Về Diễn Kim vui "Tết thống nhất"
(Baonghean) - Không khí ở xã Diễn Kim (Diễn Châu) những ngày này khác lạ so với những ngày thường. Ấy là cờ hoa rợp ngõ, tiếng loa phát thanh vang lên rộn rã những bài ca cách mạng… Chúng tôi hỏi nhà ông Bùi Huy Dũng, Chi hội trưởng Chi hội CCB xóm Nam Liên, người dân nơi đây hồ hởi: “Nhà báo về vui Tết 30/4 với lính cụ Hồ phải không?”
Khi chúng tôi đến nhà ông Dũng, thì Chi hội CCB đã tề tựu khá đông đủ. Những nụ cười rổn rảng, cái bắt tay thật chặt và thân tình đã tạo nên bầu không khí “đón Tết” đầy ấm áp. Sau phần đầu giống như một buổi sinh hoạt hội, là việc điểm qua những hoạt động của Hội trong thời gian qua, nào là đóng góp xây dựng quê hương, tham gia với con cháu trong bảo vệ trật tự tại địa bàn…, là phần “trở về ký ức”. Đã 40 năm trôi qua, nhưng phút giây này ngồi bên nhau, tất cả ký ức vẫn trở về vẹn nguyên, xanh tươi trong lòng những người lính.
Với họ, đó là một quãng đời sâu đậm nhất, gắn với lý tưởng sống, gắn với tuổi thanh xuân bao khát khao, dù vẫn biết nhắc đến là nhớ về máu xương đã đổ… Không chỉ kể lại cho nhau nghe những kỷ niệm chiến trường, những lần “thoát hiểm” chỉ gang tấc, những khi ngỡ chừng đã chạm vào cái chết, mà tất cả đã chung niềm xúc động với phút giây ngày 30/4 lịch sử. Ông Bùi Huy Dũng hồi tưởng: “Ngày hôm ấy, tiếng cười, niềm hân hoan hòa trong tiếng nấc nghẹn. Hai tiếng “thống nhất” vang lên trên môi người dân Việt khi ấy mới xúc động làm sao. Tôi mãi nhớ hình ảnh những đoàn người nối dài, cờ hoa rợp phố. Họ cùng nắm tay nhau, hát vang… khi chúng tôi ở giữa Sài Gòn”.
Hội CCB xóm Nam Liên chụp ảnh lưu niệm nhân dịp Tết 30/4. |
Cùng chung dòng ký ức, với bàn tay nắm chặt, cựu chiến binh Đào Hải Vân kể lại: “Trước thời điểm đất nước hoàn toàn thống nhất, là người lính thông tin của Sư đoàn 341, thuộc Quân đoàn 4, chúng tôi có nhiệm vụ thông tin liên lạc để quân ta đánh vào cửa thép miền Đông (Long Khánh, Đồng Nai), một trong những cửa ngõ tiến vào Sài Gòn giải phóng miền Nam, vì vậy nhiệm vụ được xác định nặng nề lắm nhưng rất đỗi vinh dự tự hào”…
Tất cả, lần lượt như một cuốn phim chạy chậm và được tiếp nối bằng nhiều mạch nguồn xúc cảm. Rồi những cựu chiến binh tóc đã bạc màu ấy cùng rưng rưng gọi tên những đồng đội đã nằm xuống trước phút giây thống nhất. Những người trẻ tham gia cái Tết với các bác, các chú nhờ vậy mà thấm thía hơn sự mất mát, hy sinh, cũng như thấy được giá trị của hòa bình, độc lập.
Ở Diễn Kim không chỉ chi hội ở Nam Liên tổ chức “ăn tết 30/4” mà hầu hết các chi hội đều tổ chức, xem đây là ngày lễ lớn trong năm. Ông Bùi Ngọc Quỳnh, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh xóm Kim Liên, cho biết: “Việc tổ chức Tết 30/4 không chỉ là dịp để anh em gặp gỡ thăm hỏi nhau, đến thắp hương cho đồng đội đã hy sinh, cùng uống với nhau chén nước, cùng ăn với nhau bữa cơm, mà còn là dịp để ôn lại những kỷ niệm chiến trường, cùng nhau điểm lại những việc anh em chi hội đã làm được trong năm”. Ông cho biết thêm, xóm Kim Liên có 20 hội viên CCB, trước đây phần đa các gia đình đều làm muối nên kinh tế còn khó khăn.
Những năm gần đây, do biết làm thêm một số nghề phụ như kinh doanh buôn bán, mở nhà xưởng sản xuất… nên kinh tế nhiều gia đình đã khá hơn. Các hội viên đều thống nhất dùng số tiền quỹ 24 triệu đồng cho 3 hộ còn khó khăn vay không tính lãi. Bên cạnh đó, anh em trong chi hội thường xuyên thông tin liên lạc để thăm hỏi nhau lúc ốm đau, chung vui lúc dựng vợ gả chồng cho con cái. Trong những năm qua, nhờ phong trào CCB nêu gương sáng giáo dục con cháu mà hiện nay các gia đình trong chi hội không có con em dính vào các tệ nạn xã hội, 18 cháu hiện đang theo học đại học…
Được biết, ngày Tết thống nhất 30/4 đã được duy trì hàng chục năm qua tại xã Diễn Kim. Không chỉ với các chi hội CCB mà nhiều gia đình cũng xem đây là ngày Tết quan trọng. Họ không quên sắm sửa đồ lễ, chuẩn bị mâm cơm thịnh soạn để cúng gia tiên và những con em, đồng đội đã hy sinh. Theo bà Phạm Thị Tâm, xóm Nam Liên: “Ngày lễ 30/4 từ lâu với gia đình tôi đã là ngày tập trung con cháu, dâu rể về tâm thành để cúng, vừa giáo dục con cháu, trai gái, dâu rể biết uống nước nhớ nguồn”.
Có thể thấy, đã 40 năm trôi qua nhưng ký ức của ngày 30/4 năm 1975 vẫn còn vang vọng trong mỗi người dân quê biển Diễn Kim. Khí thế hào hùng ấy hôm nay và mai sau sẽ vẫn được người dân biển tưởng nhớ theo cách riêng của mình.
Quảng An