Tướng Mỹ kêu gọi thủy quân lục chiến chuẩn bị cho 'trận đánh lớn'
Tư lệnh thuỷ quân lục chiến, tướng Robert Neller cảnh báo các binh sĩ khi có mặt tại Na Uy, nơi lực lượng Mỹ đang hỗ trợ các chiến dịch của NATO và Bộ chỉ huy châu Âu của Mỹ.
Tướng Robert Neller - Ảnh: REUTERS |
"Hy vọng là tôi sai nhưng cuộc chiến đang đến gần. Các anh đang chiến đấu ở đây, một cuộc chiến quốc tế, một cuộc chiến chính trị, bằng sự hiện diện của các anh ở đây" - Tướng Neller nói trước 300 thuỷ quân lục chiến gần TP Trondheim, phía bắc thủ đô Oslo của Na Uy.
Lực lượng luân chuyển này có mặt tại Na Uy từ tháng 1-2017 nhằm hỗ trợ NATO, Bộ chỉ huy châu Âu của Mỹ cũng như giúp đào tạo thủy quân lục chiến trong các điều kiện đồi núi và giá lạnh.
Tuy nhiên ông Neller cho biết lực lượng thủy quân lục chiến cần phải sẵn sàng khi sứ mệnh thời bình của họ thay đổi.
Đặc biệt, ông dự báo Thái Bình Dương và Nga sẽ là trung tâm của bất cứ xung đột nào trong tương lai bên ngoài khu vực Trung Đông, theo trang military.com của Mỹ.
Tương tự, thượng sĩ Ronald Green cũng nhấn mạnh: "Họ đang dõi theo chúng ta cũng như chúng ta dõi theo họ. Chúng ta có 300 quân ở đây nhưng có thể tăng lên 3.000 trong một đêm".
Ông Neller là thành viên của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, cơ quan cấp cao nhất của Lầu Năm Góc chịu trách nhiệm các kế hoạch khẩn cấp. Tuy nhiên chưa rõ liệu ông đề cập đến một cuộc chiến thực sự hay chỉ để lên tinh thần cho các binh sĩ đang đóng quân xa nhà trong kỳ lễ cuối năm.
Lực lượng thuỷ quân lục chiến Mỹ tại Na Uy - Ảnh: Military.com |
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19-12 đã công bố chiến lược an ninh mới xác định Nga và Trung Quốc là các đối thủ chính trị có ý đồ thách thức sức mạnh, an ninh và thịnh vượng của Mỹ.
"Họ rắp tâm khiến các nền kinh tế ít tự do và công bằng hơn, phát triển quân đội, kiểm soát thông tin và dữ liệu để trấn áp xã hội và mở rộng sự ảnh hưởng của mình" - bản chiến lược viết.
"Trung Quốc và Nga muốn định hình một thế giới đối chọi với các giá trị và lợi ích của Mỹ. Trung Quốc muốn thay thế Mỹ ở khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương, mở rộng tầm với của mô hình kinh tế do nhà nước quản lý của họ, và thiết lập lại trật tự trong khu vực theo hướng có lợi cho nước này... Nga muốn khôi phục vị thế cường quốc lớn và thiết lập tầm ảnh hưởng gần các đường biên giới của họ".
Theo tuoitre.vn