Tiền của Công ty CP Danatol có một phần diện tích nằm trọng phạm vi bảo vệ công trình sông Vinh.
Theo quy hoạch tại Quyết định số 782/QĐ.UB.Đt ngày 15/3/2005, khu vực này là khu dịch vụ nhỏ ven sông; còn hiện tại được điều chỉnh tại Quyết định số 2216/QĐ.UB-ĐT ngày 26/10/2010 trở thành 32 lô đất ở, dịch vụ nhỏ ven sông. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, năng lực phục vụ của công trình sông Vinh, Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư dự án mời đơn vị tư vấn đủ năng lực thực hiện kiểm tra, khảo sát đánh giá khả năng ảnh hưởng đến an toàn, năng lực phục vụ của công trình sông Vinh, báo cáo kết quả để cấp thẩm quyền đề ra phương án xử lý.
Vấn đề ô nhiễm môi trường, việc người dân bị hạn chế QSD đất... sẽ được xử lý trong tương lai gần. Ảnh: Nhật Lân |
Ngày 13/5/2019, UBND tỉnh có Văn bản 2875/UBND-CN chỉ đạo Công ty CP Danatol thực hiện các nội dung Sở NN&PTNT đề xuất, yêu cầu phải hoàn thành và báo cáo đến Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng và UBND TP. Vinh trước ngày 20/5/2019 để các cơ quan này xem xét, rà soát các quy định của pháp luật, tham mưu UBND tỉnh xử lý đúng quy định. Tuy nhiên, đến ngày 1/11/2019, Công ty CP Danatol mới chỉ hợp đồng với Trường Đại học Giao thông vận tải để thực hiện “Nghiên cứu, đánh giá khả năng ảnh hưởng đến an toàn, năng lực phục vụ của công trình sông Vinh khi thực hiện Dự án Khu đô thị mới Cửa Tiền, thành phố Vinh, Nghệ An”.
Theo Bí thư Thành ủy Vinh Phan Đức Đồng thì các vấn đề ở dự án Khu đô thị mới Nam Cửa Tiền của Công ty CP Danatol thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh. “Đây là một tồn tại mà lịch sử để lại. Có thể xem như là “điểm tối” cần khoanh lại để xử lý ở một thời điểm thích hợp. Còn những tồn tại khác hai bên bờ sông Vinh, đều sẽ được tính toán giải quyết khi Dự án "Phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An" được Chính phủ phê duyệt, cho phép thực hiện…” – Bí thư Thành ủy Vinh trao đổi.
Sông Vinh đoạn qua phường Trung Đô. Ảnh: Thành Cường |