Tư duy bán hàng 'khác lạ' của ông chủ trại nấm ở Nam Đàn
(Baonghean.vn) - Tiếp cận công nghệ Hàn Quốc, sáng chế ra những loại máy móc, dụng cụ tự động hóa các khâu trồng nấm, đặc biệt, với cách bán hàng “khác lạ”, một giáo dân ở xã Thượng Tân Lộc (Nam Đàn) đã thành công với mô hình sản xuất nấm sạch.
Học “lỏm” công nghệ, sáng chế máy móc tiết giảm chi phí
“10 năm đi làm thuê ở xứ người, vốn liếng tích góp được không ít, song cái mà tôi giàu có hơn gấp nhiều lần chính là kinh nghiệm làm ăn”, anh Nguyễn Văn Quang (51 tuổi), giáo dân ở xã Thượng Tân Lộc (Nam Đàn) mở đầu câu chuyện với chúng tôi.
Ngược dòng thời gian, bắt đầu từ năm 2003, anh Quang đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Năm 2005, anh về nước vì một sự cố ngoài ý muốn. Trở về quê trong khi vốn liếng chưa có, tìm kiếm một việc làm ổn định với thu nhập để “sống được” không hề dễ dàng. Do đó, năm 2007, anh tiếp tục thi tuyển đơn hàng và sang Hàn Quốc làm việc. 10 năm ở Hàn Quốc, anh làm cho duy nhất một chủ trồng rau cần và nấm hữu cơ.
“Bên đó, họ trồng nấm khác với cách trồng nấm thông thường ở ta. Hầu hết các khâu sản xuất đều được thực hiện bằng máy móc trong phòng lạnh với nhiệt độ từ 18-20 độ C. Từ đó, công suất và sản lượng tăng gấp đôi so với trồng bằng phương pháp truyền thống, thủ công. Nấm được trồng quanh năm với đa dạng các loại và có thể đạt tới 26 -30 tấn mỗi tháng, 300 tấn mỗi năm”, anh Quang cho biết.
Vừa làm công ăn lương, tích góp vốn liếng, song mỗi ngày làm việc, anh đều để ý tất cả các công đoạn, quy trình, cố gắng “học lỏm” kỹ thuật trồng nấm của họ. Tối đến, anh hệ thống lại và ghi chép chi tiết vào cuốn sổ tay. Các loại máy móc vận hành các công đoạn trồng nấm cũng được anh ghi nhớ kỹ cách lắp ráp, cơ chế hoạt động và được anh phác thảo vào sổ.
Trở về địa phương sau 10 năm bôn ba ở xứ người, anh quyết định khởi nghiệp tại quê nhà bằng xưởng sản xuất nấm sạch theo công nghệ Hàn Quốc. Thuê đất của xã, đầu tư gần 3 tỷ đồng để dựng nhà xưởng, lắp đặt giàn trồng nấm. “Mô hình trồng nấm ở trong tỉnh mình khá nhiều, mình đi sau nên chỉ có “nghĩ mới, làm khác” thì mới mong có lãi”, anh Quang chia sẻ.
Theo đó, những kiến thức, kinh nghiệm 10 năm làm cho xưởng nấm ở Hàn Quốc được anh áp dụng. Anh tự lên bản vẽ, mua các loại phụ tùng về lắp ráp các loại máy: máy trộn nguyên liệu, máy đóng bịch phôi và nồi hơi. Theo tính toán của anh, nhờ tự mày mò lắp ráp, chế tạo mà anh tiết kiệm được gần 1 tỷ đồng tiền máy móc, thiết bị. Và quan trọng nhất, tự lắp ráp và chế tạo được dựa trên quy mô, công suất của xưởng để tiết kiệm năng lượng, nhân công và nguyên liệu.
Trang trại trồng nấm được chia làm 16 phòng khép kín, mỗi phòng rộng 18m2, ngăn cách bằng các tấm cách nhiệt để luôn đảm bảo kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm phù hợp. Hệ thống tưới, phun, dẫn nhiệt cũng được đầu tư theo hướng tự động hóa. Nhờ đó, mẻ nấm đầu tiên với 15.000 bịch phôi thành công ngoài mong đợi đã tiếp thêm động lực để anh mở rộng quy mô, sản lượng.
Cách bán hàng “không giống ai”
Hiện nay, trung bình mỗi ngày anh Quang cung ứng ra thị trường khoảng 1,5 tạ nấm. Để tiêu thụ hết lượng nấm này là điều không hề dễ. Anh chia sẻ: Mình đi sau người khác, trong khi đó, nấm chưa phải là thực phẩm quen thuộc và được nhiều người ưa chuộng sử dụng trong thực đơn hàng ngày. Do đó, việc tính toán để chiếm lĩnh thị trường cũng rất “cân não”.
Để nấm đến tay người tiêu dùng với mức giá thấp nhất và đảm bảo tươi ngon nhất, thay vì nhập qua khâu trung gian, anh tự mình bỏ xe lạnh, chở nấm đến trực tiếp giao cho khách hàng là các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, các đại lý ở chợ và các cửa hàng thực phẩm sạch.
Anh Quang cho biết: “Với những người sản xuất ra sản phẩm để cung ứng ra thị trường nhưng tôi không bán hàng bằng mọi giá; không phải đại lý đặt bao nhiêu là mình cung ứng bấy nhiêu. Ngược lại, tôi luôn “căn” chính xác nhất lượng nấm mà đại lý ấy có thể tiêu thụ được hàng ngày để cung ứng.
Bởi nếu nhập nhiều hơn lượng hàng bán ra, nấm tồn đọng, ảnh hưởng đến chất lượng nấm, không chỉ gây thiệt hại cho đại lý mà còn mất uy tín với người tiêu dùng, gián tiếp ảnh hưởng đến thương hiệu nấm của xưởng. Trong trường hợp nấm tồn đọng, giảm chất lượng, tôi sẵn sàng thu, đổi cho khách dù những bịch nấm này về phải đổ bỏ”.
Đặc biệt, ngoài việc chia từng khu vực trồng nấm để thu hoạch và tiêu thụ theo hình thức cuốn chiếu, anh Quang tính toán mùa vụ cụ thể để điều tiết sản lượng nấm phù hợp. Theo đó, giai đoạn tháng Bảy âm lịch, ngày mồng Một và Rằm thì lượng nấm tiêu thụ tăng cao khi nhu cầu ăn chay của người dân tăng, do đó, căn chỉnh để có nấm thu hái nhiều vào thời điểm này. Khi nguồn cung rau xanh ở thị trường khan hiếm vào mùa nắng hạn gay gắt hoặc khi mưa bão kéo dài thì nhu cầu nấm cũng tăng cao. Do vậy, việc điều tiết, chăm sóc để đảm bảo nấm cho thu hoạch đúng thời điểm là quan trọng.
Nhờ biết cách điều tiết thị trường, nhờ đặt chữ tín trong làm ăn lên đầu nên lượng nấm mà anh Quang thu hái hàng ngày dù nhiều vẫn tiêu thụ hết, đem lại doanh thu gần nửa tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 4 lao động địa phương.
Hướng đến sản xuất xanh
Hiện tại, anh Nguyễn Văn Quang đang trồng thử nghiệm nấm trong lọ nhựa thay thế cho túi bóng đóng bịch phôi chỉ sử dụng 1 lần. “Chi phí đầu tư cho lọ nhựa ban đầu khá cao, nhưng bù lại tái sử dụng được hàng chục lần, trong khi trồng trong túi bóng sau mỗi lần thu hoạch phải đổ bỏ, vừa lãng phí, vừa ảnh hưởng đến môi trường”, anh Quang cho biết.
Mặt khác, nước tưới cho nấm cũng được anh Quang tận dụng nước khe Kẹp, vừa sạch, vừa giàu khoáng chất nên cây nấm phát triển đều, màu sắc đẹp và chất lượng cao hơn. Bên cạnh đó, anh cũng đang nghiên cứu kết hợp giữa mùn cưa với bột của lõi ngô để làm phôi nấm. Nếu thành công thì không chỉ tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp mà còn tạo thêm nguồn thu cho bà con trồng ngô trong vùng.
Để tận dụng phế phẩm của phôi nấm bào ngư, khi thu hoạch xong, bịch phôi được xử lý bằng vôi, khử trùng và phối trộn để tiếp tục trồng nấm mộc nhĩ. Phụ phẩm trồng nấm mộc nhĩ sau khi thải ra tiếp tục được phối trộn để cung cấp cho người dân trong vùng phục vụ trồng rau màu, đảm bảo tạo ra nông sản sạch.
“Phế phẩm trồng nấm có thể nghiên cứu làm thức ăn cho giun quế và sử dụng phân của giun quế làm giá thể để trồng nấm... Đây là cách tối đa tận thu các nguồn phế phụ phẩm, đồng thời, hạn chế chất thải gây ô nhiễm môi trường”, anh Quang nói.