Từ vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 2 vợ chồng tử vong tại Hưng Nguyên: Cần mạnh tay với xe khách chạy trái tuyến!

Tiến Đông 17/01/2024 10:17

(Baonghean.vn) - Đã được cấp giấy phép, phù hiệu kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, tuy nhiên, nhiều phương tiện vẫn cố tình chạy sai tuyến, sai lịch trình cố định để đón, trả khách. Tình trạng này cần được chấn chỉnh, xử lý nghiêm để phòng ngừa những vụ tai nạn thảm khốc xảy ra.

Nhiều bức xúc

Vào khoảng 4h sáng 6/1, trên Tỉnh lộ 542B, đường Phạm Hồng Thái, thuộc địa bàn xóm 4, xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên, đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng. Thời điểm đó, vợ chồng anh Nguyễn Văn N. và chị Nguyễn Thị T. (trú tại xóm 5, xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên), trên đường đi lấy hàng tại chợ Vinh để về nhà bán, khi lưu thông đến địa bàn xóm 4, xã Hưng Phúc, xe máy của 2 người xảy ra va chạm với chiếc máy cày, khiến cả hai vợ chồng ngã ra đường. Cùng lúc này, xe khách mang BKS 37F- 000.51 của Công ty TNHH Vận tải và Du lịch Đức Lan đang lưu thông theo chiều ngược lại tông trúng, khiến 2 vợ chồng anh N. tử vong.

Điều đáng nói, xe khách này đã được Sở Giao thông Vận tải Nghệ An cấp phù hiệu chạy tuyến cố định từ Bến xe phía Đông TP.Vinh (Nghệ An) đi Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội), theo lộ trình từ Bến xe phía Đông ra Quốc lộ 46 rồi ra Bắc và ngược lại. Thế nhưng, xe khách cố tình chạy sai lộ trình, vào tận phía Tây Nam của thành phố Vinh (trên tuyến đường tỉnh 542B) và xảy ra vụ tai nạn nói trên.

bna-chiec-xe-gay-tai-nan-2101.jpg
Chiếc xe giường nằm của Công ty TNHH Vận tải và Du lịch Đức Lan trong vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra sáng 6/1 vừa qua. Ảnh: CSCC

Theo Sở Giao thông Vận tải, Công ty TNHH Vận tải và Du lịch Đức Lan có 11 phương tiện đăng ký kinh doanh vận tải theo tuyến cố định trên 5 tuyến. Trong đó, từ Nghệ An đi Hà Nội có 4 tuyến, xuất phát từ: Bến xe Bắc Vinh; Bến xe phía Đông thành phố Vinh; Bến xe Nam Đàn; Bến xe Cửa Lò đi Bến xe Nước Ngầm và ngược lại. Ngoài ra, còn có 1 tuyến xuất phát từ Bến xe miền Trung đi tỉnh Vĩnh Phúc và ngược lại. Việc xe khách của đơn vị này cố tình chạy sai tuyến rồi gây tai nạn giao thông nghiêm trọng đang được các cơ quan chức năng hoàn tất hồ sơ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trên thực tế, việc xe khách cố tình chạy sai tuyến cố định không còn là chuyện lạ. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện nay, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, các xe khách giường nằm xuất phát từ Nghệ An đi các tỉnh phía Bắc và phía Nam, dù không có lịch trình xuất phát từ huyện Kỳ Sơn, nhưng nhiều nhà xe vẫn cố tình đưa xe lên đón, trả khách, gây nên tình trạng lộn xộn. Tình trạng này đã xảy ra nhiều năm, sau mấy lần cơ quan chức năng ra quân xử lý, tưởng rằng đã chấm dứt, nhưng thời gian gần đây lại tái diễn mạnh hơn.

thanh-tra-so-gtvt-nghe-an-kiem-tra-mot-xe-khach-chay-vuot-tuyen-tren-ql7-doan-qua-dia-phan-huyen-con-cuong-anh-tu-lieu-4811-4064.jpg
Thanh tra giao thông kiểm tra một xe khách chạy trái tuyến trên Quốc lộ 7. Ảnh: Tư liệu

Còn nhớ vào tháng 3/2021, hàng loạt xe khách chạy tuyến đường 7 đã kéo đến Bến xe Bắc Vinh để phản đối việc rất nhiều xe dù, xe trái tuyến dù không đăng ký chạy tuyến cố định dọc đường 7 nhưng vẫn ngang nhiên chạy lên bắt khách. Thậm chí nhiều xe khách giường nằm tuyến cố định chạy từ Nghệ An đi Sài Gòn, Kon Tum, Gia Lai, Hà Nội, Móng Cái... lấy cớ đón trả khách tận nhà và giả danh xe hợp đồng cũng đã bắt khách chặng ngắn từ các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông xuống TP. Vinh. Điều này đã gây thiệt hại không nhỏ cho các đơn vị kinh doanh vận tải đã đăng ký tuyến cố định nội tỉnh.

Trên thực tế, hằng năm, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải và lực lượng Cảnh sát giao thông cũng đã xử phạt rất nhiều trường hợp phương tiện vận tải chạy sai tuyến. Trong đó, có phương tiện do Sở Giao thông Vận tải cấp phù hiệu, cũng có cả phương tiện do các tỉnh khác cấp. Sau khi bị xử phạt, nhiều phương tiện đã bị tước phù hiệu. Tuy vậy, nhiều phương tiện vẫn tỏ ra “nhờn luật”, bất chấp các quy định và tiếp tục chạy sai tuyến cố định.

xe-trai-tuyen-9471.jpg
Một xe khách chạy trái tuyến lên bắt khách tại Kỳ Sơn. Ảnh: Tư liệu

Cần chấn chỉnh, xử lý nghiêm

Theo tổng hợp của Sở Giao thông Vận tải, đến thời điểm hiện nay có 39 đơn vị kinh doanh vận tải, với 670 phương tiện tuyến cố định, hoạt động trên 1.065 tuyến, trong đó, có 124 tuyến nội tỉnh và 941 tuyến ngoại tỉnh. Đối với tuyến ngoại tỉnh các phương tiện xuất phát từ 14 bến xe khách đi, đến các bến xe thuộc các tỉnh phía Nam và phía Bắc gồm: Bến xe Bắc Vinh; Bến xe phía Đông thành phố Vinh; Bến xe miền Trung; Bến xe Yên Thành; Bến xe Sơn Hải; Bến xe Nam Đàn; Bến xe Dùng; Bến xe Tân Kỳ; Bến xe Đô Lương; Bến xe Con Cuông; Bến xe Quỳ Hợp; Bến xe Quế Phong; Bến xe Nghĩa Đàn; Bến xe Cửa Lò.

Trước tình trạng xe khách chạy sai tuyến cố định, ông Nguyễn Sỹ Thắng - Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông Vận tải cho biết: Thời gian qua, sở đã có nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nói chung và kinh doanh vận tải khách tuyến cố định nói riêng. Trong đó, yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải tiến hành rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông và tiếp tục thực hiện nghiêm, đầy đủ quy trình bảo đảm an toàn giao thông theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 11 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ và quy định tại Điều 4 của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

bna-vb-1378.jpg
Công văn chỉ đạo của Sở Giao thông Vận tải. Ảnh: Tiến Đông

Bên cạnh đó, sở cũng thường xuyên theo dõi quá trình hoạt động của phương tiện và người lái xe trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ vận chuyển qua thiết bị giám sát hành trình, camera; thực hiện nhắc nhở, chấn chỉnh ngay đối với người lái xe khi phát hiện xe chạy quá tốc độ liên tục, quá thời gian làm việc trong ngày, hoạt động sai hành trình vận chuyển, thiết bị giám sát hành trình không có tín hiệu và các nguy cơ gây mất an toàn giao thông khác; tiếp nhận và đưa ra phương án xử lý khi xảy ra các sự cố gây mất an toàn giao thông. Các thông tin về việc chấn chỉnh, nhắc nhở khi người lái xe vi phạm phải được ghi chép hoặc cập nhật vào phần mềm của đơn vị để theo dõi.

Mới đây, ngày 8/1/2024, Sở Giao thông Vận tải đã liên tiếp ban hành 2 văn bản: số 99/SGTVT-VT về việc tăng cường khai thác, sử dụng dữ liệu trên hệ thống thiết bị giám sát hành trình để phục vụ công tác quản lý hoạt động vận tải trên địa bàn; số 100/SGTVT-VT về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trong đó, giao cho Thanh tra sở; Phòng Quản lý vận tải và các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô phải tăng cường khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình; theo dõi trên hệ thống camera để tham mưu cho giám đốc sở thu hồi phù hiệu, đình chỉ hoạt động đối với các đơn vị và phương tiện vi phạm quy định…

Sở cũng yêu cầu các phòng chuyên môn, các đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng ô tô phải thường xuyên kiểm tra, kiểm soát phương tiện, người lái xe, tuyệt đối không đưa các phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, người lái xe không đủ điều kiện, không có thiết bị giám sát hành trình, camera hoặc có nhưng không hoạt động vào tham gia giao thông. Tổ chức kiểm tra, tổng hợp, đánh giá rút kinh nghiệm và có các hình thức xử lý đối với người lái xe vi phạm các quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Đồng thời, chỉ đạo Thanh tra sở tăng cường theo dõi, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm thông qua dữ liệu từ hệ thống giám sát hành trình, đặc biệt là các trường hợp chạy sai hành trình vận tải...

Mới nhất
x
Từ vụ tai nạn nghiêm trọng khiến 2 vợ chồng tử vong tại Hưng Nguyên: Cần mạnh tay với xe khách chạy trái tuyến!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO