Xã Châu Nhân không chỉ nổi tiếng là "đất rươi", mà còn là vựa lạc của huyện Hưng Nguyên. Vụ lạc này, bà con địa phương thu hoạch muộn hơn các nơi. Trung tuần tháng 6, người dân ở đây mới bắt đầu cày, nhổ lạc... Bà con địa phương chủ yếu dùng trâu, bò cày vỡ đất và dùng sức người rũ đất lấy gốc lạc. Để tránh nắng nóng, nhiều hộ dân vào ban đêm chong đèn đi rũ lạc hoặc đi làm từ 2 - 3h, tầm 7 -8h sáng đã kết thúc một buổi thu hoạch lạc. Ảnh: Huy Thư Theo bà con địa phương, xã Châu Nhân thường bị ngập vào mùa lũ lụt, nhưng đất trồng lạc ở đây vẫn được cải tạo cho dễ sản xuất bằng cách mua cát về đổ lên ruộng. Giống lạc mà người dân đang trồng là lạc sen do bà con tự để từ mùa trước. Ảnh: Huy Thư Do làm thủ công, dùng sức người là chính, nên thời gian thu hoạch lạc ở xã Châu Nhân thường kéo dài . Mỗi sào lạc, nếu ít lao động, phải vài ngày mới thu hoạch xong. Bà con cày lạc, nhổ lạc tuần tự theo thửa, theo luống, làm đến đâu gọn đến đó. Ảnh: Huy Thư Anh Võ Văn Quế - hộ trồng lạc nhiều ở xóm Phú Xuân, xã Châu Nhân cho biết: Năm nay, lạc mất mùa, củ ít, lại xộp. Nhà anh trồng 6 sào lạc, năm trước được 50 bì lạc khô (khoảng 1,2 - 1,3 tấn), nhưng vụ này đã phơi khô, đóng bao chỉ được 20 bì. Ảnh: Huy Thư Sau khi thu hoạch lạc, bà con xã Châu Nhân thường trồng các loại đậu (đậu xanh, đậu đen) và vừng. Kinh nghiệm từ nhiều năm, trước khi cày lạc, bà con thường ra giống đậu. Lúc nhặt hết lạc, chỉ cần dùng trâu, bò bừa qua cho phẳng và sạch cỏ là xong. Hôm sau có mưa, đậu, vừng sẽ mọc xanh tốt. Ảnh: Huy Thư Để tách củ ra từ gốc lạc, người dân địa phương thường đập gốc lạc lên thành xe bò lốp, lên hộp gỗ có gắn lưới phía sau như cái trủ đựng rươi, hay đập lên thanh gỗ kê trên miệng thùng phi. Đập xong, đóng lạc vào bì chở về nhà phơi. Ông Cao Xuân Toàn ở xóm Phú Xuân, xã Châu Nhân cho hay: "Năm nay mất mùa lạc, không vui như năm trước. Nhà tôi làm 3 sào lạc, năm trước được khoảng 5 - 6 tạ lạc khô, nay mất mùa giỏi lắm được 3 - 4 tạ". Ảnh: Huy Thư Ông Võ Tiến - Xóm trưởng xóm Phú Xuân, xã Châu Nhân cho biết: Năm nay, cả xóm có khoảng 18 ha lạc, chủ yếu là lạc sen lai, sen dựng, diện tích giảm nhiều so với những năm trước, do bà con chuyển sang trồng ngô. Mùa lạc, người dân thường thu hoạch, phơi khô rồi bán cho lái buôn, chứ không bán lạc tươi như ở các nơi. Ảnh: Huy Thư Một số hộ sau khi thu hoạch xong đã trải bạt trên ruộng để phơi lạc củ. Thường thì lạc qua 1 nắng ráo vỏ, người dân sẽ sàng đất để làm sạch lạc. Ảnh: Huy Thư Xã Châu Nhân có nhiều xóm trồng lạc, nhưng tập trung chủ yếu ở các xóm 7, 8, 9, Phú Xuân... mỗi xóm vài chục ha. Mùa thu hoạch lạc, trên những tuyến đường làng ở đây phơi đầy lạc. Theo bà con, trời nắng to, lạc tươi phải phơi 3 - 4 nắng mới khô. Ảnh: Huy Thư Ông Nguyễn Công Hoan - Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Nhân cho biết thêm: "Vụ lạc này, cả xã có hơn 100 ha lạc, nhưng lạc mất mùa, năng suất thấp. Theo tôi, lạc mất mùa do nhiều nguyên nhân: Thứ nhất là do giống lạc cũ đã thái hóa; thứ hai là do cách trồng, đất không được luân canh theo vụ, cứ trồng lạc mãi; thứ 3 là do thời tiết không thuận...". Hiện giá lạc khô ở địa phương đang dao động từ 34.000 - 38.000 đồng/kg. Nhiều hộ dân đã phơi khô lạc nhưng chưa có lái buôn đến thu mua. Ảnh: Huy Thư
Thu hoạch lạc ở xã Châu Nhân. Video: An Nam
POWERED BY
ONE CMS - A PRODUCT OF
NEKO