Đình làng Phú Lập ở xã Thanh Xuân được xây dựng từ lâu đời. Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đình đã có diện mạo như ngày hôm nay. Trong khuôn viên đình hiện có 3 công trình là thượng đình, hạ đình và nhà tránh lũ. Ảnh: Huy Thư Hạ đình là ngôi nhà 3 gian xây dựng từ thời Nguyễn "Khải Định ngũ niên" (1920) và mới được bà con thôn Phú Lập di dời từ Trường THCS Đặng Thai Mai về dựng trong khuôn viên đình vào năm 2004. Trước đây hạ đình từng được sử dụng làm nhà thư viện của trường này. Ảnh: Huy Thư Khung gỗ của hạ đình thể hiện tập trung nhất vẻ đẹp điêu khắc gỗ của ngôi đình cổ. Trên kẻ, hạ, vì... được chạm khắc tinh xảo, công phu. Ảnh: Huy Thư Hai mặt của những kẻ hiên được điêu khắc hình rồng với đầy đủ các bộ phận đầu, thân, đuôi, chân, uốn lượn dọc theo thân kẻ một cách sống động, mềm mại. Ảnh: Huy Thư Trên hạ nhà, các đuôi hạ được điêu khắc từng cặp rồng, phượng đối xứng nhau. Nguyên xưa, khung gỗ của đình để mộc, trong lần di dời, trùng tu gần đây, người dân địa phương đã cho phun sơn lại. Ảnh: Huy Thư Hình ảnh "phượng hàm thư" đang sải cánh, đầu nhô cao với chiếc mỏ đang ngậm cuốn thư trên đuôi hạ trông khá đẹp mắt. Ảnh: Huy Thư Nhiều đề tài truyền thống như "Mai hóa nai", "long mã", "liên quy", "phượng vũ".... được thể hiện trên nhiều kết cấu gỗ của đình. So với nhiều ngôi đình cổ cùng thời, điêu khắc hạ đình Phú Lập mang tính khỏe khoắn, phóng khoáng. Một số hình ảnh được thể hiện lồng ghép khá đặc sắc. Với đề tài "liên quy", hình ảnh lá sen uốn cong mềm mại như một chiếc mai rùa. Ảnh: Huy Thư Các vì nóc của hạ đình, đặc biệt là các vì ở giữa, những kết cấu như giá chiêng, cột kê, bệ đỡ, khấu đầu... được điêu khắc hình hoa lá với mật độ dày đặc. Trên các cuốn thư khắc những cụm chữ Hán thể hiện quan niệm, mong ước của người địa phương như: "Kim Nghê cựu chỉ", "Tân đình vấn lương"... Ảnh: Huy Thư
POWERED BY
ONE CMS - A PRODUCT OF
NEKO