V-League và chuyện các ông thầy giỏi

Bùi Hoa 10/04/2023 16:14

(Baonghean.vn)- V.League 2023 mới trải qua 5 vòng đấu nhưng đã để lại nhiều dư vị đáng nhớ, vừa mang tính tất yếu, đáng có, vừa gây ra những bất ngờ, khó hiểu. Vì thế, rất đáng được đem ra phân tích, mổ xẻ và qua đó rút ra một điều gì khả dĩ.

Các đội bóng hùng mạnh, được đầu tư lớn… sớm thu được kết quả như Hà Nội FC đã là một thói quen, một nhẽ ai cũng biết. Đông Á Thanh Hóa vươn lên thứ 2 trong bảng xếp hạng, qua mặt cả Bình Định, nói cho cùng cũng là nhờ tậu được ông thầy giỏi, ngoại binh tốt và họ chỉ lặp lại kết quả từng có trước đây mà thôi.

Vấn đề là tại sao Công an Hà Nội hút gần hết các ngôi sao từ Bình Dương, Sông Lam Nghệ An, Hoàng Anh Gia Lai, Bình Định, PVF… nhưng chỉ được trận ra quân nổ vang trời, còn sau đó là thua và hòa tới 4 trận? Để rồi rất nhiều đồn đoán diễn ra, đội bóng vá được chỗ này lại thủng chỗ khác, trong đó có nguyên nhân cơ bản từ băng ghế chỉ đạo?

Tại sao Bình Dương “sắm” một lúc 4 ngoại binh chất lượng hàng đầu gồm một cầu thủ nhập tịch, 2 ngoại binh số má như Moses và Rimario, bố trí cặp tiền đạo “khủng nhất” V-League là Rimario-Tiến Linh và có trong tay cặp nhân tố trẻ vào loại tốt nhất gồm Vỹ Hào-Anh Khoa… lại thi đấu sụt sùi, tệ hại?

Dù không thể giành trọn 3 điểm nhưng Sông Lam Nghệ An đã có màn trình diễn khá tốt trước Bình Dương. Ảnh tư liệu Chung Lê

Thép Xanh Nam Định từ nghèo vươn lên giàu bất chợt, có tiền “mông má” gần như toàn bộ đội hình, chỉ còn lại vài ba gương mặt thành Nam đã là một sự lạ, không làm khán giả quay lưng lại còn lạ hơn. Đội bóng này thi đấu những trận đầu tạm ổn, nhưng đến vòng 5 thì bắt đầu gặp khó trước đối thủ, dù được thi đấu trên thánh địa Thiên Trường. Ông thầy trẻ bắt đầu ngấm cái khó của V-League khi tưởng như mọi việc dễ dàng nhưng hoàn toàn không phải thế.

Sẽ nói sao đây khi Hoàng Anh Gia Lai có nhóm đình đám U19 ngày nào trở thành ngôi sao Thường Châu, rầm rập lên tuyển Việt Nam mà chơi V-League rời rạc như cơm nguội, để đến khi hầu hết rời phố núi, để đưa trở lại những người từng bị cho mượn như Ngọc Quang, Quang Nho, cùng với các nhân tố trẻ Quốc Việt, Đức Việt, Thanh Nhân…lại vừa chơi hay mọi nhẽ, nhấn chìm Viettel ngay chính trên sân nhà Hàng Đẫy? Đến giờ thì người ta thấy Kitisuk già dặn thế nào khi đối đầu Thạch Bảo Khanh mới toanh ở V-League nhưng lại mạo hiểm về lối chơi.

Các đội bóng mạnh vươn lên, các đội bóng tưởng mạnh nhưng thực ra là yếu như vừa nói ở trên, là chuyện có thể hiểu được nhờ trả lời từ thực tiễn. Nhưng có đội bóng trên lý thuyết là mạnh, trên thực tế lại không phải như vậy, dẫn đến kết quả thắng không nổi đã đành nhưng cũng không thua ai qua 5 vòng đấu. Ấy là Sông Lam Nghệ An. Trong đội hình có 3 ngoại binh thi đấu thường xuyên, có ít nhất các tuyển thủ quốc gia như Văn Hoàng, Ngọc Hải, Trọng Hoàng, Xuân Mạnh, có dàn trẻ đầy tiềm năng, có cơ hội để thắng trận nhờ dẫn trước…nhưng hòa và chỉ hòa mà thôi?

Lịch thi đấu vòng 6 - V-League1-2023. Ảnh VFF

Khi Đông Á Thanh Hóa thi đấu tốt hiện nay, khi quãng khó của Hoàng Anh Gia Lai đã đi qua gọn ghẽ, người ta biết đến công lao của các ông thầy ngoại tài ba như Popov (nguyên huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Myanmar), Kiatisuk (nguyên huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Thái Lan). Hóa ra, trong bóng đá như trong cuộc sống luôn ứng nghiệm câu tục ngữ bất hủ “Không thầy đố mày làm nên”. Liên hệ Giải Ngoại hạng Anh, những ai theo dõi Chelsea thi đấu bết bát mùa này đều biết nguyên do số 1 là thiếu một huấn luyện viên đủ tầm để chỉ bảo các ngôi sao trị giá cả trăm triệu euro tiền chuyển nhượng.

Và những ai theo dõi bóng đá Sông Lam Nghệ An lâu nay, nhất là từ lứa U17, U19, U21, và đội 1 đều thấy rõ vì sao càng lên cao, ngôi vô địch, á quân, top 3 càng ngày càng rời xa đội bóng nức tiếng thành Vinh? Nguyên nhân được chỉ ra là do đội ngũ huấn luyện viên chưa/không đủ tầm dẫn dắt các tài năng trẻ? Nói đúng hơn, Sông Lam Nghệ An không thiếu các huấn luyện viên giỏi, tâm huyết, nhưng họ đã không được sử dụng đúng nơi, đúng lúc hoặc để họ chuyển đi đến nhiều nơi khác phù hợp hơn, được trọng dụng hơn, được phát huy tài năng hơn?

Trong trận chung kết U17 quốc gia năm nay, trong khu kỹ thuật U17 Hồng Lĩnh Hà Tĩnh có mặt nhiều gương mặt gạo cội về huấn luyện từ Nghệ An là một ví dụ? Hồng Lĩnh Hà Tĩnh không có nhiều thuận lợi như Sông Lam Nghệ An nhưng đang thi đấu tốt hơn đội bóng láng giềng là do nhiều nguyên nhân, nhưng không thể bỏ qua nguyên nhân từ tài năng của ông Nguyễn Thành Công, như chúng ta đều biết.

HAGL có chiến thắng ấn tượng trước Viettel. Ảnh: TTXVN

Lâu nay, “thương hiệu” của đội bóng thành Vinh là thầy và trò đều có gốc từ phố Đào Tấn lừng danh, một ai khác lọt chân vào đều rất khó thành công. Nay vẫn cách đó nhưng lâu lắm rồi không mang lại một chút thành công nào, trái lại còn để đội hình chia năm, xẻ bảy, người đáng làm thì bỏ, người chưa đến mức thì được dùng và hậu quả ngay lập tức trả lời. Rất tiếc, vô vàn cách làm chuyên nghiệp đang diễn ra ở đây lại không song hành với chất lượng thi đấu mong muốn của đội bóng. Và cách nào thì cũng phải có một người xứng đáng đứng ra, chịu trách nhiệm, còn như hiện tại thì rất khó, không biết đằng nào mà nói, mà kêu, mà tin?

Thì đó, Ngọc Hải và đồng đội chạy không biết mệt, thi đấu đột biến thấy rõ, tung ra 20 cú sút mà chỉ một lần thành công, nghĩa là bế tắc, kém duyên đến thế là có nguyên nhân nội tại, tích tụ cả đấy, đừng đổ cho “đen phải chịu, đỏ thì quên đi”. Lý do rõ như ban ngày ở ngay khu kỹ thuật ấy, không phải chuyện đen hay đỏ gì đâu. Ai ai không biết chỉ cần một điều chỉnh của ông thầy thì đội bóng chuyển từ bại thành thắng và vì sao thể thao lại sản sinh ra những bậc thầy khiến thiên hạ phải trầm trồ, thán phục và chính Sông Lam Nghệ An đang thiếu trầm trọng là điều đó?

Mới nhất
x
V-League và chuyện các ông thầy giỏi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO