U23 Việt Nam chơi tấn công, tại sao không?
(Baonghean.vn) - U23 Việt Nam sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ tấm Huy chương Vàng môn bóng đá nam tại SEA Games 31 đã phải xuất quân ở “chặng leo núi” - vòng chung kết U23 châu Á 2022 với một ông thầy mới và lực lượng mới. Ngay lập tức, ông thầy Gong Oh-kyun truyền đi thông điệp về một lối chơi mới so với trước đó và đây chính là điều khiến nhiều người tỏ ra nghi ngại, băn khoăn?
Với thời gian rất ngắn kể từ khi kết thúc SEA Games cuối tháng 5 và khai màn vòng chung kết U23 châu Á đầu tháng 6/2022, liệu ông thầy mới đã có đủ “bột để gột nên hồ” hay không? Câu trả lời là không, bởi bóng đá Việt lâu nay vươn tầm được là nhờ lối chơi phòng ngự-phản công nhuần nhuyễn, bởi đối thủ vẫn luôn nhìn chúng ta ở cửa dưới. Nay ông Gong Oh-kyun thay đổi bằng lối đá tấn công, chơi nhanh, nhuyễn một cách chủ động liệu có gây bất ngờ cho đối thủ? Hay chính chúng ta sẽ va phải những bức tường, không thể xuyên phá và dính đòn hồi mã thương vốn là một quy luật nghiệt ngã của bóng đá, biết đó mà vẫn phải ôm hận như thường?
Chưa kể đối thủ ở vòng chung kết lần này là U23 Hàn Quốc, một thế lực thực sự ở châu lục; là U23 Thái Lan và U23 Malaysia, những đội bóng vừa chỉ chịu thua sát nút trước thầy trò ông Park Hang-seo, nay hừng hực bầu máu nóng gặp lại U23 Việt Nam để trả món nợ nuốt không trôi chỉ cách đây vài tuần?
Liên tiếp là những cơ hội được U23 Việt Nam tạo ra về phía khung thành của đối phương. Nếu chính xác hơn thì ở phút thứ 19, Tiến Linh đã có thể mở được tỷ số cho đoàn quân áo đỏ. Ảnh tư liệu |
Làm mới, làm khác luôn là yêu cầu khắt khe để đi lên của bất cứ đội bóng nào nhưng sự ổn định, cá tính, phẩm chất, “bộ gen ADN” thành công cũng luôn đứng sau thành công của những đội bóng đó. Đội bóng của ông thầy Park Hang-seo thành công trước hết nhờ một hàng thủ vững, không để thủng lưới suốt một kỳ SEA Games nay được chuyển giao nguyên trạng sang ông thầy mới. Đó là một thuận lợi đáng kể và rất khó để nói ông thầy mới nên thay đổi, làm mới khi ngôi nhà này đang có một nền móng vững vàng, qua được nhiều thử thách.
Nhưng khi đội bóng chủ trương lấy tấn công làm chủ đạo, đồng nghĩa với việc hàng thủ sẽ dâng cao hơn, sẵn sàng xâm nhập vòng cấm đối phương nhiều hơn thì yêu cầu đặt ra với hàng thủ cũng cao hơn, khó hơn. Sự bọc lót, sự phối hợp chống phản công của hàng thủ vì thế cũng phải linh hoạt hơn, kín kẽ hơn, mất nhiều sức lực hơn.
Đối với tuyến tiền vệ và tiền đạo, đang có dư luận về việc ông thầy mới chơi với sơ đồ 4-3-3 giàu sức tấn công như vừa nói ở trên, cũng lại là điều không dễ quen thuộc nhuần nhuyễn trong một vài tuần tập tuyện, thi đấu giao hữu.
Ba tiền vệ chơi giăng ngang hay cách nào đi nữa thì chắc chắn đây cũng là khu vực nóng nhất của mỗi trận đấu, tiêu tốn rất nhiều thể lực của những Hoàng Anh, Công Đến hay Quang Nho như dự báo của một số nhà chuyên môn. Đây cũng là nơi đối thủ sẽ tương kế, tựu kế ngay lập tức, chỉ cần một vài điều chỉnh để tập trung số đông nhân lực nhằm bóp nghẹt không gian chơi bóng của 3 người bên phía đối phương, chia cắt và làm “đói” hàng tiền đạo, tiêu diệt từ trong “trứng nước” mọi đường luân chuyển hay chuyển trạng thái, vô hiệu hóa mọi hướng tấn công có thể… Chắc chắn, trận đấu gặp U23 Hàn Quốc hay U23 Thái Lan với số đông “Thái kiều” sẽ cho chúng ta cảm nhận nóng hổi và đầy lo lắng về câu chuyện U23 Việt Nam sẽ tấn công, sẵn sàng đôi công như thế nào trước một đối thủ mạnh, đẳng cấp hàng đầu khu vực và châu lục?
U23 Việt Nam gặp nhiều khó khăn trước U23 Timor Leste. Ảnh tư liệu: Bảo Long |
Nhưng nói đúng ra, tất cả những điều lo lắng, băn khoăn trên đây vẫn chỉ là… lý thuyết về một U23 Việt Nam dưới thời ông Gong Oh-kyun. Phải đến khi U23 Việt Nam trình diễn lối chơi trên thực tế và kết quả mang lại, chúng ta mới có thể nhận biết và đưa ra một vài đánh giá khen chê nào đó. Chưa kể, ngay cả trong câu chuyện đường dài, khi U23 Việt Nam không giành được kết quả tốt nào ở Vòng chung kết U23 châu Á lần này, mọi việc vẫn không phải là thảm họa, phải đập đi làm lại mà phải xem đó là những bài học bổ ích, thiết thực để chúng ta kỳ vọng về sự thay đổi đi lên cần có, cần thiết từ bóng đá Việt trẻ hôm nay.
Vì vậy, hãy nhiệt thành ủng hộ mọi cách làm để giúp bóng đá Việt từng bước vươn tầm, không đóng khung trong thành công ở SEA Games hay một giải bóng đá trẻ nào đó, mà nên tính xa hơn, dài hơn, thử nghiệm, thử sức nhiều hơn để làm đa dạng bản sắc, làm giàu bản lĩnh, xây dựng “bộ gene ADN” thành công cho bóng đá Việt.